Ngôi trường cấp 2 đầu tiên ở vùng giải phóng
QTO - Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi trước đây nằm ở thôn Prin B, xã A Vao cũ, thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, ngay biên giới Việt-Lào, là dấu son in đậm trong lịch sử của tỉnh nói chung và ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị nói riêng. Ngôi trường ra đời thể hiện tầm nhìn xa của Đảng, Bác Hồ và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đối với học sinh con em miền Nam. Trái ngọt ngôi trường để cho quê hương, đất nước là một thế hệ học sinh vượt qua gian lao, khó khăn để học hành xuất sắc, trở thành không ít nhà khoa học, nhà lãnh đạo, góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. 58 năm trôi qua, hầu như chưa có một tài liệu nào lưu trữ, phản ánh về ngôi trường đặc biệt này. Câu chuyện được chính những cựu học sinh, giáo viên của trường kể lại trong niềm tự hào.

Ngôi trường cấp 2 đầu tiên ở vùng giải phóng

Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi trước đây nằm ở thôn Prin B, xã A Vao cũ, thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, ngay biên giới Việt-Lào, là dấu son in đậm trong lịch sử của tỉnh nói chung và ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị nói riêng. Ngôi trường ra đời thể hiện tầm nhìn xa của Đảng, Bác Hồ và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đối với học sinh con em miền Nam. Trái ngọt ngôi trường để cho quê hương, đất nước là một thế hệ học sinh vượt qua gian lao, khó khăn để học hành xuất sắc, trở thành không ít nhà khoa học, nhà lãnh đạo, góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. 58 năm trôi qua, hầu như chưa có một tài liệu nào lưu trữ, phản ánh về ngôi trường đặc biệt này. Câu chuyện được chính những cựu học sinh, giáo viên của trường kể lại trong niềm tự hào.

Ngôi trường bí mật ở miền Tây

Một ngày cuối năm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Thạnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Huế, Phó Giám đốc Đại học Huế gửi tặng tôi tấm hình cựu học sinh, giáo viên Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi Quảng Trị (1965-1967) chụp nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1965-2000) cùng những lời chia sẻ đầy tự hào về dự định cháy bỏng của thế hệ “đội mũ rơm đi học đường dài”.

Ngôi trường cấp 2 đầu tiên ở vùng giải phóng

Ông Lê Mạnh Thạnh (đứng đầu) khi đang là sinh viên năm 4, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội -Ảnh: NVCC

Ông Thạnh kể, vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam phát triển mạnh, vùng giải phóng liên tục được mở rộng. Trong tình hình đó, Tỉnh ủy Quảng Trị có chủ trương đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển KT-XH ở các vùng giải phóng.

Một số địa phương bắt đầu tổ chức các lớp học bậc tiểu học và tỉnh có kế họach xây dựng một trường cấp 2 cho con em ở vùng giải phóng và vùng tranh chấp. Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi được hình thành từ chủ trương này.

Mùa đông năm 1965, học sinh các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh được tổ chức theo từng đoàn lên trường, bắt đầu xây dựng lán trại để ăn ở và học tập.

Bố ông Thạnh tập kết ra Bắc từ năm 1954, ông ở lại cùng mẹ ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Ngày 5/10/1965, ông cùng với một số bạn khác mang ba lô, tăng võng, được giao liên dẫn đường, trèo đèo lội suối suốt 12 ngày đêm thì đến trường.

Trường được đóng trong rừng sâu, bên cạnh suối nước, có 3 nhà, gồm một lán ở bên suối với sạp ngủ vừa đủ cho khoảng 70 chỗ nằm, cùng với phòng học 40 chỗ ngồi cho học sinh. Bên kia suối là nhà bếp cùng nhà kho và một nhà cho khoảng 10 giáo viên và cô y tá ở.

Trong ký ức của cựu học sinh Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi là ông Lâm Công Quang vẫn còn nhớ rất rõ lần tựu trường có một không hai trong cuộc đời năm ấy.

Cuối tháng 11/1965, đoàn học sinh Gio Linh được giao liên đưa đi học gồm có 11 người, ông là người nhỏ tuổi nhất. Cuộc hành trình ngày đêm cứ nối tiếp nhau suốt 3 tuần thì đến được địa điểm tập kết cuối cùng là Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi.

Khi ấy, đoàn chỉ còn 9 người vì 2 người bị bệnh và rắn cắn nên giao liên cho trở về với gia đình. Còn ông Trần Đức Toàn ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong nhớ lại, cuối năm 1965, ông được giao liên bí mật đưa đi học theo thuyền ngược sông Ba Lòng lên, sau đó đi bộ gần 2 tuần nữa thì đến trường.

Tình thầy trò ấm áp, yêu thương

Các ông Lê Mạnh Thạnh, Lâm Công Quang, Trần Đức Toàn nhớ lại, đầu tháng 12/1965, trường bắt đầu dạy học. Đội ngũ giáo viên gồm có thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Phương, các thầy: Lê Văn Sơn, Lê Văn Nghệ, Đỗ Văn Hóa, Hồ Mãn, Nhân, Hải và chị Hồ Thị Năm, y tá người dân tộc thiểu số.

