Tìm hiểu Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa
(QT) - Ngày 26/8/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ- BTC, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Chế độ kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC đến nay đã được 10 năm, hiện đã bộc lộ một số hạn chế và cần phải thay đổi. Chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa lần này dựa trên cơ sở của chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư ...

Tìm hiểu Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa

(QT) - Ngày 26/8/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ- BTC, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Chế độ kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC đến nay đã được 10 năm, hiện đã bộc lộ một số hạn chế và cần phải thay đổi. Chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa lần này dựa trên cơ sở của chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200/2014/ TT-BTC và được sửa đổi, điều chỉnh cho đơn giản hơn.

Sản phẩm gỗ MDF sản xuất tại Khu công nghiệp Quán Ngang chuẩn bị xuất bán ra thị trường - Ảnh: PV

Nhìn chung chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Thông tư 133/2016/TT-BTC mang tính cởi mở, linh hoạt cao, đưa ra nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp như: Chế độ kế toán chủ yếu quy định đến tài khoản (TK) cấp 1, chỉ một số ít TK chi tiết đến cấp 2, mỗi TK chỉ phản ánh một nội dung chứ không có riêng TK ngắn hạn, dài hạn. Doanh nghiệp được tự chi tiết và theo dõi ngắn hạn, dài hạn hoặc mở các TK chi tiết theo yêu cầu quản lý của mình; Dỡ bỏ toàn bộ sự bắt buộc đối với chứng từ và sổ kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tự xây dựng hệ thống chứng từ và sổ kế toán để đáp ứng yêu cầu, điều hành phù hợp với đặc thù hoạt động của mình, miễn là đáp ứng được các yêu cầu của Luật Kế toán. Chế độ kế toán chỉ quy định về nguyên tắc kế toán mà không quy định chi tiết các bút toán. Bằng cách vận dụng nguyên tắc kế toán, độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tự quyết định các bút toán ghi sổ sao cho phù hợp nhất với quy trình luân chuyển chứng từ và thói quen của mình miễn là trình bày báo cáo tài chính đúng quy định. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tự vận dụng nguyên tắc kế toán để ghi sổ thì có thể tham khảo các sách hướng dẫn nghiệp vụ. Được tự lựa chọn đồng tiền ghi sổ kế toán khi đáp ứng được các tiêu chí chế độ quy định; được tự quyết định ghi hoặc không ghi doanh thu từ các giao dịch nội bộ mà không phụ thuộc chứng từ xuất ra là hóa đơn hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ; được tự quy định cho đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn nhận từ doanh nghiệp là nợ phải trả hoặc vốn chủ sở hữu;được lựa chọn biểu mẫu báo cáo tài chính theo tính thanh khoản giảm dần hoặc phân biệt ngắn hạn, dài hạn theo truyền thống… Chế độ kế toán mới đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có phần hướng dẫn riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ theo hướng đơn giản nhất có thể và hướng dẫn cụ thể cho trường hợp doanh nghiệp khi rơi vào tình trạng ngừng hoạt động do giải thể, phá sản… Có thể nói, chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC có nhiều đổi mới so với Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC lấy doanh nghiệp, đối tượng áp dụng làm trung tâm, ưu tiên mục đích quản trị doanh nghiệp hơn mục đích quản lý nhà nước. Tách biệt kế toán và thuế, hướng đến phục vụ nhu cầu quản trị, điều hành doanh nghiệp: Lần đầu tiên, chế độ kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự khác biệt giữa doanh thu, chi phí, lợi nhuận kế toán so với doanh thu, chi phí được trừ và thu nhập chịu thuế. Mục đích của kế toán khác với mục đích của thuế do đó trong rất nhiều trường hợp thời điểm ghi nhận doanh thu, chi phí kế toán khác với thời điểm kê khai thuế, việc ghi nhận doanh thu không nhất thiết phải bằng số ghi trên hóa đơn hoặc không phụ thuộc vào việc có xuất hóa đơn hay không, như: Chi phí khấu hao đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi có trị giá trên 1,6 tỷ đồng; mua vé máy bay, phòng vé phải xuất hóa đơn nhưng hành khách chưa bay thì Hãng Hàng không chưa ghi nhận doanh thu; bán hàng đại lý đúng giá hưởng hoa hồng thì doanh thu là hoa hồng nhưng hóa đơn xuất ra là toàn bộ số tiền thu được của sản phẩm, hàng hóa; bán sản phẩm sản xuất thử, doanh nghiệp phải xuất hóa đơn nhưng số tiền thu được không ghi doanh thu mà ghi giảm trừ chi phí sản xuất thử … Sản phẩm cuối cùng của kế toán là thông tin được công bố trên báo cáo tài chính. Vì vậy, các thông tin trên báo cáo tài chính phải trung thực, minh bạch và được trình bày nhất quán chứ không phải việc ghi Nợ hay Có trên các bút toán. Coi trọng bản chất hơn hình thức và tên gọi giao dịch: Hướng người làm công tác kế toán đến việc nhận biết giao dịch trước khi áp dụng phương pháp kế toán và cách làm này sẽ giúp chúng ta dễ tiếp cận chế độ kế toán hơn. Phương pháp kế toán phụ thuộc vào bản chất giao dịch và cách thức giao dịch vận hành. Vì vậy, muốn làm tốt công tác kế toán phải nắm được nguyên tắc kế toán, bản chất giao dịch và biết vận dụng nguyên tắc kế toán phù hợp với từng giao dịch. Tiếp cận gần hơn với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế: Trong thông tư có đưa ra một số nội dung mang tính thông lệ thế giới như đánh giá tổn thất khoản cho vay và bất động sản đầu tư, ghi nhận doanh thu tương ứng với nghĩa vụ thực hiện… Hiện tại 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Do đó, Thông tư 133/2016/TT-BTC rất phù hợp với công tác kế toán đối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thực hiện công tác kế toán đơn giản hơn, tăng sự chủ động hơn trong công tác hạch toán kế toán của đơn vị . TRÍ BẬT - BÍCH THUẬN