Xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân
(QT) - Dù đã bước qua tuổi 75 nhưng ông LÊ LUÂN, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố 6, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) vẫn chưa hết niềm say mê với công tác xã hội. Gần 15 năm liên tục đảm nhiệm công việc “vác tù và hàng tổng” ông vẫn chưa được nghỉ ngơi vì theo nhiều người dân, họ vẫn đang cần đến ông. -Là người có thâm niên làm công tác mặt trận ở khu dân cư, ông có cảm thấy việc vận động nhân dân hiện nay là quá khó? -Với gần 15 năm làm công tác mặt trận ở cơ sở, bản thân ...

Xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân

(QT) - Dù đã bước qua tuổi 75 nhưng ông LÊ LUÂN, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố 6, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) vẫn chưa hết niềm say mê với công tác xã hội. Gần 15 năm liên tục đảm nhiệm công việc “vác tù và hàng tổng” ông vẫn chưa được nghỉ ngơi vì theo nhiều người dân, họ vẫn đang cần đến ông. -Là người có thâm niên làm công tác mặt trận ở khu dân cư, ông có cảm thấy việc vận động nhân dân hiện nay là quá khó? -Với gần 15 năm làm công tác mặt trận ở cơ sở, bản thân tôi luôn xác định rằng, làm công tác mặt trận là làm công tác vận động quần chúng thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, do đó bản thân, gia đình mình trước hết phải gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khi đó mình mới vận động được bà con nghe theo và thực hiện. Dù đã có “thâm niên” nhưng lúc nào tôi cũng thấy công tác vận động quần chúng là không đơn giản, người cán bộ mặt trận ngoài sự tâm huyết còn phải biết hy sinh lợi ích cá nhân vì sự nghiệp chung. Hiện nay cán bộ mặt trận đã có phụ cấp, dù rất khiêm tốn chỉ 350 nghìn đồng/tháng, nhưng những năm trước đây có đồng phụ cấp nào đâu chúng tôi vẫn làm việc, làm việc một cách vô tư và không đòi hỏi gì vì chúng tôi luôn xác định rằng, mặt trận là sợi dây liên kết nối người dân với cấp ủy, với chính quyền, với cấp trên. Cái khó của công tác vận động quần chúng là làm sao để người dân phải hiểu, phải thấy rằng mặt trận không bao giờ xa cách họ, luôn gần gũi và chăm lo cho quyền lợi thiết thực của họ.

Khu phố bình yên -Ảnh: LÊ MINH

Ngoài việc tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mặt trận phải làm tốt công tác giám sát, thực hiện phản biện xã hội, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đảm bảo tính minh bạch, công khai các hoạt động phục vụ lợi ích của người dân. Nói rằng công tác vận động quần chúng hiện nay là quá khó cũng có cái lý của nó, bởi lẽ người dân luôn nhìn vào cấp trên, nhìn vào thực tế cuộc sống để có sự đối chứng, nếu chúng ta nói nhiều mà làm ít, nói hay mà làm dở thì làm sao người dân tin được. Ở địa phương chúng tôi, khi vận động quần chúng, chúng tôi thường bàn bạc, thảo luận công khai để dân hiểu rõ những lợi ích mà họ sẽ được thụ hưởng trước khi họ phải làm một việc gì đó, nói tóm lại là phải thực sự: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng. -Cụ thể ông đã làm gì để người dân tin và muốn ông tiếp tục gắn bó với công tác mặt trận? -Những công việc chúng tôi làm chủ yếu là phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, đó là việc vận động bà con hiến đất mở mang hệ thống giao thông nông thôn, đóng góp cùng chính quyền để bê tông hóa giao thông, làm điện chiếu sáng trên các tuyến giao thông, vận động nhân dân đóng góp xây dựng các quỹ của địa phương trong đó có quỹ vì người nghèo với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, vận động phong trào thi đua “dòng họ không có tội phạm, không tệ nạn xã hội”, không sinh con thứ 3, đẩy mạnh phong trào giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Hiện nay tại khu phố chúng tôi, ngày thứ bảy hàng tuần người dân đều tự nguyện làm vệ sinh, phát quang bờ bụi rậm, khai thông cống rãnh. Mọi người đều biết rằng, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Nói chung tất cả những cuộc vận động đều được người dân đồng tình với tinh thần tự nguyện rất cao, bởi lẽ họ đã thấy được lợi ích của mình trong đó. Có một điều cũng cần phải nhắc lại là để người dân tin tưởng và hưởng ứng, mọi việc làm phải đảm bảo công khai, dân chủ và minh bạch. Nếu có dịp đi thăm khu phố chúng tôi, anh có thể nhìn thấy những thành quả mà chính người dân xây dựng được qua các cuộc vận động, đường sá sạch sẽ, phong quang, tất cả đều được bê tông hóa, xe cơ giới có thể vào đến tận từng ngõ, đêm xuống các tuyến đường đều được thắp sáng bằng tiền điện đóng góp của dân, chúng tôi đã có nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, có hệ thống truyền thanh hiện đại, cuộc sống người dân dù còn vất vả nhưng rất bình yên, tình làng nghĩa xóm rất gắn bó, không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội. Có được những kết quả đó chính là nhờ sự nỗ lực của mọi người, chỉ khi xây dựng được lòng tin mới tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. -Xin ông nói rõ thêm về việc xây dựng lòng tin và tạo sự đồng thuận trong cộng đồng qua thực tiễn nhiều năm làm công tác mặt trận cơ sở? -Với thời gian gần 15 năm làm công tác mặt trận ở địa bàn thuộc vùng nông nghiệp ven đô, nơi sản xuất lúa vẫn đang là nguồn thu nhập chính, đời sống người dân vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với vai trò và trách nhiệm của mình, chúng tôi luôn nhận thức rằng, để làm tốt công tác vận động quần chúng, trước hết phải gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, mọi việc làm phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm nền tảng và mục tiêu cho hành động. Chẳng hạn khi vận động hiến đất làm đường giao thông, chúng tôi hoàn toàn không áp đặt mà đưa ra những phép tính thiệt hơn khi đường giao thông lầy lội, nhỏ hẹp không thể cơ giới hóa được, muốn đưa vật liệu về làm nhà chỉ dùng xe vận tải nhỏ rất tốn kém, rồi mưa xuống muốn đi đâu cũng ngại bẩn xe, bẩn quần áo, rửa xe tốn điện, tốn nước... Và thế là sau vài lần thảo luận, bà con vui vẻ hiến đất, tự nguyện chặt cây để làm đường, lúc đầu làm nền, sau đóng góp kinh phí để cùng chính quyền làm đường bê tông. Hay chuyện vận động xây dựng phong trào “dòng họ không có tội phạm, không tệ nạn xã hội”, từ những câu chuyện đau lòng về trẻ em hư, nghiện ngập trên báo chí hay ở các địa bàn lân cận được phân tích mổ xẻ trong các cuộc họp họ tộc, mỗi gia đình tự rút ra cho mình bài học kinh nghiệm để giáo dục con em né tránh cạm bẫy, không làm ảnh hưởng thanh danh gia đình và dòng họ. Rõ ràng nếu thực hiện thành công các cuộc vận động này, không chỉ gia đình, dòng họ mà cộng đồng xã hội đều được hưởng lợi. Nhưng để làm được điều đó, như phần trên tôi đã nói, mỗi người cán bộ, mỗi bô lão, mỗi phụ huynh phải là tấm gương, phải nói đi đôi với làm và khi đã xây dựng được lòng tin chắc chắn sẽ tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng. - Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! HOÀNG ĐỨC (thực hiện)