Vì một lễ hội bình yên
(QT) - Đến hẹn lại lên, cứ sáng mùng 3 Tết Nguyên đán, lễ hội Chợ đình Bích La sẽ diễn ra ở thôn Bích La Đông (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Và để đem lại cho du khách thập phương một lễ hội ấn tượng, trang nghiêm, thành kính đó có bóng dáng của những người làm công tác hậu cần, tổ chức. Họ là cán bộ văn hóa huyện, xã và đến cả những người công an nhân dân, trưởng thôn, dân phòng… tất cả đều chung tay để chuẩn bị cho một lễ hội về nguồn đầu năm mới... Những ngày cuối năm, ở ...

Vì một lễ hội bình yên

(QT) - Đến hẹn lại lên, cứ sáng mùng 3 Tết Nguyên đán, lễ hội Chợ đình Bích La sẽ diễn ra ở thôn Bích La Đông (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Và để đem lại cho du khách thập phương một lễ hội ấn tượng, trang nghiêm, thành kính đó có bóng dáng của những người làm công tác hậu cần, tổ chức. Họ là cán bộ văn hóa huyện, xã và đến cả những người công an nhân dân, trưởng thôn, dân phòng… tất cả đều chung tay để chuẩn bị cho một lễ hội về nguồn đầu năm mới... Những ngày cuối năm, ở thôn Bích La Đông không khí chuẩn bị cho lễ hội chợ đình đã được gấp rút hoàn thành. Trên những khoảng sân rộng, khu chợ đã được cắm mốc, bày bố vị trí cẩn thận. Từng tốp người thay phiên nhau quét dọn, lau chùi hăng say nhằm hoàn thành nốt những khâu còn lại. "Chỉ còn khâu dọn dẹp vệ sinh sáng nay nữa là xong, mọi việc chuẩn bị khác đã đâu vào đấy chỉ đợi ngày diễn ra lễ hội mà thôi", ông Lê Văn San, Trưởng thôn Bích La Đông hứng khởi cho biết.

