Quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 - Vấn đề và giải pháp
(QT) - Nhằm hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho báo chí Quảng Trị, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1978/QĐ-UBND ngày 1/10/2009 phê duyệt đề cương và dự toán Quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, giao Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị thực hiện việc xây dựng Quy hoạch. Để xây dựng Quy hoạch báo chí có tầm chiến lược, có lộ trình phát triển phù hợp, đòi hỏi phải xác định rõ những vấn đề đáng quan tâm và các giải pháp thực hiện đi kèm. Vậy những vấn đề đặt ra và giải pháp cần hướng đến là gì? Bức tranh toàn cảnh Cùng với công cuộc đổi mới và phát triển của tỉnh, nhiều năm qua, hoạt động báo chí của tỉnh đã có những bước phát triển cả về quy mô, loại hình, số lượng và chất lượng. Về báo chí in, hiện trên địa bàn tỉnh có Báo Quảng Trị, Tạp chí Cửa Việt và 4 đặc san xuất bản định kỳ trong năm của Hội Nhà báo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ. Báo Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị xây dựng tỉnh nhà ngày càng đổi mới và phát triển.
 |
Các nhà báo hoạt động nghiệp vụ tại Lễ hội Thống nhất non sông. Ảnh: THÀNH DŨNG |
Báo Quảng Trị xuất bản 4 số/tuần, số lượng từ 3.720 đến 4.000 tờ/số. Ngoài ra, Báo Quảng Trị còn xuất bản các số báo chuyên đề, số đặc biệt và các số báo Xuân. Tạp chí Cửa Việt của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị là diễn đàn văn hoá-văn học nghệ thuật của tỉnh, xuất bản mỗi tháng 1 số, số lượng từ 1.000 đến 1.500 tờ/số. Tạp chí đã từng bước đổi mới về nội dung và hình thức, mở ra "sân chơi" bổ ích cho các văn nghệ sĩ và những người yêu chuộng nghệ thuật. Đối với phát thanh, truyền hình, nhiều năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương, hệ thống phát thanh, truyền hình Quảng Trị từng bước phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, tuyên truyền và hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Hệ thống phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh hiện có Đài PT-TH tỉnh, 10 Đài truyền thanh cấp huyện, các trạm PT-TH vùng sâu, vùng xa, trạm truyền thanh cơ sở xã, phường, các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền (truyền hình cáp, truyền hình qua Internet). Đài PT-TH tỉnh đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng nội dung chương trình, mở thêm nhiều chuyên mục mới, tăng thời lượng phát sóng các chương trình, trong đó có chương trình địa phương. Hiện Đài PT-TH tỉnh đã tăng thời lượng 17 giờ/ngày đối với truyền hình (kênh QTV), trong đó, chương trình truyền hình tự sản xuất là 3 tiếng/ngày, khi có sự kiện tăng lên 5 tiếng/ngày; đối với phát thanh là 16 giờ 30/ngày, trong đó, chương trình tự sản xuất bình quân 3 tiếng/ngày. Diện phủ sóng mở rộng dần. Ngoài địa bàn Đông Hà và vùng đồng bằng ra, các chương trình phát thanh, truyền hình địa phương đã được phát đồng thời tại Đakrông, Khe Sanh, Lao Bảo, thông qua 14 trạm phát lại (năm 2010 đầu tư thêm 2 trạm nữa tại Hướng Phùng và vùng Lìa, Hướng Hoá). Tính đến nay, diện phủ sóng chương trình truyền hình địa phương đạt khoảng 65% diện tích, 70% dân số toàn tỉnh. Cơ sở vật chất trang thiết bị được đầu tư từng bước. Từ năm 2000, công nghệ sản xuất và truyền dẫn tín hiệu phát thanh, truyền hình bằng công nghệ số (Digital) được áp dụng rộng rãi. Cho đến nay, 80% thiết bị của Đài PT-TH tỉnh và 40% thiết bị của Đài huyện, thị xã đã được “số hoá”, nhờ vậy, hiệu quả sử