Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
(QT) - Thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, trong thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân và các cấp các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng. Ở Quảng Trị, ngày 20/4/2007, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006 - 2015 (trọng tâm là công tác đào tạo nghề cho ...

Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(QT) - Thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, trong thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân và các cấp các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng. Ở Quảng Trị, ngày 20/4/2007, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006 - 2015 (trọng tâm là công tác đào tạo nghề cho người lao động) và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đưa nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) vào nghị quyết. Đồng thời, tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt các nội dung của Đề án 1956 tới các cán bộ chủ chốt và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện .

Dạy nghề thêu ren cho lao động nông thôn - Ảnh: PV

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành công tác tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở SXKD, dịch vụ; năng lực đào tạo của 16 cơ sở dạy nghề và 13 trung tâm, cơ sở dạy nghề trên địa bàn. Công tác điều tra khảo sát được thực hiện từ các thôn, bản tới từng hộ gia đình, trên cơ sở nhu cầu nghề nghiệp thực tiễn của người dân nông thôn. Đây là cơ sở rất quan trọng để các cơ sở dạy nghề tổ chức xây dựng chương trình và mở các khóa dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người học và thị trường lao động. Năm 2012-2013 là những năm đầu triển khai Đề án, nên bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản, các điều kiện cần thiết (như xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý...), các cơ sở dạy nghề đã mở được nhiều nghề đào tạo mà thị trường lao động có nhu cầu như: điện tử, điện công nghiệp và xây dựng, cơ khí động lực, hàn, cắt gọt kim loại, kỹ nghệ sắt, sửa chữa ô tô, xe máy, mộc, nề, CNKT lái xe, CNKT cầu đường, công nhân lái máy thi công công trình, may công nghiệp... Cùng với việc đào tạo các nghề phục vụ cho các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn như: đặt hàng dạy nghề cho LĐNT để chuyển dịch ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp theo cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa các bên; cơ chế quản lý nhà nước cấp kinh phí đào tạo từ nguồn kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT được phân bổ; doanh nghiệp nhận học sinh vào thực tập, tiếp nhận lao động sau khi đào tạo... Vì vậy, trên địa bàn nông thôn hiện nay có mở ra những nghề mới phát triển: kỹ thuật trồng nấm các loại, kỹ thuật chăn nuôi-ấp trứng, kỹ thuật khai thác nhựa thông, nghề thêu ren xuất khẩu... Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề không chỉ thuần túy dạy nghề mà còn tư vấn, hướng dẫn người dân cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, đảm bảo đầu ra hoặc là sản phẩm, hoặc là tiếp nhận lao động sau khi học nghề. Mặc dù mới qua hai năm đầu tiên triển khai, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và cơ sở dạy nghề...nên các chính sách, giải pháp và hoạt động của Đề án đã từng bước triển khai đồng bộ, đúng hướng và đạt kết quả bước đầu. Hơn 43.000 người lao động đã được dạy nghề với những kiến thức và kỹ năng phù hợp để có thể làm việc với nghề được đào tạo, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2012 của tỉnh đạt trên 30%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 25%. Nhiều LĐNT sau khi học xong nghề đã mở cơ sở sản xuất, thu hút thêm lao động xã hội và sản phẩm của họ như thêu ren, trồng nấm, sắn, ớt; chăn nuôi... đã có mặt tại các chợ đầu mối địa phương, thậm chí cho xuất khẩu (hàng thêu ren). Mặc dù chưa đánh giá được phần trăm thu nhập tăng thêm của người lao động học nghề, nhưng sự biểu hiện mức độ hài lòng và lòng quyết tâm của họ đã minh chứng được rằng các lớp dạy nghề này thực sự mang lại hiệu quả không những về kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, đó là tạo thêm việc làm trong lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Để Đề án tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả và gắn đào tạo nghề cho LĐNT với nhu cầu thị trường lao động, ngay từ bây giờ các cấp ủy, chính quyền các cấp phải chỉ đạo quyết liệt, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phân công rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước, cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho người LĐNT. Kế hoạch dạy nghề phải căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (từ cấp xã), gắn với nhu cầu của thị trường lao động, của sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa... Phải nâng cao trong đầu tư xây dựng các trường, trung tâm dạy nghề đạt chuẩn về cơ sở vật chất thiết bị và chương trình, giáo trình, phương tiện dạy học, đạt chuẩn về đội ngũ cán bộ, giáo viên. Vì vậy, tỉnh phải bố trí đủ tài chính theo kế hoạch giai đoạn từ 2008 - 2015 là 246,7 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh là 91,7 tỷ đồng, ngân sách của các huyện, thị xã là 15,4 tỷ đồng). Mặt khác, việc triển khai thực hiện Đề án 1956 phải được lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với việc triển khai Quyết định số 800/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hy vọng với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp ở địa phương, Đề án 1956 về đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 sẽ phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà. NGUYỄN QUỐC THANH