Mua lộc đầu năm tại Chợ đình Bích La

Trao đổi với chúng tôi về công tác chuẩn bị cho lễ hội Chợ đình Bích La, anh Võ Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đông chia sẻ: "Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện và Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Triệu Phong về việc chuẩn bị cho công tác lễ hội Chợ đình Bích La, chính quyền xã đã nhanh chóng lập ra Ban lễ hội gồm: Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban và 11 cán bộ, công chức trong xã làm thành viên. Ban lễ hội sẽ có nhiệm vụ phối hợp với các họ tộc trong thôn, xã hỗ trợ cho cơ quan chức năng có liên quan ở cấp tỉnh, huyện hoàn thành nhiệm vụ tổ chức lễ hội". Việc lập ra Ban lễ hội là rất quan trọng vì nó có vai trò quyết định sự thành công của lễ hội. Ban lễ hội sẽ chỉ đạo các họ tộc trong việc sắp xếp nghi lễ và tiến hành cúng bái theo nghi thức của cha ông xưa. Cùng với đó là tiến hành lập ra các ban, tổ nhỏ như: Ban an ninh trật tự; ban tế lễ; tổ văn nghệ; tổ dọn dẹp vệ sinh. Để cho lễ hội diễn ra thành công cách đây hơn một tuần lễ, dưới sự chỉ đạo của Ban lễ hội, các vị bô lão đại diện cho các họ tộc đã tiến hành diễn tập lễ cầu thần Kim Quy. "Đây là một nghi lễ hết sức quan trọng trong lễ hội Chợ đình Bích La nên chúng tôi phải diễn tập nhiều lần cho thuần thục nhằm tránh mọi sai sót”, một vị trưởng tộc nhấn mạnh. Cùng anh Bắc về thôn Bích La Đông và được chứng kiến không khí sôi nổi, nghiêm túc trong việc tập luyện các tiết mục văn nghệ phục vụ lễ hội, chúng tôi mới cảm nhận được tâm huyết của con em quê hương gửi gắm vào những lời ca, điệu múa. "Năm nào chúng em cũng tập hợp đội văn nghệ của thôn lại rất sớm để tập luyện. Mỗi năm chúng em đều tự đổi mới bằng những bài hát, điệu múa mang đặc sắc riêng của quê hương nhằm đem đến sự mới lạ cho lễ hội. Riêng tiết mục văn nghệ phục vụ cho lễ cầu thần Kim Quy thì chúng em phải tập nhiều nhất vì đó là một nghi lễ mang tính nghi thức, tâm linh rõ nét", em Nguyễn Thị Thúy Vân tâm sự. Từ lâu trong lễ hội đã có các trò chơi dân gian như hát, hò, vè để các làng giao lưu với nhau. Ở lễ hội này 5 làng gồm: Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam, Bích La Thượng, Bích La Hậu (gọi chung là ngũ giáp) sẽ giao lưu, giới thiệu với làng bạn những câu chuyện dân gian, các điệu hò, vè nhằm thắt chặt tình đoàn kết để xây dựng làng xóm, quê hương và giữ nguyên bản sắc văn hóa vốn có của cha ông. Vì thế, ngay từ bây giờ Ban lễ hội đã gửi giấy mời để tập hợp họ lại với nhau cùng thảo luận nội dung, hình thức tập luyện nhằm đem lại sự thành công trong lễ hội. Lễ hội chợ đình còn được biết đến là "phiên chợ lộc" độc đáo thu hút nhiều người tham gia, vì vậy ngay từ đầu, công tác cắm mốc, phân lô quầy được tiến hành để nhân dân trong vùng tham gia đấu giá. Việc này sẽ tránh sự xáo trộn, tranh giành trong việc bày bố gian hàng. "Dẫu biết mặt hàng chỉ là sản vật nông nghiệp mà bà con tự sản xuất, có khi chỉ là mớ rau, nải chuối, buồng cau hay những lá trầu xanh nhưng chúng tôi cũng phải bố trí để làm sao không xảy ra sự bất hòa giữa bà con", ông San cho biết thêm. Ngoài lễ hội cầu mưa gió thuận hòa cho vụ mùa bội thu hay bán lộc đầu xuân thì du khách và con dân của làng còn tham gia vào các trò chơi dân gian như: Hội bình thơ, hội bài chòi, đập om đất, chơi đu, đánh cờ tướng, viết thư pháp... Lễ hội Chợ đình Bích La còn là nơi giao duyên, gặp gỡ của nhiều nam thanh nữ tú đến đây du xuân, tâm tình, hẹn ước nên năm nào cũng đông người tham dự, mua lộc, du xuân. Điều đó đòi hỏi ban an ninh trật tự phải nỗ lực cố gắng để đảm bảo an ninh, đảm bảo giao thông thông suốt cho mọi người. "Đã nhiều năm nay, tình hình an ninh trật tự trong dịp lễ hội luôn diễn ra tốt đẹp, tuyệt đối không có hiện tượng gây gổ, xô xát, mất cắp, cướp giật. Tuy nhiên do số lượng người tham dự quá lớn nên đôi lúc vẫn còn hiện tượng tắc nghẽn giao thông, vì thế trong lễ hội sắp đến chúng tôi sẽ tăng cường thêm lực lượng dân phòng kết hợp với công an huyện để cùng tham gia điều phối giao thông nhằm tạo điều kiện lưu thông cho du khách và con dân về tham dự lễ hội", anh Lê Cảnh Phong,Trưởng Công an xã Triệu Đông chia sẻ. Chỉ còn vài hôm nữa lễ hội chợ đình Bích La sẽ diễn ra nhưng đâu đâu trên mảnh đất này, không khí lễ hội đã bắt đầu. Những chiếc tò he đã làm sẵn, những vườn rau xanh mướt được chăm chút cẩn thận và cả những con người chờ đợi háo hức đón nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Bài, ảnh: TRẦN NHƠN BỐN