Cam Nghĩa: Thực hiện công tác DS- KHHGĐ gắn với xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư
(QT) - Là vùng gò đồi đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, đời sống vật chất của nhân dân trên địa bàn xã Cam Nghĩa (Cam Lộ, Quảng Trị) được cải thiện đáng kể, nhiều hộ từ thiếu thốn, khó khăn đã vươn lên không chỉ khá giả mà còn có tích luỹ lâu dài.  Kinh tế phát triển đã kéo theo nhu cầu sinh con nhiều hơn, nhất là con thứ 3 trở lên, làm ảnh hưởng đến công tác DS- KHHGĐ trên địa bàn. Trước thực tế trên, xã Cam Nghĩa đã có chủ trương gắn ...

Cam Nghĩa: Thực hiện công tác DS- KHHGĐ gắn với xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư

(QT) - Là vùng gò đồi đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, đời sống vật chất của nhân dân trên địa bàn xã Cam Nghĩa (Cam Lộ, Quảng Trị) được cải thiện đáng kể, nhiều hộ từ thiếu thốn, khó khăn đã vươn lên không chỉ khá giả mà còn có tích luỹ lâu dài. Kinh tế phát triển đã kéo theo nhu cầu sinh con nhiều hơn, nhất là con thứ 3 trở lên, làm ảnh hưởng đến công tác DS- KHHGĐ trên địa bàn. Trước thực tế trên, xã Cam Nghĩa đã có chủ trương gắn thực hiện công tác DS- KHHGĐ với xây dựng đời sống văn hoá.

Nhân dân Cam Nghĩa đón nhận danh hiệu đơn vị điển hình văn hoá . Ảnh: Hoàng Đức
Xã Cam Nghĩa có 14 thôn với 1.391 hộ/5607 nhân khẩu, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp dài ngày. Hiện toàn xã có 178 ha gieo trồng lúa 2 vụ, 250 ha sắn, 200 ha hồ tiêu và 700 ha cao su. Ngoài chỉ đạo nhân dân chăm sóc các loại cây trồng, Cam Nghĩa đã có những giải pháp tích cực như chuyển đổi diện tích trồng hồ tiêu bị bệnh, năng suất thấp sang trồng cỏ nuôi bò, trồng các loại cây màu ngắn ngày như khoai, sắn...Đồng thời chỉ đạo các ban, ngành lồng ghép đưa công tác DS- KHHGĐ vào chỉ tiêu bình xét thi đua hàng năm. Đến nay Cam Nghĩa đã có 14 thôn phát động xây dựng đời sống văn hoá, đạt tỷ lệ 100%, 9/14 thôn đã tổ chức được câu lạc bộ "Không có người sinh con thứ 3 trở lên". Trong đó có 5 thôn gồm: Cu Hoan, Cam Lộ Phường, Thượng Nghĩa, Hoàn Cát và Bảng Sơn 1 đã được công nhận đạt từ 1 năm trở lên, riêng thôn Cam Lộ Phường, 3 năm gần đây (từ 2003- 2008) không có người sinh con thứ 3 trở lên, được huyện Cam Lộ và xã Cam Nghĩa tặng bằng khen. Công tác xây dựng các thiết chế văn hoá trên địa bàn ngày càng được quan tâm, hiện đã xây dựng được 1 cổng chào xã, 3 cổng chào thôn, 8/14 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, 7 cụm pa nô tuyên truyền về pháp luật, DS- KHHGĐ...

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên nhân dân trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm nhiều hơn, tỷ lệ huy động con em đến trường ở tất cả các bậc học đạt tỷ lệ cao, mẫu giáo 82,7%, tiểu học 100%, THCS 99,5%. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng cao. Năm 2008 và đầu năm 2009 thực hiện chiến dịch CSSKSS- KHHGĐ đều đạt và vượt chỉ tiêu một số biện pháp đề ra, trong đó đình sản chỉ tiêu đề ra 3 ca nhưng đã thực hiện được 5 ca. Tỷ lệ sinh con thứ 3 năm 2007 chiếm 31,3%, năm 2008 giảm xuống còn 28,6%. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giữ ở mức 7,3%. Từ việc gắn thực hiện DS- KHHGĐ với xây dựng đời sống văn hoá ở Cam Nghĩa đã có sự hỗ trợ, tương tác lẫn nhau và đem lại hiệu quả đáng kể. Nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ do sinh con một bề, hoặc đã có con trai, con gái nhưng điều kiện kinh tế khá giả muốn sinh thêm con đã ý thức được sự ích nước lợi nhà, hơn nữa trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư nên đã dừng lại ở 2 con. Theo bà Lê Thị Bình, cán bộ chuyên trách công tác DS- KHHGĐ xã Cam Nghĩa, nhiều cặp vợ chồng đã thực hiện tốt công tác DS- KHHGĐ để nuôi dạy, chăm sóc các con và xây dựng gia đình văn hoá, điển hình như các hộ Nguyễn Ngọc Xuân và Lê Thị Thư, ở thôn Cu Hoan; Hoàng Đức Đinh và Hoàng Thị Luyến, ở thôn Thượng Nghĩa hay Lê Văn Ất và Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Phương An 2...Họ đã tập trung phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trồng cao su, nuôi bò, thỏ, lợn, dịch vụ... thu nhập của các hộ mỗi năm khoảng 40- 50 triệu đồng trở lên. Với sự nỗ lực trong công tác gắn thực hiện tốt DS- KHHGĐ với xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, Cam Nghĩa đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, cuối năm 2008 vừa qua UBND huyện Cam Lộ đã ra quyết định công nhận xã Cam Nghĩa đạt danh hiệu đơn vị điển hình văn hoá giai đoạn 2003- 2008. Thảo Ly