Vượt khó nuôi con học tập
(QT) - Về Vĩnh Trung (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), chúng tôi nghe người dân ở đây kể cho nhau về tấm gương của chị Phan Thị Hữu, ở đội 6, thôn Thủy Trung, một tấm gương đầy nghị lực, vượt qua những trắc trở của số phận để nuôi dạy các con ăn học đến nơi, đến chốn. Sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 18 tuổi, chị Hữu lập gia đình với anh Đặng Văn Lực, một thanh niên cùng xã. Vì hoàn cảnh gia đình hai bên nội, ngoại đều khó khăn, nên từ ngày mới cưới hai vợ chồng chị phải lam lũ trăm bề, lo ...

Vượt khó nuôi con học tập

(QT) - Về Vĩnh Trung (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), chúng tôi nghe người dân ở đây kể cho nhau về tấm gương của chị Phan Thị Hữu, ở đội 6, thôn Thủy Trung, một tấm gương đầy nghị lực, vượt qua những trắc trở của số phận để nuôi dạy các con ăn học đến nơi, đến chốn. Sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 18 tuổi, chị Hữu lập gia đình với anh Đặng Văn Lực, một thanh niên cùng xã. Vì hoàn cảnh gia đình hai bên nội, ngoại đều khó khăn, nên từ ngày mới cưới hai vợ chồng chị phải lam lũ trăm bề, lo chạy ăn từng bữa. Rồi những đứa con của anh chị lần lượt ra đời, cuộc sống thêm phần vất vả, nhưng anh chị luôn yêu thương, động viên nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Bất hạnh bất ngờ ập đến khi năm 2003 anh Lực lâm trọng bệnh. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn nay lại thêm khó khăn hơn, chị Hữu vừa lăn lộn với mấy sào ruộng ngoài đồng, vừa làm thuê đủ nghề để kiếm thêm từng đồng về thuốc thang chạy chữa cho chồng, vừa lo tiền cho các con ăn học. Do bệnh tật quá nặng nên anh Lực đã ra đi vào năm 2006, để lại nỗi đau, sự mất mát về tinh thần cho người phụ nữ tần tảo và 5 đứa con đang tuổi học hành. Vượt qua nỗi đau và sự khó khăn về kinh tế, chị Hữu vật lộn với cuộc sống kiếm tiền, mong muốn các con không bị đói và được theo đuổi uớc mơ của mình. Thương mẹ, người con gái đầu của chị Hữu đã phải bỏ học giữa chừng để phụ mẹ nuôi các em. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, các con của chị Hữu luôn luôn cố gắng, đứa sau noi gương đứa trước học hành giỏi giang và lần lượt thi đỗ các trường đại học, cao đẳng. Niềm vui khi 4 đứa con được vẹn giấc mơ đại học chưa được bao lâu, thì năm 2009 lại một lần nữa người mẹ này lại phải buộc lên đầu chiếc khăn tang cho người con gái thứ 3. Chị Hữu kể: “Cháu cũng mắc căn bệnh u bướu như ba. Gia đình cũng đã cố gắng chạy chữa, nhưng rồi cháu cũng đột ngột ra đi khi đang là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng ở Đà Nẵng”. Kể đến đây, giọng chị Hữu như ngẹn lại vì nỗi đau quá lớn. Gần 10 năm trôi qua, kể từ ngày chồng qua đời, chưa một ngày chị cho phép mình được nghỉ ngơi. Chị vẫn lăn lộn, vừa để kiếm tiền nuôi con vừa để quên đi những nỗi đau của cuộc đời. Hiện tại chị canh tác được1,5 sào lạc, 3 sào ruộng, gần 2 mẫu vườn trồng cao su và khoảng 80 gốc tiêu. Thời gian trôi đi, một mình chị vươn lên nuôi các con khôn lớn, rồi dựng vợ gả chồng cho các con. Hiện tại người con gái đầu của chị cũng là một trong những tấm gương làm kinh tế giỏi của xã Vĩnh Trung, nguời con trai thứ 2 đang công tác tại Trường Cao đẳng giao thông vận tải ở Đà Nẵng, người con trai thứ 3 đang theo học thạc sĩ chuyên nghành nông nghiệp ở Huế và người con gái út đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Huế. Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện cuộc đời mình, chị Hữu không quên nhắc đến sự giúp đỡ của bà con lối xóm đối với gia đình mình. Chị tâm sự: “Chính nhờ những tấm lòng hảo tâm của hàng xóm láng giềng mà tôi và các con đã vượt qua được những mất mát quá lớn trong cuộc đời. Giờ đây, khi nỗi đau đã dần nguôi ngoai, mẹ con tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để đáp lại ân tình”. MỸ HẰNG