Nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ
(QT) - Trong tiến trình phát triển xã hội, bình đẳng giới đã và đang thu hút được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành trong địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị. Nhiều chủ trương, chính sách mới ra đời đã thực sự hỗ trợ tích cực, tạo động lực để người phụ nữ vươn lên khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong thời kỳ mới, tiến tới nam nữ bình quyền, vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ. Năm 2013, hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) tỉnh đã có những bước tiến mới cho sự bình đẳng phát triển của phụ nữ. Ngay từ đầu năm, Ban VSTBCPN tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp mới, trong đó chú trọng các hoạt động ưu tiên cho phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trên 7 lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 11– NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; tham mưu, đề xuất các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi chính đáng của phụ nữ, được Tỉnh ủy ban hành Quyết định 1099-QĐ/TU ngày 8/10/2013 quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ luân chuyển, điều động, trong đó đã đưa ra quy định riêng đối với cán bộ nữ. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/ NQ-HĐND thông qua Đề án “Một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013-2020”.
 |
Ra mắt CLB Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh: THANH HẢI |
Theo Đề án, ngoài các chế độ được hỗ trợ theo quy định thì cán bộ, công chức nữ khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các khóa học từ một tháng trở lên được hỗ trợ thêm 0,2 mức lương tối thiểu chung/người/tháng; riêng cán bộ, công chức nữ là người dân tộc thiểu số, ngoài khoản hỗ trợ này còn được hỗ trợ theo chính sách, Nghị quyết số 06/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh... Ngày 4/10/2013, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3260/UBND-VX về đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các chính sách ưu tiên đã tạo điều kiện cho cán bộ nữ học tập, nâng cao trình độ, khẳng định vai trò, vị trí của mình; đồng thời nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020. Công tác tuyên truyền đã tạo điểm nhấn, thu hút nhiều người tham gia. Ban VSTBCPN tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chế độ, chính sách ưu tiên của tỉnh về công tác nữ và bình đẳng giới, Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của tỉnh giai đoạn 2011-2015; Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015. Công tác tuyên truyền đã đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu, nhiều hình thức linh hoạt, phong phú như phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn thực hiện lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy trong các lớp trung cấp lý luận chính trị; tổ chức hội nghị, tập huấn nghiệp vụ về công tác lồng ghép giới trong lập kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cho đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở LĐ,TB & XH và Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với Ban VSTBCPN huyện Cam Lộ tổ chức hội thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới từ cấp xã đến huyện. Hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng, đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Ban VSTBCPN các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố phát sóng 10 chuyên mục “Bình đẳng giới” trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thực hiện 20 chuyên trang “Bình đẳng giới” trên Báo Quảng Trị với nhiều chủ đề nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác bình đẳng giới trong cộng đồng, nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội; biên soạn, in ấn tài liệu, tờ rơi, áp phích tuyên truyền công tác bình đẳng giới và VSTBCPN, tài liệu nội dung về bình đẳng giới, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho các thành viên tham gia mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và nhân dân tại xã Tà Long, huyện Đakrông... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi hơn về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới ở các cấp, ngành, địa phương. Để người dân vùng sâu, vùng xa, người Vân Kiều, Pa Kô hiểu sâu hơn về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trong gia đình, Ban VSTBCPN tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Đakrông xây dựng mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” với 50 thành viên tham gia, đã đi vào hoạt động có hiệu quả, mỗi quý sinh hoạt 1 lần, các thành viên có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con, phát triển kinh tế gia đình; được tiếp thu các nội dung về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, lồng ghép giới trong biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản, môi trường… Ban VSTBCPN các cấp chú trọng đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao với nhiều hoạt động. Phối hợp với các ngành liên quan nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng cách tạo điều kiện, tăng cơ hội cho việc nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, xây dựng chính sách cho phụ nữ tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Các hoạt động liên quan trong công tác phụ nữ luôn được Ban VSTBCPN các cấp chú trọng như: Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám chữa bệnh, quản lý chăm sóc phụ nữ có thai; khuyến khích, động viên chị em tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tổ chức các hoạt động, tọa đàm trao đổi thực hiện phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; tổ chức hội thi, hái hoa dân chủ, liên hoan văn nghệ... Với nhiều hoạt động về bình đẳng giới nên nhận thức của CBCNVC và nhân dân về bình đẳng giới tiếp tục được nâng cao, định kiến giới, phong tục tập quán lạc hậu dần dần được thay đổi, tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận và được thụ hưởng các quyền lợi trên mọi lĩnh vực, tiến tới mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Trong công tác xóa đói giảm nghèo, Sở LĐ,TB&XH, Hội LHPN tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương mở các lớp tập huấn về kỹ năng công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, chăn nuôi có quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn vay nhằm tạo điều kiện để số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ phát triển kinh tế, tiến tới thoát nghèo bền vững. Số phụ nữ nghèo được vay vốn tăng từ 86,7% (năm 2012) lên trên 87% (năm 2013); tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm mới trong tổng số lao động được tạo việc làm mới ước thực hiện năm 2013 là 4.560 phụ nữ, đạt 48%; tỷ lệ tuyển sinh học nghề cho lao động nữ tăng từ 2.704 (2012) lên 3.102, chiếm 44%. Với những nỗ lực trong công tác, Ban VSTBCPN tỉnh đã góp phần cùng toàn tỉnh tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ thuộc sở và tương đương trở lên 15%; cơ quan đơn vị thuộc UBND tỉnh có 30% lực lượng lao động nữ trở lên có cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo. Các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội có cán bộ lãnh đạo nữ chiếm 35,7%; tỷ lệ đảng viên nữ mới kết nạp đạt trên 43% trong tổng số đảng viên mới; 5/10 huyện, thị xã, thành phố có nữ phó chủ tịch UBND, 2 nữ bí thư huyện ủy. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 tại một số địa phương, đơn vị chưa thật hiệu quả, chưa thường xuyên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Định kiến giới và một số phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, là rào cản trên đường tiến tới bình đẳng thực chất giữa nam và nữ. Công tác lồng ghép giới vào quá trình hoạch định, thực thi chính sách chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chủ động ở các cấp, các ngành. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban VSTBCPN tỉnh triển khai công tác bình đẳng giới theo 7 mục tiêu của giai đoạn 2011-2015; triển khai việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch hành động thực hiện bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, vị trí, vai trò phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ trong công tác lãnh đạo… bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; kiện toàn Ban VSTBCPN các cấp; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy chế hoạt động của Ban VSTBCPN các sở, ban, ngành; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban VSTBCPN các cấp, các ngành, đưa hoạt động của Ban VSTBCPN ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. TRẦN THỊ HIỀN