Thoát nghèo nhờ biết cách cải tạo vùng đất cát
(QT) - Từ một hộ nghèo ở thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), sau nhiều năm đầu tư phát triển kinh tế vùng cát và chăn nuôi bò nhốt chuồng, gia đình ông Nguyễn Truyền đã được Hội Nông dân xã Hải Quế và huyện Hải Lăng bình chọn là hộ nông dân sản xuất giỏi cấp xã năm 2014.
.jpg) |
Cây trồng ông Truyền trồng trên cát cho thu nhập cao |
Ông Truyền cho biết: Nhiều năm qua, cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn do kinh tế chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng và chăn nuôi gà, vịt nhỏ lẻ. Sau khi được sự quan tâm hỗ trợ của Hội Nông dân xã và huyện về vốn và kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên năm 2009, gia đình ông đầu tư xây dựng mô hình kinh tế vùng cát với diện tích 1,5 mẫu để trồng ớt, dưa hấu, dưa gang, sắn cao sản và chăn nuôi 9 con bò lai. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng thì như chảo lửa, mưa dầm dề hàng tuần liền nên mặc dù nắm khá chắc về khoa học kỹ thuật nhưng một vài năm đầu cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng càng khó khăn, ông càng không nản chí và càng thôi thúc ông quyết tâm chinh phục bằng được vùng đất cát. Có đêm ông thức trắng để suy nghĩ rồi mong trời sáng ra vườn cây của mình để kiểm tra xem có điều gì bất thường do sâu bệnh, thời tiết để kịp thời xử lý. Những ngày nắng hạn, ông tìm mọi cách bổ sung nguồn nước tưới không để cây bị thiếu nước, mưa thì ông đắp đập be bờ để khỏi rửa trôi đất mùn mà ông đã dày công bồi đắp từ phân bón của bò và lá cây. Ngày lại ngày đi qua, với kinh nghiệm tích cóp được cộng với vốn kiến thức về khoa học kỹ thuật, ông đã làm chủ được vùng đất cát để trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay, mô hình kinh tế vùng cát của ông Truyền đã đem lại hiệu quả thiết thực, mỗi năm cho thu nhập từ 80- 100 triệu đồng. Từ đó, ông có điều kiện trả nợ, xây nhà khang trang, tái đầu tư sản xuất và nuôi các con ăn học, trong đó có 3 người con đã học xong đại học có việc làm. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Lăng cho biết, hiện huyện Hải Lăng có rất nhiều gương điển hình về phát triển kinh tế, gia đình ông Truyền là một trong những điển hình tiêu biểu, vì ông Truyền xuất phát điểm từ một hộ nghèo, chủ yếu là vay mượn vốn để làm ăn. Đặc biệt, trong chăn nuôi bò nhốt, ông Truyền đã tự mình làm công tác thú y nhưng đàn bò của ông chưa hề xảy ra dịch bệnh hay ốm đau gì. Riêng vùng cát thì ông biết xen canh và luân canh các loại cây trồng phù hợp theo chu kỳ khí hậu, thời tiết. Đây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả trên nhiều mặt và Hội Nông dân huyện sẽ nhân rộng để mọi người cùng phát triển. Bài, ảnh: NGUYỄN VINH