Các thầy lúc ấy đều đang dạy học tại các trường cấp 2, cấp 3 ở miền Bắc, còn rất trẻ, rất sôi nổi và nhiệt tình xung phong vào miền Nam dạy học. Đây là lần đầu tiên học sinh vùng giải phóng Quảng Trị được tiếp xúc với giáo viên và chương trình dạy học từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Tổng số học sinh ban đầu của trường có 64 người được chia thành 2 lớp theo hai loại hình đào tạo khác nhau. Lớp phổ thông có 30 học sinh với chương trình cấp 2, lớp nghiệp vụ sư phạm có 34 học viên với mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên cho vùng giải phóng ngày càng được mở rộng.

Cả 3 người, ông Thạnh, ông Quang và ông Toàn đều theo học lớp phổ thông. Những ngày ấy, cuộc sống học sinh thiếu thốn đủ thứ như gạo, muối, thực phẩm và thuốc để điều trị mỗi khi đau ốm.

Thế nhưng, cả thế hệ học sinh và thầy giáo ngày ấy đều luôn lạc quan, say mê dạy và học. Nhiều lúc đang học, máy bay Mỹ ập đến rải chất độc, thầy trò lại phải sơ tán ngay ra hầm trú ẩn, tẩm khăn ướt vào mũi chống nhiễm độc.

Vươn lên hoàn cảnh khó khăn ấy, học sinh luôn nhận được sự đùm bọc, thương yêu, che chở, dạy bảo của các thầy; sự hỗ trợ của người dân tộc thiểu số địa phương, đặc biệt trong những ngày lễ, tết, người dân nơi đây cho học sinh rất nhiều quà, bánh cho đỡ nhớ nhà, nhớ quê.

Ngôi trường cấp 2 đầu tiên ở vùng giải phóng

Tiến sĩ Trần Đức Toàn kiểm tra kết quả dự án phân bón cho lúa tại tỉnh Bắc Ninh -Ảnh: NVCC

Thầy Nghệ từng kể lại, học ở giữa rừng, cuộc sống thiếu thốn mọi bề, lại bị sốt rét rừng hành hạ, em nào mặt mũi cũng xanh xao. Thương thầy, các em cố gắng quên đi những khó khăn, thiếu thốn để chắt lọc, tiếp thu những kiến thức được thầy truyền dạy.

Để có bài ca truyền thống cho Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi, thầy Nghệ đã viết ca khúc “Trường Nguyễn Văn Trỗi của các em”. Nhạc dựa trên những vần thơ thầy sáng tác: “Trường em ở tận miền Tây/Quê hương trung dũng tháng ngày xông pha/Theo anh tiếp bước ông cha/Giờ đây em đã tham gia chiến trường”.

Lời bài hát đó một thời vang vọng và ăn sâu vào máu thịt các em học sinh như muốn nhắc nhở lời anh hùng Nguyễn Văn Trỗi dặn sống và chiến đấu, học tập sao cho xứng đáng với quê hương trung dũng, kiên cường.

Theo trường sơ tán

Học được một năm, đến cuối năm 1966, Tỉnh ủy Quảng Trị có chủ trương mới. Lớp sư phạm cùng một số học sinh lớn tuổi lớp phổ thông trở về địa phương công tác, số còn lại cùng các thầy mang ba lô theo đường giao liên đi hết gần một tháng để đến được thôn Cẩm Sơn (nay thuộc xóm Tre, xã Linh Trường, huyện Gio Linh) cạnh sông Bến Hải dựng trường.

Trong khi trường chưa dựng xong thì máy bay Mỹ đến dội bom và bắn phá dữ dội, làng Cẩm Sơn bị oanh tạc nặng nề, nhiều nhà dân bị cháy, người chết, khung cảnh tang thương. Khi ấy, việc học của học sinh càng khó khăn hơn, buộc phải tiếp tục chuyển đến địa điểm khác.

Lần thứ 3, vào đầu mùa đông 1966, trường được chuyển về thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh. Tại đây, trường có thêm 5 học sinh mới nhập học. Ngoài giờ học, học sinh còn phải cùng nhau đào địa đạo gần nhà, nơi có lớp học.

Nhớ hôm đó, khi chưa đào xong địa đạo thì máy bay địch đến đánh phá ác liệt, 2 học sinh của trường bị trúng bom, mãi đến tối khi lặng tiếng bom các học sinh còn lại mới đưa các bạn lên khỏi lớp đất đá để chôn cất.

Chưa hết nỗi đau, một buổi trưa, trận pháo chơm bất ngờ đã cướp đi sinh mạng học sinh Lê Văn Lợi, lại một lần nữa thầy trò của trường vô cùng đau xót.

