Khi xưởng may công nghiệp về làng
(QT) - May mặc là một trong những ngành công nghiệp được quan tâm đầu tư trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Với những đơn hàng gia công hoặc xuất khẩu trực tiếp ngày càng nhiều, các công ty may trên địa bàn tỉnh đang ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, khi đơn hàng nhiều thì trở ngại lớn nhất cho doanh nghiệp chính là không chủ động được nguồn lao động. Một trong những giải pháp phát triển bền vững mang lại hiệu quả cao giúp doanh nghiệp chủ động được ...

Khi xưởng may công nghiệp về làng

(QT) - May mặc là một trong những ngành công nghiệp được quan tâm đầu tư trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Với những đơn hàng gia công hoặc xuất khẩu trực tiếp ngày càng nhiều, các công ty may trên địa bàn tỉnh đang ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, khi đơn hàng nhiều thì trở ngại lớn nhất cho doanh nghiệp chính là không chủ động được nguồn lao động. Một trong những giải pháp phát triển bền vững mang lại hiệu quả cao giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất mà Công ty cổ phần May Quảng Trị đang triển khai là đưa xưởng may về nơi có nhiều lao động vùng nông thôn.

Kỹ thuật viên đang hướng dẫn may cho công nhân mới vào nghề tại xưởng may thôn Hà Lưu, xã Triệu Sơn, Triệu Phong

Xưởng may thôn Hà Lưu, xã Triệu Sơn, Triệu Phong thu hút 40 lao động trong xã và các xã lân cận. Công nhân đi làm chỉ cách nhà 4- 6 km nên không chỉ chủ động được thời gian mà còn giải quyết hài hòa việc công ty và việc gia đình. Có lao động trước đây đi may tại các nhà máy ở xa, nay có xưởng may gần nhà họ quay trở về quê làm việc; có lao động chưa có việc làm, khi xưởng may mở ra tạo cơ hội việc làm cho họ; tất cả đều rất phấn khởi vì được làm công nhân tại quê nhà, có thu nhập ổn định. Chị Tạ Thị Hiệp ở thôn Phú Liêu, Triệu Tài, Triệu Phong cho biết: “Tôi đi làm ở xưởng may hơn 1 năm nay và thấy công việc này rất ổn định, phù hợp với tay nghề và cuộc sống của bản thân và gia đình tôi. Lương bình quân mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình. Làm việc gần nhà, tôi có điều kiện chăm sóc con tốt hơn”.

Được làm việc gần nhà đưa lại rất nhiều lợi ích cho người lao động như thu nhập tăng thêm mà vẫn có thời gian để chăm lo gia đình và phụ giúp việc đồng áng. Lao động khỏi phải đi làm xa vừa đỡ tốn chi phí đi lại, vừa giảm nguy cơ mất an toàn giao thông và sức khỏe được đảm bảo. Các địa phương có lực lượng lao động trẻ ở lại làm việc tại chỗ cũng là lực lượng để tham gia bảo vệ trật tự an toàn xã hội, an ninh- quốc phòng tại địa phương. Các công nhân làm việc tại xưởng may ở làng cũng được đảm bảo các quyền lợi giống những công nhân may tập trung tại công ty như được ký hợp đồng lao động; mức lương bằng lao động tại công ty từ 3- 7 triệu đồng/người/tháng; được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động; được hưởng các chế độ bồi dưỡng độc hại, chế độ thưởng lễ, tết... Công ty cử cán bộ kỹ thuật về dạy may tại chỗ cho lao động mới vào làm. Thời gian làm việc tại xưởng cũng rất linh hoạt như cho phép làm bù giờ đến 8 giờ tối nếu lao động bận việc nhà, có thể làm việc ngày chủ nhật nếu lao động có nhu cầu… Nhờ đó, lao động vừa đảm bảo được năng suất làm việc, tiến độ giao hàng, vừa giải quyết việc gia đình ổn thỏa.

Chị Phan Thị Hợi, cán bộ quản lý kiêm hướng dẫn kỹ thuật của Công ty cổ phần May Quảng Trị tại xưởng may thôn Hà Lưu, Triệu Sơn, Triệu Phong cho biết: “Công nhân được làm việc gần nhà nên năng suất lao động đạt cao. Xưởng may lúc nào cũng đạt và vượt tiến độ giao hàng. Các lao động trong thời gian học nghề cũng được hưởng các chế độ hỗ trợ như được hỗ trợ tiền ăn, tiền làm ra sản phẩm đạt chất lượng và 750 ngàn đồng/người/ tháng. Việc điều hành quản lý xưởng cũng rất linh hoạt, tạo điều kiện hết sức thuận lợi về thời gian làm việc cho công nhân để họ vừa đảm bảo được công việc có thu nhập, vừa chăm lo gia đình”.

Đưa xưởng may về nơi có nguồn lao động dồi dào là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, đã góp phần mang lại thành công của Công ty cổ phần May Quảng Trị trong những năm gần đây. Hiện nay, ngoài các chuyền may tại trụ sở chính, công ty đã mở rộng thêm 5 xưởng may ở các xã, thị trấn trên địa bàn Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ với tổng cộng hơn 500 lao động. Ông Lê Đình Long, Phó giám đốc Công ty cổ phần May Quảng Trị cho biết: “Mở rộng xưởng may về tận các xã là cách làm hiệu quả của công ty vì lao động được làm việc gần nhà nên công ty chủ động được nguồn lao động và chủ động nhận các đơn hàng gia công hoặc xuất khẩu trực tiếp. Tất cả các quyền lợi của người lao động tại các xưởng may ở cơ sở đều đảm bảo, do đó người lao động rất phấn khởi và công ty cũng đạt được nhiều hiệu quả”.

Công nghiệp may không phức tạp trong việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nên khá dễ dàng để phát triển số lượng cơ sở sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng. Vì thế, việc mở rộng cơ sở sản xuất về các làng, xã có làm cho chi phí đầu tư của công ty tăng lên nhưng bù lại không lo thiếu hụt lao động. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng thêm các cơ sở may ở các xã tạo thành các cụm may liên xã trong vòng bán kính khoảng 5-7 km để lao động thuận tiện trong việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất. Chủ trương này của công ty được các địa phương đồng tình, ủng hộ. Ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn, Triệu Phong cho biết: “Xã rất ủng hộ việc công ty mở rộng xây dựng các xưởng may tại địa phương, nhờ đó mà lao động trong địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Về phía xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi như mặt bằng xây dựng nhà xưởng, tham gia tuyển lao động nếu công ty có nhu cầu nhằm giúp cho các xưởng may phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của xã”.

Sản phẩm chính của công ty là áo jacket, quần, T-Shirt, Polo-shirt, bảo hộ lao động... xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nhật, Úc… đòi hỏi kỹ thuật may khá cao, nhưng với sự hướng dẫn tận tình và kỹ lưỡng của các kỹ thuật viên, công nhân tại 5 xưởng may ở cơ sở đã đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng và số lượng hàng hóa, góp phần giúp công ty hoàn thành tốt các đơn hàng gia công và xuất khẩu mỗi năm khoảng hơn 264.000 sản phẩm với doanh thu 20 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2 tỷ đồng.

Những xưởng may quy mô nhỏ được xây dựng tại các làng xã đã mang lại nhiều lợi ích cho người lao động cũng như doanh nghiệp. Người lao động được chuyển đổi ngành nghề, tham gia lao động công nghiệp, có thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Khi người lao động không phải lo nơi ăn, chốn ở, không phải đi xa để làm việc thì sức khỏe được đảm bảo, chuyên tâm với nghề nên năng suất lao động tăng lên; nguy cơ bỏ việc của người lao động cũng không còn nên doanh nghiệp chủ động được nguồn lao động và hiệu quả sản xuất cũng nhờ đó mà nâng cao hơn.

Võ Thái Hòa