(QT) - Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, địa danh một thời máu lửa, với khát vọng thống nhất và hòa bình của người dân đất Việt trong nỗi đau giới tuyến chia cắt bởi chiến tranh. Đôi bờ sông ấy, hôm nay đang chuyển mình từng ngày hướng về tương lai, trong nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội phía Bắc của tỉnh.
Ký ức hào hùng
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới chia cắt đất nước. Bến Hải, con sông hiền hòa, thơ mộng trở thành nơi tỳ vai của chiếc đòn gánh nặng hai đầu đất nước, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt dằng dặc hơn 20 năm. Chỉ cách nhau một con sông rộng chừng 100 m nhưng biết bao gia đình phải sống trong cảnh “chồng Bắc, vợ Nam” và có rất nhiều nỗi đau khó có thể diễn tả hết bằng lời. “Sông Bến Hải bên bồi, bên lở/ Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương/Cách nhau mười tám năm trường/ Khi mô mới được nối đường vô ra?” (Nước non ngàn dặm - Tố Hữu). Cũng trên dòng sông huyền thoại ấy đã xảy ra những cuộc chiến đặc biệt có một không hai như cuộc “đấu cờ”, “cuộc chiến về loa phóng thanh”, “chiến đấu về màu sơn của chiếc cầu”…
![]() |
Ngày hội thống nhất non sông được tổ chức hàng năm ở Quảng Trị |
Trong suốt hơn 20 năm, cầu Hiền Lương và đôi bờ Bến Hải là “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước và khát vọng thống nhất non sông của dân tộc. Quân và dân hai bờ giới tuyến đã anh dũng, kiên cường vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm giữ đất, giữ làng, giữ dòng sông, bến nước và chiến đấu đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc chia cắt lâu dài đất nước ta của kẻ thù, viết lên bản hùng ca bất tử, cùng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải xứng đáng với tên gọi “một tượng đài kỳ vĩ trong những năm tháng chiến tranh”, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam…
Chiến tranh đi qua đã để lại đôi bờ sông Bến Hải một cụm di tích tập trung gồm các hạng mục: Cầu Hiền Lương, Kỳ đài, Cổng chào năm 1961, Nhà liên hợp, Đồn Công an nhân dân vũ trang Hiền Lương, Nhà trưng bày hiện vật, Giàn loa phóng thanh ở bờ bắc, Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”, tháp canh, lô cốt, bia tưởng niệm, đế cờ ở bờ Nam... Các di tích lịch sử đã tái hiện lại một cách chân thực, sinh động một thời đánh giặc, giữ nước hào hùng của cha ông. Quân và dân bờ bắc Hiền Lương đã bảo vệ lá cờ như bảo vệ chính trái tim Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh thẳm thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc, là niềm tin, ý chí và sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam, là mốc son rực rỡ trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước.
Cũng bởi vậy, năm nào vào dịp kỷ niệm Ngày toàn thắng 30-4, quân và dân Quảng Trị cùng nhân dân, du khách, các cựu chiến binh lại hội tụ về vùng đất thiêng đôi bờ - Hiền Lương để cùng nhau thực hiện nghi thức Thượng cờ thống nhất non sông tại tại Kỳ đài lịch sử, Khu Di tích đặc biệt quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và thả chim bồ câu thể hiện khát vọng hòa bình.
Đôi bờ xanh màu trù phú
Bây giờ đứng trên cầu Hiền Lương lịch sử, nhìn về phía nào cũng thấy bạt ngàn màu xanh của sự sống, sự đổi thay của những làng quê một thời là vùng “đất chết”. Biển Cửa Tùng, Cửa Việt xanh ngắt, tàu thuyền tấp nập ra khơi mang về đầy tôm, cá. Địa đạo Vịnh Mốc và các di tích lịch sử chiến tranh tấp nập du khách đến từ năm châu bốn bể. Vùng đồng bằng Vĩnh Linh, Gio Linh dọc hai bờ sông Bến Hải trù phú, sầm uất, với những cánh đồng lúa chín vàng liền bờ, liền thửa, hồ tiêu trĩu hạt, cao su xanh tốt khiến cho những cựu chiến binh năm xưa không còn nhận ra nơi đây từng là vùng “đất chết” trong chiến tranh. Giờ đây, đi dọc đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải mới thấy hết được sự khởi sắc của bộ mặt nông thôn so những năm trước đây, từ vùng đồng bằng, vùng biển đến miền núi, nhà đổ mái bằng, nhà xây lợp ngói mọc lên ngày càng nhiều.
