Tai nạn giao thông đường sắt: Cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
(QT) - Chủ quan và không tuân thủ các quy định của Luật Đường sắt của người tham gia giao thông là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt tại Quảng Trị trong thời gian qua. Hậu quả của các vụ tai nạn đường sắt đã làm thiệt hại nghiêm trọng cả về tài sản và tính mạng con người.
 |
Chiếc xe tải ngang nhiên băng qua đường sắt mặc dù tàu hỏa đang đến gần |
Rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa quên được những hình ảnh kinh hoàng tại hiện trường vụ tai nạn đường sắt giữa tàu thống nhất có số hiệu D19E – 968 với xe ô tô tải mang biển kiểm soát 75C – 031.99 kéo theo rơ móc biển kiểm soát 75R – 001.85 xảy ra vào tối 10/3/2015 tại địa bàn huyện Hải Lăng,. Hậu quả của vụ tai nạn làm người lái tàu là anh Lê Minh Phú (sinh năm 1962) trú tại tỉnh Thừa Thiên -Huế chết tại chỗ, 3 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 23 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do tài xế lái xe tải khi điều khiển phương tiện băng ngang qua đường sắt thiếu quan sát và không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Quay trở lại hiện trường của vụ tai nạn giao thông đường sắt nói trên sau đó 10 ngày, chúng tôi đã tình cờ ghi lại được hình ảnh vượt đường sắt rất nguy hiểm của 1 chiếc xe tải. Có lẽ, bài học của vụ tai nạn trước đó 10 ngày không có giá trị tác động đến ý thức của người tài xế điều khiển chiếc xe ô tô tải. Mặc dù tàu hỏa đang đến gần, đèn tín hiệu liên tục báo nhưng người tài xế vẫn điều khiển chiếc xe băng ngang qua đường sắt. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, từ năm 2010 đến tháng 9/2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 35 người, bị thương 11 người và gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước cũng như người dân. Trung tá Dương Thanh Lâm, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Qua điều tra các vụ tai nạn giao thông nhận thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là do người tham gia giao thông khi đi qua đường sắt thường tranh đường với tàu hỏa, không chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường sắt... Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi có mặt tại một số đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt. Theo quan sát, có khá nhiều trường hợp đùa giỡn với mạng sống của mình để tranh đường với tàu hỏa mặc dù đèn cảnh báo đã phát tín hiệu liên tục. Cá biệt có trường hợp lao qua đường sắt khi tàu hỏa chỉ cách ở cự ly khoảng 50 mét. Còn ở những điểm giao nhau với đường sắt có gác chắn, người dân cũng vô tư luồn lách, vượt gác chắn để băng qua phía kia đường bất chấp việc nhân viên đường sắt đã đóng gác chắn, đèn cảnh báo liên tục phát tín hiệu. Liệu người tham gia giao thông có ý thức được rằng hành động không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông như vậy sẽ khiến họ phải đối mặt với những hiểm nguy?! Có mặt cùng đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tại gác chắn tàu đường Hùng Vương, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến hàng chục trường hợp cố ý vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường sắt. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản xử phạt. Chính vì sự thiếu ý thức như thế đã dẫn đến những cái chết hết sức thương tâm. Như vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra vào 9 giờ 15 ngày 28/3/2015 thuộc địa bàn xã Hải Trường, huyện Hải Lăng. Mặc dù đoàn tàu SE1 đang đến gần, còi tàu liên tục cảnh báo và thậm chí người dân xung quanh đã ngăn chặn nhưng 2 người phụ nữ đi trên xe gắn máy vẫn cố tình băng ngang qua đường sắt nên đã xảy ra tai nạn. Hậu quả cả 2 chết tại chỗ. Thiết nghĩ, để những nỗi đau từ các vụ tai nạn giao thông đường sắt được hạn chế đến mức thấp nhất, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, rất cần tinh thần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường sắt của người tham gia giao thông. Bài, ảnh: THÀNH NAM