Qua đình ngả nón trông đình...
Đình làng tôi nằm quay mặt ra phía bờ sông suốt bốn mùa lộng gió. Con sông Thạch Hãn thảo hiền chảy qua bao nhiêu miền quê trù phú, phong nẫm rồi khi đến nơi này cứ dùng dằng, uốn lượn “muốn ở, muốn đi” trước khi nhập vào sông Hiếu đổ ra biển lớn ở ngã ba Gia Độ. Chiều nay, tôi lại ra bờ sông để được ngồi dưới tán bàng mát rượi trong khuôn viên ngôi đình khang trang, bề thế, mà thả hồn lắng nghe trong tiếng sóng nước vỗ bờ mê mãi kia như có lời tiền nhân vọng về...
 |
Đình làng Lập Thạch |
Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, vào khoảng thế kỷ thứ XV, vị thủy tổ khai sinh ra làng trong chuyến thiên di vào Nam sinh cơ lập nghiệp, khi đến đây đã phát hiện ra những tảng đá lạ xếp thành từng lớp. Thế đất đẹp, vững chãi, lại nằm bên dòng sông bốn mùa chắt chiu từng hạt phù sa mang từ thượng nguồn về cho cánh đồng thêm xanh, mùa vàng thêm phong nẫm, ngài quyết định dừng lại nơi này khai hoang lập ấp, dựng làng, lấy tên là Lập Thạch (nay thuộc phường Đông Lễ, Đông Hà) để ghi nhớ mối "duyên kỳ ngộ" với những phiến đá lạ. Trải qua hàng trăm năm, qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian và lịch sử, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, làng vẫn đứng soi mình bên dòng sông để ấp ôm khát vọng của tiền nhân thuở trước. Bến nước ấy, ngôi đình này và xa xa về phía hạ lưu sông Thạch Hãn là nhà thờ họ Nguyễn Khắc, là miếu thờ bà Đặng, là chợ Hôm... Những địa danh đã in sâu vào tiềm thức người dân quê tôi với tất cả lòng tự hào về truyền thống đánh giặc giữ đất, giữ làng. Để rồi từ đó, lớp lớp những thế hệ con em làng Lập Thạch, dù là trí thức hay thường dân, giàu có hay khó nghèo đã đứng lên cầm vũ khí đấu tranh, góp máu xương đi trọn cuộc trường chinh của dân tộc. Bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu nước mắt đã rơi để cái tên "làng đỏ", "làng cách mạng" Lập Thạch trở thành nỗi kinh hoàng của kẻ thù... Tôi kính cẩn thắp một nén hương thơm lên bàn thờ tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Trong ánh chiều tà, cụm hoa sứ trong sân đình khẽ rung rinh những nụ hoa trắng mịn vừa chớm nở. Người làng bảo rằng, loài hoa sứ dẫu không sặc sỡ nhưng hương thơm lâu bền, lại có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm nên có thể xem như một biểu trưng cho sự trường tồn, như ngôi đình bên dòng sông lịch sử này qua bao nhiêu thăng trầm vẫn hiên ngang, vững chãi, trở thành một phần không thể thiếu trong bản hùng ca kháng chiến của "làng đỏ" Lập Thạch. Nguyên thủy của ngôi đình là một công trình kiến trúc tương đối quy mô, bề thế, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với kết cấu gồm cổng tam quan, tường thành, đại đình (theo kiểu nhà rường 5 gian, 2 chái), miếu Thần hoàng và miếu Bổn thổ. Cổng tam quan được xây dựng bằng gạch cao 3 tầng. Tầng dưới là cổng hình vòm cuốn mở ra 3 lối vào sân đình. Bên cạnh 3 cổng là 3 gác vọng lâu được tạo nên bởi 2 tầng mái. Riêng vọng lâu giữa có một hương án trang trí mặt hổ phù phía trước, bên trên có 2 con hạc đứng trên lưng rùa chầu 2 bên. Toàn bộ các mô típ, họa tiết trang trí ở tam quan đều sử dụng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Tương xứng với cổng tam quan, tòa đại đình được tạo bởi hai nếp nhà song ngang theo lối chữ "nhị". Tiền đường được trang trí công phu bằng nhiều họa tiết. Đình trung được kết cấu theo kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái. Đình trung là nơi bài trí các hương án sơn son thếp vàng làm nơi thờ tự các vị Thần hoàng, Ngài tiền khai khẩn, hậu khai canh cùng các vị thủy tổ của các dòng họ.... Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi đình vẫn giữ được nét kiến trúc tiêu biểu thời nhà Nguyễn. Nhưng, vượt lên trên tất cả những giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật, đình làng Lập Thạch còn là một chứng tích ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của làng, của thị xã và của tỉnh Quảng Trị. Tháng 3/1930, tại ngôi đình này, Chi bộ Đảng Lập Thạch (một trong những Chi bộ đầu tiên của tỉnh Quảng Trị) đã được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương do đồng chí Nguyễn Thuấn làm Bí thư. Suốt một thời gian dài của cuộc kháng chiến, đình được dùng làm địa điểm liên lạc, hội họp bí mật và là nơi tập trung của các lực lượng vũ trang địa phương. Nhiều đồng chí cán bộ cách mạng cấp cao như Nguyễn Duệ (Xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ), Lê Thế Hiếu, Trần Hữu Dực, Đoàn Thí, Hoàng Thị Ai... đã nhiều lần đến đây để hội họp, liên lạc. Đặc biệt, tháng 12/1930, Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Trị lần thứ 2 đã họp tại đình làng Lập Thạch để bàn nhiều việc quan trọng, trong đó quyết định chọn ngày 3/3/1931 treo cờ Đảng và rãi truyền đơn trên quy mô toàn tỉnh. Tháng 4/1931, Tỉnh ủy Quảng Trị họp lần thứ 3 cũng tại đình làng Lập Thạch nhằm kiểm điểm tình hình sau đợt rãi truyền đơn và triển khai một số nhiệm vụ cách mạng quan trọng trong giai đoạn tới. Đặc biệt, năm 1945, tại đình làng Lập Thạch, bọn cường hào, lý trưởng đã cúi đầu nhận tội trước nhân dân và giao nộp triện đồng, mõ, sổ bộ cho đại diện Uy ban khởi nghĩa. Sau bao nhiêu năm sống trong cảnh áp bức bóc lột, lần đầu tiên người dân đã được cầm lá phiếu đi bầu cử, tham gia xây dựng chính quyền và quê hương ngay tại đình làng Bao nhiêu năm đã trôi qua, bao nhiêu thế hệ con em làng Lập Thạch đã sinh ra, lớn lên rồi ra đi mang theo bên mình niềm tự hào "làng đỏ". Làng Lập Thạch cũng đã đóng góp cho quê hương, đất nước 10 vị Giáo sư, Phó Giáo sư, 1 NSND, 1 NSƯT, 30 Tiến sĩ và hơn 400 người có trình độ Đại học, Cao đẳng, góp phần làm giàu thêm bảng vàng truyền thống của làng. Chiều nay, tôi về qua đình để “ngã nón, trông đình” và cúi đầu trước tiền nhân. Bài và ảnh : THÚY AN