dụng cao hơn, tiện lợi hơn, chất lượng chương trình tốt hơn. Các đài phát thanh huyện, trạm truyền thanh cơ sở làm tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền trên địa bàn huyện và cơ sở. Các đài phát thanh huyện còn làm nhiệm vụ cộng tác với Đài PT-TH tỉnh, tiếp phát lại các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài PT-TH tỉnh và các Đài quốc gia. Riêng Đài Phát thanh Hướng Hoá đã tự sản xuất chương trình truyền hình địa phương (phát 2 lần/tuần, nếu tính cả phát lại là 4 lần/tuần, mỗi lần từ 12 đến 15 phút), chủ động đáp ứng nhu cầu thông tin trên địa bàn. Về báo điện tử và thông tin điện tử, hiện có các trang thông tin điện tử của Báo Quảng Trị, Đài PT-TH tỉnh, trang thông tin điện tử của tỉnh và nhiều trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố, các cơ quan, đơn vị. Trang thông tin điện tử của Báo Quảng Trị đã mở nhiều chuyên mục phong phú, cập nhật thông tin kịp thời, thu hút bạn đọc, trung bình mỗi ngày có 10.000 lượt truy cập. Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh đã cung cấp các các thủ tục hành chính và các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, năm 2009 đạt tổng số 2.150 dịch vụ công (trong đó có 808 dịch vụ công mức 1 và 1.342 dịch vụ công mức 2). Những thành tích quan trọng mà báo chí Quảng Trị đạt được đã minh chứng cho sự phát triển của nguồn nhân lực báo chí Quảng Trị cả về số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực này được lựa chọn qua tuyển dụng chặt chẽ, được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện qua trường lớp và thực tiễn. Phần lớn có trình độ đại học, một số có 2 bằng đại học trở lên. Một số nhà báo đã khẳng định được tên tuổi, vị trí của mình trong lòng người đọc, người xem, người nghe. Báo Quảng Trị nhiều năm đứng ở tốp đầu các báo Đảng địa phương đạt giải báo chí toàn quốc, nay là giải báo chí quốc gia. Các phóng viên Đài PT-TH tỉnh từng đạt giải báo chí toàn quốc, đạt các Huy chương vàng tại Liên hoan Truyền hình, Liên hoan Phát thanh toàn quốc. Những vấn đề đặt ra Dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng trước yêu cầu chiến lược mới về phát triển thông tin tuyên truyền, báo chí Quảng Trị đang đứng trước không ít khó khăn, hạn chế và những vấn đề cần giải quyết. Về nội dung thông tin, các cơ quan báo chí đã có nhiều cố gắng gia tăng về số lượng (tăng kỳ xuất bản báo, tăng số lượng phát hành, tăng thời lượng chương trình, mở rộng diện phủ sóng, mở trang thông tin điện tử…), tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng không phải luôn luôn đi đôi với sự phát triển về chất lượng. Nội dung thông tin có lúc còn chưa thật phong phú, sinh động, tính thuyết phục có mặt còn hạn chế. Những thông tin mang tính phát hiện, dự báo, cảnh báo, hoặc đưa ra các kiến giải, giải pháp xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trên báo chí Quảng Trị còn chưa nhiều. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho báo chí còn gặp nhiều khó khăn. Thiết bị Đài PT-TH tỉnh vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Khuôn viên, trụ sở của Đài trước yêu cầu phát triển mới đã trở nên chật hẹp. Các thiết bị của 10 Đài truyền thanh cấp huyện được đầu tư từ nguồn chương trình mục tiêu từ năm 1995 đến nay công suất giảm còn khoảng 50%, hay bị hư hỏng. Nhiều thiết bị chủ lực như máy phát sóng, cột anten đã xuống cấp. Lượng thiết bị của các trạm phát lại phát thanh - truyền hình ở các xã vùng sâu, vùng xa còn ít, máy phát đơn chiếc, không có dự phòng.
