Vòng tay không thù hận
(QT Xuân) - ‘ ’Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, những gì chúng ta có thể thay đổi là tương lai’’ . Tôi mang theo câu nói của vị đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Peter Peterson khi tìm về với Mẹ VNAH Hồ Thị Moan ở bản Khe Đá (thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi chỉ 3 tháng trước, ngày 10/9/2010, Tổ chức PeaceTrees Việt Nam (Cây hoà bình Việt Nam) tại Hoa Kỳ đã bàn giao thư viện Mother’s Peace và trường mẫu giáo Daniel Cheney. Cũng tại đây, bản Khe Đá đã ghi dấu một câu chuyện đầy cảm thông giữa 2 người phụ nữ, một của Việt Nam, một của nước Mỹ xa xôi đã mất đi 2 người con trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Khác biệt với ngoài kia là thị trấn Lao Bảo náo nhiệt, bản Khe Đá của người Vân kiều lặng lẽ dưới tán lá rừng. Chẳng mấy khó khăn để tìm được nhà mẹ Moan. Cũng giống như bao bà mẹ dân tộc thiểu số khác trên dãy Trường Sơn mà tôi đã gặp: Hiền lành, già nua, nắng cũng như mưa vẫn thui thủi nơi góc nhà sàn xám ngắt. Mẹ Moan có đứa con trai đi bộ đội hy sinh năm 1969. Thi thể anh đã nằm lại đâu đó ở cánh rừng mà bây giờ hiển hiện “Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo’’.
 |
Mẹ Moan và bà Rae ôm lấy nhau. |
Lưng mẹ nay đã còng vì đã qua 83 mùa rẫy, qua nỗi đau mất con, lại thêm cái lạnh cuối đông ở Lao Bảo như muốn kéo sát dáng ngồi của mẹ xuống bếp lửa. Mẹ không biết tiếng Kinh, tôi nhờ người con trai hỏi dùm: ‘’Mẹ có nhớ bà mẹ người Mỹ không?’’. Đầu mẹ Moan bất ngờ ngẩng cao rồi gật liên tục, khuôn mặt như giãn ra. Tôi hiểu đây không đơn thuần là cảm xúc bình thường. Người mẹ Mỹ mà tôi muốn nhắc đến chính là bà Rae Cheney có đứa con trai là Daniel Cheney đã mất tại Việt Nam khi mới 21 tuổi. Trong nỗi đau mất con bà muốn tìm đến mảnh đất nơi con bà đã ngã xuống, muốn được hành động để giải tỏa những uẩn khúc luôn giày xéo lương tâm bà. Ý tưởng về Cây hòa bình nảy sinh trong bà Rae trước năm 1975 và được người con gái Jerilyn Brusseau chia sẻ rằng hãy bắc một nhịp cầu hòa bình giữa hai nước, để vết thương tinh thần và hậu quả chiến tranh lùi vào quá khứ. Nhưng họ phải đợi đến 20 năm sau, tháng 7/1995 khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước thì ý tưởng trên mới được thực hiện. Chồng của Jerilyn đã bay đến Washington D.C đưa ra ý tưởng và được Đại sứ Lê Văn Bàng đồng ý. Vợ chồng bà Jerilyn đã chọn Quảng Trị làm nơi triển khai kế hoạch tài trợ tháo gỡ bom mìn và vật liệu nổ. Theo đó nhiều chuyên gia bom mìn và tình nguyện viên đã đến Quảng Trị để ‘’tẩy sạch’’ tàn dư chiến tranh, trồng xuống phần đất vừa sạch dấu đạn bom hàng vạn cây xanh...
