Để tiếng Anh là một niềm đam mê
(QT) - Nguyễn Thị Ngân Hà, cựu học sinh chuyên Anh, trường chuyên Lê Quý Đôn (giải Ba Anh văn quốc gia năm học 2008 - 2009) có lần tâm sự với chúng tôi rằng: hơn cả niềm đam mê, đối với em, tiếng Anh đã thực sự như một bản năng trong con người. Với Hà, đó chính là bí quyết giúp em giành được những thành tích ấn tượng trong học tập.  Sau này, có dịp ngồi trò chuyện với cô giáo Phan Thị Quỳ, Tổ trưởng tổ Anh văn, Trường chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Quảng Trị), chúng tôi càng vỡ lẽ rằng, để tiếng Anh ...

Để tiếng Anh là một niềm đam mê

(QT) - Nguyễn Thị Ngân Hà, cựu học sinh chuyên Anh, trường chuyên Lê Quý Đôn (giải Ba Anh văn quốc gia năm học 2008 - 2009) có lần tâm sự với chúng tôi rằng: hơn cả niềm đam mê, đối với em, tiếng Anh đã thực sự như một bản năng trong con người. Với Hà, đó chính là bí quyết giúp em giành được những thành tích ấn tượng trong học tập. Sau này, có dịp ngồi trò chuyện với cô giáo Phan Thị Quỳ, Tổ trưởng tổ Anh văn, Trường chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Quảng Trị), chúng tôi càng vỡ lẽ rằng, để tiếng Anh thực sự trở thành bản năng trong mỗi học sinh, chính bản thân những giáo viên phải xây dựng cho mình một niềm đam mê đặc biệt, luôn luôn tự làm mới mình bằng những kiến thức mới mẻ, những phương pháp dạy học hiệu quả. Nói một cách khác, mỗi một giáo viên phải biết cách "thổi lửa" vào học sinh của mình bằng những kiến thức mới, những phương pháp dạy học mới.

Một buổi trao đổi nghiệp vụ của tổ Anh văn

Với sự nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng dạy và học, việc tìm ra các phương pháp dạy học mới luôn được cán bộ, giáo viên tổ Anh văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn quan tâm hàng đầu. Tổ đã hợp tác với Quỹ Hỗ trợ toàn cầu, được tổ chức này hỗ trợ về đào tạo, kinh phí, phòng máy, sách vở, trang thiết bị, giáo viên tình nguyện. Ngoài ra, Tổ còn thực hiện các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT với các du học sinh của tổ chức này để giúp học sinh có điều kiện giao lưu, học hỏi với nền văn hóa nước bạn. Đặc biệt, đây là những cơ hội quý báu giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc, đàm thoại trực tiếp với người nước ngoài để rèn luyện kỹ năng nghe và nói tiếng Anh của mình. Ngoài ra, Tổ cùng thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động ngoài trời, các buổi sinh hoạt ngoài khóa mang tính chất học mà chơi, chơi mà học. Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa này, học sinh được thư giãn sau những tiết học căng thẳng nhưng cũng có dịp rèn luyện những kỹ năng đã được học. Một nét đặc biệt trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp mà Tổ Anh văn Trường chuyên Lê Quý Đôn áp dụng đó là khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh của mình tham gia các buổi hùng biện tiếng Anh tại quán cà phê Tâm. Đây là quán cà phê do Nguyễn Xuân Tâm, một học sinh cũ của trường, thành lập. Ngoài hoạt động kinh doanh, buôn bán, ở đây còn tổ chức một CLB tiếng Anh thu hút đông đảo những người yêu mến tiếng Anh (có cả người nước ngoài) đến tham gia sinh hoạt, giao lưu, trao đổi với nhau về vốn tiếng Anh của mình. Tại đây, các thành viên được thoải mái trò chuyện, giao lưu trong một không gian chỉ toàn tiếng Anh, vì vậy, việc tham gia vào CLB này là một cơ hội tuyệt vời để những học sinh vừa học, vừa trau dồi vốn kiến thức tiếng Anh của mình. Phương châm học sinh là trung tâm của lớp học đã được tổ Anh văn áp dụng triệt để cách đây 10 năm. Trên cơ sở những kiến thức cơ bản của sách giáo khoa, giáo viên sẽ mở rộng ra nhiều chiều hướng khác nhau (bản thân mỗi giáo viên cũng có mỗi cách mở rộng vấn đề khác nhau, do vậy các phương pháp, nội dung dạy học luôn được đổi mới, tạo ra tính hấp dẫn cho tiết học) để kích thích tính sáng tạo của học sinh. Giáo viên là người nêu ra chủ đề, học sinh tự chuẩn bị tư liệu, đứng lên thuyết trình và làm chủ đề tài của mình. Không có khái niệm đọc chép quen thuộc trong các tiết học của bộ môn tiếng Anh mà ở đó, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, giúp đỡ và cùng đứng ra thảo luận với học sinh của mình. Tính "dân chủ" này đã tạo nên một không khí cởi mở, thoải mái trong việc dạy, học. Từ đó nâng cao chất lượng bài giảng cũng như khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh. Đặc biệt, học sinh được rèn luyện một cách đồng đều 4 kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết trong tiếng Anh. Làm nghề dạy học, nhất là dạy học ở Trường chất lượng cao chuyên Lê Quý Đôn đòi hỏi mỗi giáo viên luôn phải học hỏi không ngừng. Vì vậy, tổ Anh văn nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để giáo viên trong tổ tự học nâng cao trình độ và có phương pháp giảng dạy phù hợp. Đến nay, 3 trong tổng tổng số 10 giáo viên của tổ đã có trình độ thạc sĩ, 7 giáo viên có trình độ cử nhân, 4 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 100% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường. Ngoài ra, tổ luôn biết mặt mạnh, mặt yếu của mỗi giáo viên để có sự phân công công việc hợp lý, qua đó mỗi giáo viên đều có cơ hội để phát huy tốt nhất khả năng của mình. Nhờ đó, chất lượng dạy học của tổ Anh văn trường chuyên luôn đạt được những thành tích ấn tượng. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%. 100% học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi Anh văn cấp tỉnh, trên 40% học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đều đạt giải, góp phần tô thắm thêm bản thành tích rực rỡ của Trường chuyên Lê Quý Đôn. Cô giáo Phan Thị Quỳ cho biết: "Những giải thưởng mà học sinh giành được tại các kỳ thi học sinh giỏi là sự ghi nhận xứng đáng cho sự nỗ lực không ngừng của tập thể tổ Anh văn nhà trường, đặc biệt là cá nhân mỗi học sinh. Nhưng, vấn đề là phải xây dựng được niềm đam mê của giáo viên, học sinh đối với môn học này để mỗi giáo viên, học sinh đều xem việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh như một thứ bản năng. Đó mới chính là điều quan trọng nhất". Bài và ảnh: THÚY AN