 |
Bạn đọc với báo chí. Ảnh: HỒ CẦU |
Việc truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình ở phía Tây Quảng Trị gặp trở ngại, do địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi, một số vùng lõm chưa được phủ sóng phát thanh, truyền hình, cần đầu tư đài trạm và đường truyền tín hiệu vào đến tận các trạm phát lại PT-TH để phát sóng. Đối với báo in, việc tăng số lượng phát hành còn gặp khó khăn. Về thông tin điện tử, thông tin trên trang thông tin điện tử của Báo Quảng Trị còn phụ thuộc vào báo in, thông tin trên nhiều trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành còn “tĩnh” nhiều hơn “động”, thiếu cập nhật thường xuyên. Sức lan toả của thông tin điện tử ra cả nước và nước ngoài, nhất là khả năng chiếm lĩnh trận địa thông tin đối ngoại còn hạn chế. Nguồn nhân lực báo chí Quảng Trị trước yêu cầu phát triển báo chí trong thời kỳ hội nhập còn có những bất cập, hạn chế. Tính chuyên nghiệp, kỹ năng làm báo hiện đại, kỹ năng thực hiện truyền thông đa phương tiện…còn chưa được tăng cường đầy đủ. Đội ngũ vừa thiếu, vừa khó bổ sung kịp thời, do thiếu nguồn tuyển dụng đạt yêu cầu. Giải pháp Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ những bước trưởng thành, phát triển và kể cả những hạn chế nêu trên, có thể hướng đến hệ thống các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra cho báo chí Quảng Trị như sau: 1 . Giải pháp về đầu tư phát triển: Đối với báo in, vấn đề đặt ra là tăng số lượng phát hành và tăng ấn phẩm báo chí. Để tăng số lượng phát hành báo in, ngoài cơ chế của tỉnh hỗ trợ đưa báo về cơ sở, các báo in trên địa bàn tỉnh cần tìm cách tăng số lượng phát hành như phát hành theo đơn đặt hàng, phát hành qua kênh doanh nghiệp, thương mại, giao báo theo địa chỉ... Đối với việc tăng ấn phẩm báo chí, thực hiện mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí, Báo Quảng Trị sẽ xuất bản thêm một ấn phẩm (như Báo Nhân Dân có thêm ấn phẩm “Thời nay”), Tạp chí Cửa Việt tăng thêm kỳ phát hành. Ngoài những tờ báo in đã có, trên địa bàn tỉnh có một số cơ quan có nhu cầu xuất bản tạp chí. Vậy cơ quan nào, lĩnh vực nào được xem xét đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép xuất bản tạp chí? Về vấn đề này, Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ cấu chung về báo chí in như sau: một tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, thành phố; một tạp chí về kinh tế hoặc khoa học - công nghệ hoặc kinh tế - khoa học - công nghệ; một tạp chí văn nghệ hoặc văn hoá - nghệ thuật”. Như vậy, theo Chiến lược này, tại Quảng Trị có thể xin phép xuất bản một tạp chí về kinh tế hoặc khoa học - công nghệ hoặc kinh tế - khoa học - công nghệ (ngoài tạp chí văn nghệ đã có là Tạp chí Cửa Việt). Dĩ nhiên, các cơ quan muốn xin phép xuất bản báo in, tạp chí phải tính đến yêu cầu tự chủ về tài chính. Tính đến nhu cầu phát triển thêm báo in trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị đã có Báo cáo số 14/STTTT-BCXB ngày 19/3/2009 báo cáo Quy hoạch báo chí in của tỉnh Quảng Trị gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh đề nghị đưa vào quy hoạch Tạp chí “Khoa học và Công nghệ” của Sở Khoa học và Công nghệ trong tương lai là phù hợp với văn bản đã dẫn trên của Thủ tướng Chính phủ. Đối với phát thanh-truyền hình, vấn đề bức xúc đặt ra là tìm nguồn vốn cho các dự án đầu tư thiết bị phát thanh-truyền hình trên địa bàn tỉnh. Đối với Đài PT-TH tỉnh, trước yêu cầu phát triển mới, Đài có nhu cầu xây dựng trường quay (studio) trong nhà, kết hợp với trung tâm truyền hình kỹ thuật số và kể cả phim trường ngoài trời. Ngoài ra, Đài PT-TH tỉnh cần bổ sung thêm thiết bị cho xe truyền hình lưu động, máy phát thanh, thiết bị sản xuất chương trình phát thanh sử dụng công nghệ số… Đối với Đài huyện, thị, cần sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại nhà cửa, thay thế, nâng cấp, sửa chữa thiết bị; đối với các trạm phát lại PT-TH ở vùng sâu vùng xa, cần thay thế máy phát cũ, bổ sung máy dự phòng. Về nguồn vốn cho dự án đầu tư thiết bị phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 436/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 11/2/2010 gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định: “Việc Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị xin kinh phí thực hiện dự án “Đầu tư thiết bị phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” để nâng cao năng lực sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với Quy hoạch”, “việc đầu tư dự án bằng nguồn ngân sách nhà nước là rất cần