Gio Linh nỗ lực xây dựng nông thôn mới
(QT) - Qua 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư của nhà nước và nhân dân hạn chế, chương trình xây dựng NTM của huyện vẫn còn chậm về tiến độ, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian tới.
 |
Nhân dân xã Hải Thái, Gio Linh làm đường giao thông |
Qua thực hiện, huyện Gio Linh đã huy động tổng số vốn hơn 911.105 triệu đồng để xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 29.481 triệu đồng, ngân sách tỉnh 19.600 triệu đồng, huyện 16.000 triệu đồng, huy động từ nhân dân 309.000 triệu đồng…Từ nguồn vốn này, các cấp chính quyền đã tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản; mở rộng các loại hình kinh doanh, dịch vụ; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ tài nguyên môi trường… để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo bước chuyển biến cơ bản về hạ tầng phục vụ sản xuất - dân sinh. Đến nay, toàn huyện có 1 xã (xã Gio Sơn) đạt chuẩn xây dựng NTM; 2 xã đạt 15/19 tiêu chí; 11 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 5 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt ở các xã hầu hết đều tập trung ở các lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực đầu tư cao, có nơi ngoài “tầm với” của địa phương như giao thông, thủy lợi, trường học, thiết chế văn hóa - thể thao, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường… Được đánh giá là một trong những xã không có nhiều thuận lợi trong xây dựng NTM, tuy nhiên với sự nỗ lực và cách làm sáng tạo của mình, mới đây Gio Sơn đã được công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM. Từ thực tiễn của địa phương, Chủ tịch UBND xã Gio Sơn Đỗ An Chung đúc kết một số kinh nghiệm là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về mục đích, ý nghĩa, cách làm, cơ chế, chính sách của nhà nước… để nhân dân hiểu, có sự đồng thuận và cộng đồng trách nhiệm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong xây dựng NTM. Việc lập quy hoạch, đề án và quá trình triển khai thực hiện phải phù hợp với điều kiện thực tế và tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân; công khai, minh bạch việc huy động và sử dụng các nguồn kinh phí. Phải đề ra chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu trong từng giai đoạn gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM; việc dễ làm trước, việc khó làm sau và kiên trì trong thực hiện . Là một trong những xã được chọn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh, đến nay xã Gio Phong mới đạt 15/19 tiêu chí. Lý giải về thực trạng này, Chủ tịch UBND xã Gio Phong Nguyễn Đức Sâm cho rằng, nguyên nhân cơ bản là một bộ phận người dân địa phương nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ xây dựng NTM, xem xây dựng NTM là trách nhiệm của chính quyền. Vì vậy, tỷ lệ người dân tham gia hội họp thấp, việc huy động nhân dân đóng góp công sức, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả chưa cao. Sản xuất nông nghiệp, thương mai - dịch vụ của địa phương quy mô nhỏ lẻ, manh mún đã tác động lớn đến việc làm, thu nhập và sự tham gia đóng góp của người dân vào xây dựng NTM. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành cấp ủy, chính quyền xã về xây dựng NTM có lúc còn lúng túng, chưa biết chọn điểm, chọn việc để triển khai; một số cán bộ chưa nắm chắc nội dung và phương châm thực hiện, nhất là công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của nhân dân về xây dựng NTM. Từ những kết quả đạt được cũng như khó khăn, hạn chế trong xây dựng NTM, huyện Gio Linh xác định mục tiêu từ nay đến năm 2020 có 40 - 50% xã đạt chuẩn NTM; các xã chưa đạt chuẩn mỗi năm tăng từ 2 - 3 tiêu chí và tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất - dân sinh. Để thực hiện, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên phải chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM; huy động các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó, huy động các nguồn lực phải dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, kết hợp sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp công sức, kinh phí, hiến đất, hiến kế để xây dựng NTM… Bí thư Huyện ủy Gio Linh Lê Quang Chiến cho biết: “Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy đang tập trung nghiên cứu xây dựng chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo về thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng NTM. Tập trung tạo nguồn lực và cơ chế để phát triển nông nghiệp, nhất là giải quyết vấn đề đất đai phục vụ sản xuất; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ để chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương. Xây dựng NTM chỉ thành công khi cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai đạt kết quả cao các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhân dân phải là chủ thể trong xây dựng, sử dụng và bảo vệ kết cấu hạ tầng nông thôn”. Bài, ảnh: HUY NAM