![]() |
Lễ Thượng cờ nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 45 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị tại Kỳ đài lịch sử, Khu Di tích đặc biệt quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải |
Hầu hết các địa phương đã có đường giao thông về tận trung tâm xã. Diện phủ sóng truyền hình, thông tin liên lạc đã rộng khắp. Phần lớn người dân nông thôn vùng đồng bằng đã được tiếp cận với những tiện ích do đầu tư công mang lại, các hộ gia đình có nước sạch để dùng, có phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc, đi lại, nông cụ sản xuất khá hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh như kênh mương tưới tiêu, hồ chứa nước được xây dựng khá hoàn chỉnh. Nhờ kết nối vùng tiện lợi thông qua hệ thống giao thông và thông tin liên lạc, khoảng cách địa lý giữa vùng nông thôn và thành thị trở nên gần gũi hơn; trình độ dân trí, kỹ năng canh tác trong sản xuất nông nghiệp, cơ hội mở mang ngành nghề dịch vụ của người dân đã được nâng lên.
Một nhu cầu bức thiết và quan trọng mà nhìn vào đó cho thấy tương đối rõ mức sống của người dân nông thôn huyện Vĩnh Linh, huyện Gio Linh, đó là hệ thống nhà cửa và các công trình phụ trợ. Theo khảo sát bước đầu, tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố ở nông thôn đạt hơn 70%, nhà được xây dựng khá vững chắc hơn 30%... Các cụm công nghiệp - làng nghề đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Có được cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc như hôm nay, người dân Vĩnh Linh, Gio Linh hẳn không quên niềm tự hào về quá khứ, lòng tin ở tương lai để luôn luôn vững bước đi lên hòa nhập với đất nước. Bước ra khỏi chiến tranh, từ hoang tàn đổ nát, mất mát, hy sinh lớn lao, người dân huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh ở đôi bờ Bến Hải đã bắt tay xây dựng lại từ đầu và từng bước hồi sinh.
Nền kinh tế phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,4%/năm; GDP bình quân đầu người đạt hơn 36 triệu đồng/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 16,6%/năm. Sản lượng lương thực đạt hơn 26 vạn tấn, với giá trị bình quân trên 60 triệu đồng/ha canh tác. Toàn tỉnh có 31 xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, chiếm 26,5% tổng số xã. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng đã mang lại hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống của người dân...
Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, lao động dựng xây và cũng từ sự quan tâm của cả nước, của tỉnh Quảng Trị, mới thấy hết những tiềm năng, thế mạnh đi lên của huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, nơi có vùng đất đỏ bazan màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, có vùng biển, có rừng, có lượng khoáng sản và khả năng khai thác công nghiệp, có nhiều di tích lịch sử và nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Có rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá rút ra từ thực tiễn trong quá trình xây dựng, trưởng thành nhưng điều mà huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh xem là cốt lõi nhất, đó là truyền thống đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân. Đó chính là nội lực giúp Vĩnh Linh và Gio Linh vượt qua những khó khăn, thử thách trong mỗi giai đoạn lịch sử để có được thành tựu đáng tự hào như hôm nay.
Với những cố gắng lớn, sự nỗ lực đồng bộ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, những làng quê đôi bờ sông Bến Hải đang ngày càng phát triển, trở thành những địa phương vững mạnh về kinh tế, ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đẹp về văn hóa. Niềm vui đang dâng đầy trên quê hương Quảng Trị anh hùng qua từng tháng, từng ngày...
Nguyễn Văn Hai