thiết”, đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án này. Về đầu tư mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình, phát triển mạng phát thanh, truyền hình số mặt đất, phát thanh, truyền hình cáp và việc xác định nguồn vốn đầu tư, Danh mục các nhóm dự án trọng điểm ban hành kèm theo Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng, phát thanh, truyền hình đến năm 2020 đã xác lập các nhóm dự án “Mở rộng phủ sóng truyền hình tới miền núi, vùng sâu, vùng xa” (bằng các phương thức truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình mặt đất tương tự (trước năm 2011) và kết hợp với việc sử dụng vệ tinh Vinasat), “Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh đến các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biển” (bằng sóng FM chất lượng cao trước năm 2011) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các nhóm dự án “Phát triển mạng truyền hình số mặt đất”, “Phát triển mạng phát thanh số mặt đất quốc gia”, “Sản xuất và cung cấp đầu thu truyền hình số” được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn của các doanh nghiệp và các nguồn vốn khác, nhóm dự án “Phát triển mạng phát thanh, truyền hình cáp tại các địa phương trên cả nước” được đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp. Căn cứ vào danh mục này và các văn bản đã dẫn trên của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Quảng Trị sẽ xác định tổng nguồn vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư cho các dự án đầu tư trọng điểm về phát thanh, truyền hình tại Quảng Trị. Đáng chú ý, một hướng đầu tư phủ sóng truyền hình cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng lõm đang được Đài PT-TH tỉnh quan tâm, đó là hướng đưa kênh chương trình truyền hình địa phương lên vệ tinh Vinasat. Hiện nay, chương trình truyền hình địa phương tự sản xuất của Đài PT-TH tỉnh đạt 3 tiếng/ngày, tính cả chương trình phát lại đạt 5,5 tiếng/ngày. Theo yêu cầu tại dự thảo Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về điều kiện, thủ tục phát sóng quảng bá trực tiếp các kênh chương trình truyền hình địa phương trên vệ tinh, tổng thời lượng phát sóng kênh chương trình truyền hình tối thiểu 15 tiếng/ngày, trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất tối thiểu đạt 40% thời lượng kênh chương trình trong một ngày, tức là 6 tiếng/ngày, Đài PT-TH tỉnh sẽ phấn đấu đạt được thời lượng này. Tính trước mức chi phí ưu tiên hợp lý để xin đưa kênh truyền hình Quảng Trị lên vệ tinh, khi tham mưu cho UBND tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Đề án và Quyết định Phê duyệt Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị đã đề nghị cho tỉnh Quảng Trị được: “Ưu tiên sử dụng vệ tinh Vinasat với giá cước hợp lý trên cơ sở giá thành”. Liên quan đến nhu cầu đầu tư phát triển trên lĩnh vực phát thanh, truyền hình, cần tranh thủ thêm nguồn lực từ các lĩnh vực khác, chẳng hạn lĩnh vực văn hoá. Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra một trong những đề án, dự án lớn trong giai đoạn đến năm 2015, đó là “Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển “công nghiệp văn hoá” Việt Nam” (trong “công nghiệp văn hoá” có công nghiệp nghe nhìn, công nghiệp phát thanh, truyền hình…). Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đầu tư trực tiếp cho phát thanh-truyền hình, cần tranh thủ, huy động tổng lực những nguồn vốn khác như nguồn viện trợ, nguồn liên doanh liên kết, nguồn thu dịch vụ quảng cáo, các nguồn vốn theo phương châm xã hội hoá…nhằm đầu tư phát triển cho phát thanh-truyền hình nói riêng, báo chí nói chung. Đối với đài (trạm) truyền thanh xã, Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Phát triển văn hoá nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” đã nêu từng bước xây dựng thiết chế Đài truyền thanh xã. Đặc biệt, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, trong đó có nêu ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% cho xây dựng nhà văn hoá xã (trong đó có Đài truyền thanh). Như vậy, việc xây dựng Đài truyền thanh xã đã có lộ trình đầu tư cụ thể. Đối với báo điện tử và trang thông tin điện tử, tiếp tục đầu tư cơ sở, trang thiết bị, nhân lực để tách Trang thông tin điện tử của Báo Quảng Trị thành Báo Quảng Trị điện tử, hình thành mô hình toà soạn điện tử; nâng cấp trang thông tin điện tử của tỉnh thành Cổng thông tin điện tử của tỉnh, tích hợp các trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Các trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố cung cấp các dịch vụ hành chính công đạt cấp độ 3 