Chăn nuôi lợn thâm canh an toàn cho hiệu quả cao
 |
Chăn nuôi lợn áp dụng các tiến bộ KHKT cho hiệu quả kinh tế cao Ảnh: H.V.A |
Hiện nay tình hình chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh liên tiếp xảy ra và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn người chăn nuôi. Việc giúp nông dân áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới, hạn chế dịch bệnh xảy ra, bảo vệ đàn gia súc là rất quan trọng. Trung tâm Khuyến nông- khuyến lâm đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn thâm canh an toàn đảm bảo vệ sinh môi trường. Thông qua mô hình giúp cho nông dân áp dụng các TBKT vào chăn nuôi như con giống, chuồng trại, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh... Trên cơ sở kết quả ban đầu, hiện nay nhiều địa phương đã phát triển chăn nuôi theo quy mô tập trung và quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó chất thải được thu gom qua hệ thống xử lý bằng bể biogas, đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời cung cấp khí gas làm chất đốt. Trước khi thực hiện mô hình, Trung tâm tiến hành khảo sát chọn hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi, đồng thời tập huấn hướng dẫn cách chăn nuôi và mời các thợ lành nghề về xây bể khí biogas, mỗi mô hình nuôi 22 con lợn thịt và một bể khí biogas, trong thời gian nuôi từ 3- 4 tháng tiến hành tiêm phòng vác xin đầy đủ, vệ sinh tiêu độc khử trùng, chế dộ thức ăn dùng các nguyên liệu sẵn có như cám gạo, bột ngô, bột sắn để phối trộn hoặc các loại thức ăn đã phối trộn sẵn của các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi. Ban đầu nông dân nhiều nơi vẫn chưa tin tưởng do phải đầu tư hệ thống chuồng trại , xây bể biogas, mua con giống thức ăn chăn nuôi hàng chục triều đồng trong lúc đó Nhà nước chỉ hỗ trợ từ 20- 40%. Các mô hình đạt kết quả tốt, so với phương thức chăn nuôi cũ, sau 4 tháng nuôi mỗi mô hình lãi ròng từ 13- 15 triệu đồng, chưa kể khí đốt hàng tháng, đây là một tiến bộ vượt bậc đối với nông dân. Thực hiện chăn nuôi thâm canh rút ngắn thời gian nuôi từ 6- 7 tháng xuống còn 3- 4 tháng, tăng số lứa trong một năm, giảm chi phí, giảm công lao động. Nhờ đó, một hộ có thể nuôi số lượng lợn tương đối lớn vài trăm con. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi bằng các loại thức ăn hỗn hợp, không phải nấu chín, phụ nữ có thời gian nhàn rỗi để chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội, phát triển chăn nuôi kết hợp xây bể khí biogas đưa lại nhiều nguồn lợi, một mặt cho hiệu quả kinh tế cao, mặt khác giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho con người và an toàn dịch bệnh đối với gia súc. Nhiều địa phương như HTX Mỹ Lệ, Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, từ một vài nhà nuôi ban đầu đến nay toàn HTX có gần 80 hộ chăn nuôi tập trung, hộ nuôi ít thì 20- 30 con/lứa, hộ nuôi nhiều từ 100- 200 con/lứa cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Việc chăn nuôi tập trung cũng tạo điều kiện cho tư thương thu mua, tạo thành bạn hàng thường xuyên ổn định đầu ra, người chăn nuôi thu được lợi nhuận nhiều hơn. Qua kiểm tra theo dõi chỉ đạo mô hình Trung tâm Khuyến nông- khuyến lâm đã rút ra được một số kinh nghiệm từ thực tiễn nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình. Đó là con giống phải cố gắng nuôi lợn F2, lợn lai 3 máu, lợn ngoại để có năng suất cao tỷ lệ nạc nhiều mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng dinh dưỡng theo từng giai đoạn của lợn. Tận dụng các nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có tại địa phương để hạ giá thành sản phẩm. Chuồng trại là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ăn vào, tiêu hoá và hấp thu thức ăn, hạn chế được dịch bệnh, tiêm phòng vác xin đầy đủ. Phải nắm bắt thông tin, quy luật biến động giá cả trong năm, tìm hiểu thị trường, lựa chọn thời điểm nuôi để giá đầu ra cao. Ngoài ra mô hình có ý nghĩa rất quan trọng về mặt xã hội là thông qua mô hình trình diễn đã đào tạo được một lực lượng nông dân tương đối lớn trở thành nông dân chủ chốt đem những tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào điều kiện chăn nuôi gia đình và địa phương của mình. Làm thay đổi tập quán chăn nuôi quảng canh lạc hậu chuyển dần sang phương thức chăn nuôi có đầu tư thâm canh, áp dụng những TBKT mới mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần XĐGN. Xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi, giải quyết được nguồn chất đốt. Trong tình hình người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, cần phải có định hướng chuyển sang chăn nuôi theo quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra, áp dụng các tiến bộ khoa học về con giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng phòng trừ dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng, nhằm bảo vệ và phát triển chăn nuôi, đồng thời cung cấp sản phẩm thịt sạch cho người tiêu dùng. Võ Thái Hòa