Tăng cường kiểm soát quy mô và chất lượng dân số tại vùng biển, đảo
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DSKHHGĐ tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn Phóng viên(P.V): Được biết, ngày 9/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-TTg về việc phê duyệtđĐề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020. Đề nghị đồng chí cho biết mục tiêu của đề án?
 |
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh (Đ/c N.T.T): Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 vừa được Chính phủ phê duyệt có mục tiêu phấn đấu quy mô dân số các vùng biển, đảo và ven biển không vượt quá 32 triệu người vào năm 2010, 34 triệu người vào năm 2015 và 37 triệu người vào năm 2020. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70% vào năm 2010 và 72% từ năm 2015 đến năm 2020. Tỷ lệ người làm việc và sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, chăm sóc SKSS, KHHGĐ đạt 60% vào năm 2010, 80% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020. Tỷ lệ trẻ em tại các vùng biển, đảo và ven biển bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hoá và do di truyền giảm bình quân hàng năm khoảng 5% trong giai đoạn 2011 - 2020. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, số liệu về dân số và KHHGĐ tại các vùng biển, đảo và ven biển, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành chương trình DS-KHHGD, yêu cầu xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020 của địa phương và trung ương. Đề án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I (từ năm 2009 đến năm 2015) phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong toàn vùng, nâng cao chất lượng dân số, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, SKSS và KHHGĐ. Nâng cao chất lượng thông tin quản lý về DS-KHHGĐ, thí điểm và nhân rộng một số loại hình, mô hình, tổ chức các hoạt động hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, SKSS và KHHGĐ. Giai đoạn II (từ năm 2016 đến năm 2020) tập trung vào việc nâng cao chất lượng dân số, vận hành hệ thống thông tin quản lý về DS-KHHGĐ. Mở rộng, triển khai đồng bộ các hoạt động trên địa bàn của đề án.
 |
Điều kiện sống vất vả là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng dân số vùng biển còn thấp. Ảnh: Thành Dũng |
Phạm vi thực hiện đề án là tại 148 quận, huyện, thị xã, thành phố của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương. Đối tượng của đề án tập trung vào những người làm việc và sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển trong đó ưu tiên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, người dân sống, làm việc tại cửa sông và ven biển. P.V: Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề dân số trên địa bàn, đồng chí đánh giá như thế nào về chất lượng dân số vùng biển đảo trên địa bàn tỉnh? Đ/c N.T.T: Trong những năm qua, công tác dân số, chăm sóc SKSS và KHHGĐ trên địa bàn tỉnh được triển khai một cách đồng bộ và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, do xuất phát từ tính đặc thù của từng vùng, miền nên mức giảm sinh vẫn chưa đồng đều và vững chắc. Hiện mức sinh tại các địa bàn vùng biển vẫn còn cao so với mức sinh bình quân của toàn tỉnh (ước mức sinh bình quân toàn tỉnh năm 2009 khoản 14,9 %0, trong khi đó các xã vùng biển còn ở mức trên 19%0); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên 27% ( hiện toàn tỉnh đạt dưới 22%). Do đó, chất lượng dân số ở các xã biển chưa cao, số trẻ sinh ra bị dị tật, dị dạng, thiểu năng trí tuệ còn ở mức bất hợp lý. Nhu cầu sinh con, đặc biệt là con trai vẫn còn khá phổ biến trong nhiều cặp vợ chồng. Người dân, nhất là những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa có nhiều cơ hội, điều kiện để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do công tác DS- KHHGĐ trong thời gian qua chưa có điều kiện để tính đến và giải quyết yếu tố đặc thù về địa lý, kinh tế, văn hóa và xã hội của người dân vùng biển. Trong khi đó, người dân vùng biển còn mang nặng tâm lý, tập quán lạc hậu. Lao động đặc thù của nghề biển luôn phải tiếp xúc với môi trường có độ ẩm cao, thiếu nước ngọt và ô nhiễm, cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu biển. Đa số các phụ nữ chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi sinh, sống trong môi trường biển, ngập mặn chưa được tư vấn và khám để ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng bào thai; trẻ sơ sinh chưa được phát hiện và can thiệp điều trị sớm các bệnh lý chuyển hoá, di truyền. P.V: Căn cứ vào nội dung đề án và tình hình thực tế của địa phương, thời gian tới, Chi cục sẽ thực hiện những nhiệm vụ nào? Đ/c N.T.T: Đề án DS-KHHGĐ tăng cường các hoạt động nhằm kiểm soát quy mô dân số, chất lượng dân số tại các địa bàn vùng biển, đảo, ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu DS-KHHGĐ của địa phương. Với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động của đề án, sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu Sở Y tế phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan xây dựng đề án kiểm soát dân số vùng biển giai đoạn 2009 - 2020 trình UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu quan trọng của đề án là ưu tiên tập trung giải quyết quy mô dân số, phấn đấu đạt mức sinh thay thế tại các địa bàn vùng biển vào năm 2015. Vì vậy, những năm tới ngoài việc triển khai đồng bộ các hoạt động của đề án thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đẩy mạnh các hoạt động truyền thông. Trước mắt, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để các cấp, ngành, địa phương hiểu đúng mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo ven biển. Qua đó tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các ngành đoàn thể đối với các hoạt động của đề án. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động về dân số, sức khỏe bà mẹ trẻ em và KHHGĐ, trong đó ưu tiên cho hoạt động truyền thông, vận động trực tiếp tại hộ gia đình thông qua đội ngũ cộng tác viên và tuyên truyền viên về DS-KHHGĐ. Thành lập đội lưu động y tế-kế hoạch hoá gia đình cấp huyện để triển khai các hoạt động tư vấn lồng ghép với cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ tại các xã của đề án như triển khai khám và điều trị bệnh phụ khoa thông thường, khám thai, thực hiện các kỹ thuật tránh thai. Ngoài ra, Chi cục sẽ tiến hành xây dựng thí điểm các mô hình nâng cao chất lượng dân số như thành lập các mô hình câu lạc bộ, giáo dục đồng đẳng, tư vấn trực tiếp và tư vấn tại cộng đồng để cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng thực hành các biện pháp phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục và ung thư hệ thống sinh sản. Đồng thời, tổ chức triển khai các dịch vụ như soi tươi, phiến đồ âm đạo, viêm gan, HIV...nhằm phát hiện và sớm có các biện pháp can thiệp kịp thời, góp phần cải thiện SKSS cho nhóm phụ nữ 15-24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định tại các xã ven biển. Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn theo hình thức kèm cặp cho cán bộ trạm y tế xã để từng bước chuyển giao kỹ thuật nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cho đối tượng. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về dân số vùng biển. Trước mắt, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tiến hành nghiên cứu nhu cầu sử dụng, bổ sung thông tin cần thu thập, phát triển và hoàn thiện phần mềm quản trị tương ứng với thông tin bổ sung và nhu cầu sử dụng thông tin dữ liệu; tổ chức quản lý, khai thác và cung cấp thông tin số liệu trong hệ thống thông tin quản lý DS-KHHGĐ và theo nhu cầu kiểm soát dân số vùng biển. P.V: Xin cám ơn đồng chí! Phan Hoài Hương (Thực hiện)