đến 4 để hình thành chính quyền điện tử. 2. Giải pháp về nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin trên báo chí: Các báo in trên địa bàn tỉnh cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung và hình thức, không ngừng nâng cao chất lượng thông tin, tăng tính chiến đấu, tính dự báo, tính hiệu quả, tính hấp dẫn của thông tin nhằm thu hút bạn đọc, từ đó tăng được lượng phát hành. Chương trình tự sản xuất của Đài PT-TH tỉnh cần tăng dần thời lượng qua hàng năm, mở thêm các chuyên mục, chương trình phong phú nhờ vào nguồn đầu tư xã hội hoá…bởi vì thực hiện Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng, phát thanh, truyền hình đến năm 2020, các đài phát thanh truyền hình địa phương, trong đó có Đài PT-TH tỉnh sẽ tập trung vào chức năng sản xuất nội dung chương trình. Tăng cường sản xuất chương trình còn là một trong những điều kiện để được cấp phép phát sóng quảng bá kênh truyền hình của Đài PT-TH tỉnh lên vệ tinh. 3. Giải pháp về nguồn nhân lực: Cần có cơ chế tiếp tục đầu tư cho đào tạo, nâng cao hơn nữa về trình độ chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học…cho đội ngũ báo chí Quảng Trị, chú trọng đào tạo về kỹ năng làm báo hiện đại và rèn luyện đạo đức nghề báo. Tạo ra sự tiếp nối liên tục và phát triển giữa các thế hệ, bằng cách tuyển chọn đúng những người có năng khiếu làm báo, thử thách họ qua thực tiễn và khuyến khích, động viên họ sáng tạo, từ đó tạo ra được những nhà báo có “đẳng cấp”, có “thương hiệu”. 4 . Giải pháp về hoàn thiện cơ chế quản lý: Cơ chế quản lý báo chí đang trong quá trình được tiếp tục hoàn thiện dần. Hàng loạt văn bản về khung pháp lý cho sự phát triển của báo chí đang được xây dựng như Luật Báo chí mới, các Nghị định, Thông tư mới về quản lý báo chí…Đáng chú ý là cơ chế quản lý phát thanh, truyền thanh ở cấp huyện và cơ sở còn có những bất cập cần sớm xử lý. Đài phát thanh cấp huyện lâu nay vẫn hoạt động báo chí nhưng chưa được coi là cơ quan báo chí. Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện theo quy định tại Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ: “Đánh giá đầy đủ các điều kiện hoạt động của hệ thống đài phát thanh cấp huyện để xem xét, cấp phép hoạt động và phân loại quản lý theo quy định của Luật Báo chí”. Thông qua đánh giá, “những đài phát thanh cấp huyện có đủ điều kiện được cấp phép hoạt động theo quy định của Luật Báo chí”. Đối với đài (trạm) truyền thanh xã, nguồn nhân lực quản lý và cơ chế, chính sách đi kèm là vấn đề lâu nay còn “bỏ ngỏ” nay bước đầu đã có hướng giải quyết. Theo Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã nêu rõ, nhà văn hoá đa năng ở xã có cán bộ quản lý hưởng phụ cấp bán chuyên trách và cán bộ nghiệp vụ được hợp đồng và hưởng thù lao hợp lý. 5. Giải pháp về hợp tác quốc tế: Quảng Trị là tỉnh nằm ở vị trí “đầu cầu” của Hành lang Kinh tế Đông-Tây về phía Việt Nam, có lợi thế so sánh về địa-kinh tế, đây là điều kiện thuận lợi để mở mang quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có quan hệ hợp tác về thông tin báo chí. Thông tin đối ngoại là lĩnh vực cần được chú trọng nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh Quảng Trị thân thiện, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, năng động hội nhập và hợp tác. Nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh năm 2010. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch này, tỉnh cần ban hành kế hoạch thông tin đối ngoại cho hàng năm hoặc nhiều năm để có chiến lược phát triển dài hạn. Các cơ quan báo chí cần tiếp tục tăng thời lượng phát thanh, truyền hình, báo điện tử ra nước ngoài, nhất là các nước trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây. Thông qua các sự kiện, các lễ hội lớn như Lễ hội “Thống nhất non sông”, Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á”, Diễn đàn Hợp tác Hành lang Kinh tế Đông-Tây…cần chú ý mời gọi, thu hút báo chí nước ngoài đến tham dự, thông tin, quảng bá về Quảng Trị trên các kênh truyền thông nước ngoài. Trên cơ sở phân tích thấu đáo các vấn đề đặt ra và tìm các giải pháp thực hiện, Quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt sẽ đánh dấu lộ trình phát triển mới của báo chí Quảng Trị, tạo điều kiện cho báo chí Quảng Trị trên cơ sở kế thừa bề dày truyền thống báo chí cách mạng, tiếp tục vươn lên, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp và năng lực sáng tạo, có nhiều đóng góp xứng đáng vào quá trình hội nhập và phát triển của quê hương, đất nước. NGUYỄN HOÀN (Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị)