“Người hảo tâm” xứ cát
(QT) - Nhiều người gọi ông Phan Văn Tụy ở thôn 5 (xã Triệu Lăng, Triệu Phong, Quảng Trị) là “người hảo tâm” xứ cát vì ông đã bỏ ra gần 200 triệu đồng tiền lãi sau vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng cho những hộ nghèo trong thôn vay không lấy lãi để đầu tư nuôi tôm. Từ số tiền ông Tụy cho vay, nhiều hộ dân bắt đầu thoát nghèo bằng việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát… “Ném tiền” xuống cát “Tôi có tiền tỷ trong tay khoảng hai năm trở lại đây cũng nhờ con tôm thẻ chân trắng nuôi trên cát. Chứ trước đây, gia đình tôi chỉ thuộc diện đủ ăn trong thôn. Đầu năm 2007, trường Đại học Nông Lâm Huế ra hỗ trợ mở lớp tập huấn trồng cỏ, nuôi bò nhốt cho bà con ở quê, UBND xã Triệu Lăng giao cho tôi nhiệm vụ xây dựng mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò thử nghiệm. Lúc đó, tôi đang đảm nhận chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Nhận nhiệm vụ, tôi lặn lội ra tận Đông Lê (Quảng Bình) học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt ở đó rồi về áp dụng. Nhưng rồi chỉ vài tháng sau thì mô hình thất bại vì đặc thù vùng cát thấp trũng, bạc màu nên cỏ không mọc nổi.
 |
Ông Phan Văn Tụy chuẩn bị đường ống để dẫn nước từ biển vào hồ nuôi tôm. |
Đang bế tắc trong việc tìm ra mô hình phù hợp cho vùng cát thì có người bà con ở trong Nam nhắn vào chơi mấy hôm, tôi lập tức bắt xe lên đường. Xe đi qua địa phận tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, ngồi trên xe nhìn xuống thấy nhiều nơi người ta nuôi tôm dọc theo triền cát ven biển. Vốn tò mò, nên khi xe dừng lại cho khách ăn cơm, tôi tranh thủ thời gian đến mấy hồ nuôi tôm dò hỏi mới biết người ta nuôi tôm thẻ chân trắng và lợi nhuận thu được rất cao. Vậy là thay vì vào nhà người thân chơi, tôi quyết định ở lại luôn tỉnh Bình Thuận để đi từ vùng nuôi tôm này đến vùng nuôi tôm khác chỉ để học hỏi kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng. Sau đó, tôi ngược ra tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên rồi Quảng Ngãi để tiếp tục tham quan, học hỏi kinh nghiệm hàng chục mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trước khi trở về quê. Vừa đặt chân đến đầu làng, chưa kịp về nhà xem tình hình vợ con sống thế nào sau cả tháng trời lang thang các tỉnh Nam Trung Bộ, tôi đã đến tìm mấy anh em có vốn liếng trong thôn bàn chuyện góp vốn nuôi tôm thẻ chân trắng. Nghe tôi trình bày cặn kẽ quy trình nuôi, thị trường tiêu thụ con tôm thẻ chân trắng, tất cả đều đồng ý cùng tôi nuôi tôm ”-ông Phan Văn Tụy kể. Đầu năm 2008, với số vốn 310 triệu đồng đóng góp của 4 hộ cùng chung “chí hướng” với ông để nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng, ông Tụy đã thuê xe ủi 3,5 ha mặt nước ao hồ cũng như mua các thiết bị phục vụ cho việc nuôi tôm. Vụ tôm đầu tiên, ông thả nuôi 60 vạn tôm giống đến cuối vụ cho thu hoạch 6,1 tấn tôm thịt và thu lãi ròng 180 triệu đồng. Hai vụ tiếp theo trong năm 2008, bình quân mỗi hộ chung vốn làm ăn cùng ông được chia lãi ròng 200-300 triệu đồng/vụ (cứ 3 tháng thu một vụ). Năm 2009, ngoài diện tích 3,5 ha chung vốn với 4 hộ trong thôn, ông đầu tư san ủi thêm 1, 5 ha mặt nước ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Chỉ trong vụ tôm đầu năm 2009, ông đã thu lãi 450 triệu đồng từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng. “Lúc mới san ủi rồi thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, nhiều người trong thôn cứ bảo tôi là đem tiền “ném” xuống cát. Họ nói cũng có cái lý của họ. Bởi lâu nay, nhiều người nuôi tôm sú trên cát bị lỗ đến nỗi phải bán nhà trả ngân hàng chưa xong trong khi đó mình lại mang tiền đi nuôi tôm. Sau hai vụ tôm tôi nuôi thắng lợi, nhiều người trong thôn cũng như các thôn khác trên địa bàn xã Triệu Lăng bắt đầu “rục rịch” vay vốn ngân hàng và đến học hỏi tôi kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng. Ai muốn học, tôi đều “truyền kinh nghiệm” một cách tỉ mỉ để họ tránh được thất bại trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay, cả xã Triệu Lăng có 6 thôn với 1.200 hộ dân thì có đến 50% số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Bình quân mỗi vụ thu 100-150 triệu đồng/hộ/vụ”-ông Tụy nhớ lại. Không quên thuở khó nghèo Khi tôi hỏi ông chuyện ông cho nhiều hộ dân nghèo trong thôn vay vốn không lấy lãi để đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, ông cho biết: “Trước đây, tôi cũng khó khăn như họ nên tôi hiểu họ. Cuộc sống người dân vùng cát quê tôi vẫn còn khó nghèo lắm. Cứ túng thiếu quanh năm nên nhiều khi họ muốn làm việc gì đó để cải thiện cuộc sống gia đình mình cũng không thể làm được bởi lý do không có tiền. Nói đâu xa, ngay ở trong thôn 5 này hiện tại nếu muốn đầu tư khoảng vài sào tôm thẻ chân trắng thì ít nhất cũng phải có trong tay số vốn 50 - 70 triệu đồng để san ủi hồ, mua máy sục khí, tôm giống, thức ăn cho tôm…Với số vốn lớn như vậy thì những hộ nghèo lấy đâu ra tiền ngoài việc mang sổ đỏ đi thể chấp để vay vốn ngân hàng. Còn chuyện tôi cho mấy hộ nghèo trong thôn vay vốn cũng chỉ phụ giúp thêm cho bà con chút vốn liếng ban đầu chứ có nhiều nhặn gì. Số là, đầu năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Triệu Lăng phát triển rầm rộ, nhiều hộ gia đình nghèo trong thôn muốn đầu tư nuôi tôm để cải thiện cuộc sống nên đến hỏi vay tiền tôi. Thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của bà con, tôi cho vay mỗi hộ khoảng 7-10 triệu đồng mà không lấy lãi. Ngoài ra, tôi còn bày cho họ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ năm 2008 đến nay, có 17 hộ nghèo trong thôn đến vay của tôi gần 200 triệu đồng. Nhiều hộ nghèo được vay vốn đã đầu tư nuôi tôm và bắt đầu có thu nhập như gia đình anh Phan Hồng, Phan Dạn…” “Bây giờ nếu ai hỏi tôi là có tiếp tục cho các hộ nghèo vay vốn để nuôi tôm thẻ chân trắng, tôi sẽ trả lời là sẽ tiếp tục giúp họ trong điều kiện có thể. Bởi từ lâu, tôi luôn tâm niệm trong lòng rằng giúp thêm một người vượt lên khó khăn, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình là điều tốt nên làm”. Đó là tâm sự của ông Phan Văn Tụy khi chia tay tôi để trực tiếp xuống hồ tự tay cho tôm ăn. Bài, ảnh: Hoàng Tiến-Minh Đức