 |
Trường mẫu giáo Daniel Cheney và thư viện Mother’s Peace. |
Lần này đến lượt bà Rae Cheney sang Việt Nam. Như một sự sắp đặt của số phận, sự giao thoa giữa 2 trái tim người mẹ, bà Rae đã gặp được mẹ Moan để từ đó 2 người mẹ đã kết mối thâm giao. Vừa gặp nhau bà Rae và mẹ Moan đã nghẹn ngào ôm lấy nhau. Vòng ôm ấy tưởng chừng mỗi lúc một siết chặt hơn trước nỗi đau khôn cùng và niềm vui sướng tột độ. Tôi đọc trong Email bà Rae gửi cho anh bạn đồng nghiệp ở báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh có đoạn: “... Đối với tất cả những người mẹ, việc mất mát đứa con mình như xé nát trái tim và niềm đau còn mãi. Khi tôi nhận được bức thư cảm ơn của Tổ chức cây Hòa Bình Việt Nam đã mang đến cho tôi một mục đích, một cơ hội tới Việt Nam. Nơi đó con người chìm sâu vào đau thương và mất mát. Khi đó, tôi mang một cảm giác của sự hàn gắn. Tôi trở nên mạnh mẽ và tin tưởng vào bản thân rằng “cần biến đau thương thành hành động”...’’ Tôi hiểu bà Rae đã đi qua một dặm dài của nỗi đau mất con và bằng sức mạnh vô biên của phụ nữ. Hôm nay bà đã bước thêm một bước nữa của suy tư và hành động. Bởi chỉ có sự sẻ chia và tình thương người mẹ mới giúp con người vượt qua rào cản hữu hình và vô hình của hố sâu ngăn cách. Bà Rae và mẹ Moan đã ôm chặt nhau trong tình yêu và cảm thông, khó có thể tìm cách biểu đạt được cảm xúc của mỗi người.
 |
Mẹ Moan trong ngôi nhà của mình. |
Tình cảm đó thật sâu lắng và sẽ trường tồn. Trong trí nhớ của 2 người nó sẽ mãi là báu vật thiêng liêng. Nhưng chắc rằng vòng ôm ấy sẽ trở thành cơ hội cho hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn, khép lại quá khứ hướng đến tương lai một khi đã xóa bỏ ngăn cách bởi mất mát, hận thù. Và hôm nay sự tuyệt vọng của 2 người mẹ đã từng mỏi mòn, cạn khô nước mắt thương tiếc con được đáp đền bằng sự cảm thông giữa 2 trái tim hòa cùng một nhịp đập, nhịp của đồng cảm yêu thương mạnh hơn đạn bom… Người mẹ Mỹ ấy nay tuổi đã 90, đã vượt nửa vòng trái đất sang Việt Nam nối một nhịp cầu nhân ái. Khi trở về nước Mỹ, hình ảnh mà bà Rae sẽ mang theo suốt cuộc đời đó chính là mẹ Moan già nua với nụ cười đôn hậu nơi mảnh đất quá đỗi đau thương này. Mẹ Moan chính là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam, của nhân cách Việt Nam can trường và độ lượng, giản dị với cuộc sống lam lũ, heo hút cùng đất đai cây cỏ. Bởi lý do sức khỏe nên mẹ Moan bảo mấy đứa cháu đưa tôi ra thăm thư viện và nhà mẫu giáo. Từ món quà của tổ chức Cây hòa bình Việt Nam trao tặng, những đứa trẻ Vân kiều đã có nơi học hành đàng hoàng hơn. Rồi đây những đứa trẻ này sẽ tìm đọc trong thư viện nhỏ ấy tư liệu về chiến tranh, chúng biết nhận thức rõ hơn về cuộc chiến bằng sự nhân ái, độ lượng, vơi bớt hận thù...
 |
Bà Rae Cheney và mẹ Moan (2 người đi giữa). |
Tôi cầm lấy tay mẹ, đếm những vết chai sần trên tay theo năm tháng lầm lụi áo cơm. Mắt mẹ Moan nay không còn nhìn rõ nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn lắm khi kể về bà Rae khá rành rọt với câu nói trĩu nặng nghĩa tình: “Bà đó thương mẹ lắm, cho mẹ một chiếc áo và ôm mẹ thật lâu’’. Ngoài kia, đất trời Lao Bảo đang trút bỏ đông tàn rộn rã bước sang xuân. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA