Khó khăn trong việc ngăn chặn lây lan bệnh khảm lá sắn
(QT) - Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hơn 343 ha diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Đây là một loại bệnh mới, hiện chưa có thuốc đặc trị để phòng trừ hiệu quả, biện pháp tốt nhất chỉ là tiêu hủy nguồn bệnh, ngăn chặn môi giới truyền bệnh để hạn chế lây lan. Tuy nhiên, do tâm lý “tiếc công, tiếc của”, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nên ...

Khó khăn trong việc ngăn chặn lây lan bệnh khảm lá sắn

(QT) - Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hơn 343 ha diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Đây là một loại bệnh mới, hiện chưa có thuốc đặc trị để phòng trừ hiệu quả, biện pháp tốt nhất chỉ là tiêu hủy nguồn bệnh, ngăn chặn môi giới truyền bệnh để hạn chế lây lan. Tuy nhiên, do tâm lý “tiếc công, tiếc của”, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nên diện tích sắn bị bệnh nặng phải xử lý tiêu hủy theo khuyến cáo vẫn còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục lan rộng.

Kiểm tra cây sắn bị bệnh khảm lá. Ảnh: LA

Với gần 1 ha trồng sắn, gia đình ông Lê Xuân Thành ở tại Hợp tác xã (HTX) Xuân Lộc, xã Hải Chánh, Hải Lăng mỗi năm thu được từ 30 - 40 triệu đồng. Vụ trồng sắn năm nay sau khi xuống giống được khoảng 10 ngày cây sắn bắt đầu xuất hiện hiện tượng lá sắn bị khảm vàng loang lổ, xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Ban đầu chỉ bị trên một vài cây, sau đó lan ra khắp ruộng. Mặc dù được cơ quan chuyên môn kiểm tra và xác định cây sắn bị bệnh khảm lá do virus; loại bệnh hiện nay chưa có thuốc phòng trị đặc hiệu mà cần phải nhổ bỏ mang đi tiêu hủy nhưng đến thời điểm này gia đình ông vẫn không thực hiện mà vẫn tiếp tục chăm sóc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thành cho biết do đây là loại bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện trên cây sắn, chưa biết gây hại thế nào nên ông quyết định vẫn tiếp tục chăm sóc, lên luống, bón phân cho diện tích sắn của mình với hy vọng cây sắn sẽ vượt qua được dịch bệnh. “Do đây là diện tích đất xấu, chỉ phù hợp với trồng cây sắn, nếu đưa các loại cây khác vào trồng thì không biết có sống được không. Hơn nữa do mấy ngày nay trời có mưa nên cây sắn lại tiếp tục ra lá non nên tôi quyết định để “liều” như vậy, không nhổ bỏ mà tiếp tục chăm sóc để cây sắn tiếp tục phát triển, hy vọng sẽ lấy lại được vốn”, ông Thành cho hay.

Theo ông Lê Văn Thọ, Ủy viên HĐQT HTX Xuân Lộc, sau khi xuống giống được khoảng 20 ngày thì trên một số diện tích trồng sắn của HTX bắt đầu xuất hiện bệnh khảm lá sắn. HTX đã thông báo cho các hộ xã viên kiểm tra, hướng dẫn phun thuốc phòng trừ môi giới truyền bệnh để tránh lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, do vào thời điểm mùa vụ gieo trồng lúa và dịp Tết Nguyên đán nên người dân có phần lơ là, dẫn đến toàn bộ diện tích hơn 45 ha trồng sắn đều bị bệnh khảm lá sắn, với tỉ lệ bệnh từ 80 - 100%. Ông Thọ cho biết, mặc dù theo khuyến cáo của UBND xã và Trạm TT&BVTV huyện là phải nhổ bỏ mang đi tiêu hủy nhưng do không có sự hỗ trợ của nhà nước nên hầu hết người dân không nhổ bỏ mà vẫn tiếp tục chăm sóc, bón phân với hy vọng cây sắn sẽ phục hồi. “Chi phí để trồng 1 sào sắn chỉ khoảng 200.000 đồng, trong khi để tiêu hủy phải mất từ 250.000 - 300.000 đồng; lại không được hỗ trợ gì của nhà nước nên hầu như các hộ xã viên đều không tiêu hủy mà vẫn tiếp tục chăm sóc với hy vọng cây sắn sẽ phục hồi và cho thu hoạch dù có ít hơn trước đi chăng nữa”, ông Thọ chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết: Sau khi có kết quả giám định mẫu khẳng định cây sắn trên địa bàn xã bị bệnh khảm lá, UBND xã đã khẩn trương chỉ đạo các HTX thông báo rộng rãi cho nhân dân kiểm tra ruộng sắn; hướng dẫn tổ chức tiêu hủy bằng cách nhổ bỏ cây bị bệnh và đốt với những diện tích bị bệnh trên 70% để tránh lây lan ra diện rộng; vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như ngô, lạc… phù hợp theo từng chân đất, đảm bảo kịp thời vụ. Đồng thời kiến nghị lên cấp trên có chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại và giống cây trồng như ngô, lạc để kịp trồng lại, tránh bỏ hoang đất canh tác. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, lại không có sự hỗ trợ của nhà nước, đất đai trồng sắn đa số là đất xấu không phù hợp với các loại cây trồng khác nên hầu như người dân không tiêu hủy mà vẫn để lại tiếp tục chăm sóc. Do vậy, từ một số diện tích bị bệnh ban đầu, đến nay theo thống kê của UBND xã Hải Chánh, đã có hơn 200 ha bị bệnh khảm lá do virus gây hại trên diện tích 235,7 ha diện tích trồng sắn toàn xã. “Với tỉ lệ bệnh hại đa số trên 70%, cục bộ một số diện tích trên 90% thì khả năng năm nay cây sắn không cho thu hoạch, ảnh hưởng lớn để thu nhập của người dân”, ông Sinh thông tin.

Huyện Hải Lăng là địa phương có diện tích sắn bị bệnh khảm lá gây hại khá nặng. Toàn huyện có 1.410 ha diện tích trồng sắn thì đến thời điểm này đã có hơn 315 ha bị nhiễm bệnh, trong đó tỉ lệ bệnh gây hại trên 70% là hơn 212 ha; phân bố tập trung ở các xã Hải Chánh, Hải Tân, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Vĩnh, Hải Dương. Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn cho biết: Bệnh khảm lá sắn do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra. Đây là bệnh hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là trên cây sắn trồng mới xuất hiện các khảm vàng loang lổ trên lá, một số diện tích bị nặng lá sắn bị xoăn, cong queo, nhăm nhúm, sinh trưởng kém. Khi cây sắn còn non bị nhiễm virus sẽ không cho củ; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn có biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, từ khi cây sắn còn non đến 2 tháng tuổi. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá sắn, Trạm TT&BVTV đã tăng cường cán bộ về các địa phương để hướng dẫn cách nhận biết, vận động người dân tiêu hủy sắn bị bệnh, không được trồng mới lại ngay trên những diện tích đã tiêu hủy để hạn chế thiệt hại và tránh lây lan ra diện rộng. Theo ông Tuấn, người dân vẫn đang chần chừ vì tâm lý “tiếc công, tiếc của” khi phải nhổ bỏ số sắn bị nhiễm bệnh, cộng với trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước khiến diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá ngày càng gia tăng. Theo ông Tuấn, do virus gây bệnh khảm lá sắn tồn tại trong thân, lá, củ sắn nên khi lấy thân sắn làm giống cho vụ sau thì virus tiếp tục nhân lên trong hom giống và làm xoăn lá ngay khi cây mới mọc mầm; củ sắn còn sót lại trên ruộng mà nhiễm virus thì khi mọc mầm cũng bị xoăn lá và là nguồn bệnh nguy hiểm trên đồng ruộng. Ngoài ra, bệnh khảm lá sắn còn lây lan qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Cụ thể, khi chích hút trên cây sắn bị bệnh bọ phấn trắng sẽ hút cả virus vào cơ thể, khi chích hút trên cây khỏe sẽ truyền virus sang làm cây bị bệnh. “Thông qua 2 cơ chế lây truyền trên, nếu không tiêu hủy triệt để cây bệnh, phun thuốc diệt trừ môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng thì bệnh khảm lá sắn sẽ lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, hiện nay diện tích sắn bị bệnh nặng trên địa bàn huyện Hải Lăng được người dân xử lý theo khuyến cáo còn rất hạn chế hay nói thẳng ra là hầu như chưa có, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn còn lại là rất cao”, ông Tuấn khẳng định.

Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh dự kiến gieo trồng hơn 10.000 ha sắn, đến thời điểm này đã trồng mới được khoảng 9.000 ha. Tuy nhiên, qua điều tra tình hình dịch bệnh của Chi cục TT&BVTV, toàn tỉnh đã có hơn 343 ha diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá; phân bố chủ yếu ở các huyện Hải Lăng 315,86 ha, Vĩnh Linh 1,6 ha, Triệu Phong 0,2 ha, Gio Linh 0,1 ha và TX. Quảng Trị 26 ha. Bệnh hại chủ yếu trên giống KM 94, KM 140 ở giai đoạn cây con, nguồn bệnh chủ yếu xuất phát từ hom giống. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm, đến nay chưa có thuốc để diệt trừ virus gây bệnh, chỉ có phòng bệnh là chủ yếu và khi cây sắn bị bệnh thì phải tiêu hủy. Theo đó, cần tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt đối với những ruộng sắn có tỉ lệ nhiễm bệnh nhỏ hơn 70%; đối với những ruộng sắn có tỉ lệ bệnh trên 70% thì tiến hành nhổ toàn bộ cây trên ruộng, thu gom và đốt; đối với các ruộng sắn có cho thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ, còn thân, lá thì đem tiêu hủy. Tuy nhiên, mặc dù Chi cục TT&BVTV và các địa phương đã tăng cường tuyên truyền vận động nhằm giúp người dân có nhận thức rõ về căn bệnh nguy hiểm này nhưng đến nay tiến độ thực hiện việc xử lý, tiêu hủy diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá sắn vẫn còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý của người dân không muốn phá bỏ; trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước giống như khi tiêu hủy đối với các loại cây trồng, con nuôi khác.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Trần Minh Tuấn cho biết: Hiện nay cây sắn đang ở cây con rất dễ nhổ để tiêu hủy, khối lượng thu gom sau khi nhổ ít nên thuận lợi cho việc thu gom để xử lý. Còn về sự hỗ trợ của nhà nước thì theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì cây sắn không nằm trong diện đối tượng cây trồng được hỗ trợ. Do vậy giải pháp trước mắt vẫn là vận động, tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm việc tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh, vệ sinh đồng ruộng để tránh lây lan. Chi cục TT&BVTV sẽ tăng cường công tác điều tra, dự báo phát sinh của bệnh và sự xuất hiện của môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng để hướng dẫn người dân khoanh vùng phun thuốc xử lý. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp để đảm bảo kinh tế cho người dân. UBND các xã, cơ quan chuyên môn liên quan, các kênh thông tin trên địa bàn các huyện cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của bệnh khảm lá sắn và biện pháp phòng chống cho người trồng sắn; đồng thời tiến hành rà soát kỹ các diện tích trồng sắn để kịp thời phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh, không được chủ quan trong công tác phòng bệnh, tránh nguy cơ trở thành “đại dịch” trên loại cây trồng này.

Lê An