Được lệnh của cấp trên, sau trận bom đạn đó, thầy Sơn và các thầy nén đau thương đưa ngay đoàn học sinh sơ tán trong đêm vượt sông Bến Hải ra Vĩnh Linh, sau đó thầy Sơn mới trở ngược về làng Kinh Môn để lo hậu sự cho em trai mình.

Vậy là trước khi ra miền Bắc, Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi đã vĩnh viễn mất đi 4 học sinh thân yêu.

Khi ra miền Bắc, học sinh được phân từng nhóm 3 đến 4 bạn về học tại các trường cấp 2 của các xã ở huyện Vĩnh Linh. Tháng 3/1967, đoàn học sinh của Trường Nguyễn Văn Trỗi có dưới 20 người được đưa ra Bắc theo nhiều chuyến và địa điểm học tập khác nhau.

Các anh học sinh tuổi lớn hơn cùng các thầy giáo trở lại miền Nam, về các vùng giải phóng để dạy học và tham gia chiến đấu. Khi ấy, ông Thạnh được đưa về học tại tỉnh Hà Nam, ông Quang về học tại tỉnh Ninh Bình. Học sinh Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi, cũng như học sinh của Vĩnh Linh ra các tỉnh miền Bắc rất ngoan và học giỏi.

Năm 1972, thế hệ học sinh Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi sơ tán ra miền Bắc tốt nghiệp cấp 3 và thi đại học. Ông Thạnh đạt thủ khoa kỳ thi đại học năm ấy với 26,5 điểm.

Sau đó, ông theo học ngành Toán máy tính (phôi thai của ngành Công nghệ thông tin ngày nay) ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1969, ông Thạnh đi làm tiến sĩ ở Hungary, theo ngành Tin học.

Trước khi nghỉ hưu, ông Thạnh là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường Đại học khoa học Huế, rồi Phó Giám đốc Đại học Huế. Ông Lâm Công Quang khi ấy được đi học đại học ngành Hàng hải tại Ba Lan, chuyên ngành Hoa tiêu.

Trước khi về hưu, ông là hoa tiêu nổi tiếng, thuyền trưởng tàu viễn dương của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam-Vosco.

Ông Trần Đức Toàn sau khi ra Bắc tiếp tục được Đảng và Chính phủ cho đi Trung Quốc học trường Học sinh miền Nam mang tên Nguyễn Văn Bé tại Quế Lâm. Năm 1972, ông học đại học nông nghiệp tại Liên Xô cũ. Trước khi về hưu, ông Toàn là Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Nông hóa thổ nhưỡng thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, giúp Quảng Trị thực hiện nhiều dự án nông nghiệp. Ông vinh dự được Nhà nước Việt Nam và Lào tặng 2 Huân chương Lao động hạng Nhì vì có nhiều đóng góp xây dựng hai đất nước anh em.

Điều băn khoăn còn lại

Do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời mỗi một học sinh. Trường đã gieo mầm cho những hạt giống cách mạng phát triển và trưởng thành.

58 năm đã trôi qua, cán bộ, giáo viên, học sinh của trường bây giờ chỉ còn lại dưới 20 người. Tuy tồn tại một thời gian ngắn nhưng Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi có đến 13 thầy giáo đã hy sinh, 2 thầy bị địch bắt, nhiều học sinh của trường tình nguyện ở lại chiến trường chiến đấu và cũng anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ông Thạnh cho biết: Trường cấp 2 Nguyễn Văn Trỗi có ý nghĩa đặc biệt, niềm tự hào cho một thế hệ học sinh.

Trường không chỉ quan trọng và có ý nghĩa với các cựu học sinh, mà còn có ý nghĩa như là một dấu mốc quan trọng đối với lịch sử của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị. Đây có thể gọi là trường cấp 2 đầu tiên của tỉnh được xây dựng ở vùng giải phóng và có thể là trường cấp 2 đầu tiên của vùng giải phóng ở miền Nam lúc bấy giờ.

Ông Thạnh mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị giúp đỡ xây dựng một số tư liệu về trường để đưa vào lịch sử của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh.

Các cựu học sinh của trường đang tập hợp lại những sự kiện quan trọng về trường, thầy giáo và bạn học thời bấy giờ. Hy vọng trong một thời gian ngắn nữa sẽ có khá đầy đủ những tư liệu cần thiết cho công việc này.

Tuệ Linh

Tin liên quan:
  • Ngôi trường cấp 2 đầu tiên ở vùng giải phóng
    Có một ngôi trường như thế ở vùng Cùa

    Vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, thời điểm cả dân tộc ta đang huy động mọi nguồn lực, tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại chiến khu Cùa (nay là 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ), đã hình thành một mái trường kháng chiến: Trường Phổ thông cấp 2 Lê Thế Hiếu.

  • Ngôi trường cấp 2 đầu tiên ở vùng giải phóng
    Ngôi trường bán trú vùng cao thi đua “Dạy tốt - Học tốt”

    Hòa trong không khí vui tươi của toàn ngành giáo dục chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982 - 2022), Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS (PTDTBT-THCS) Tà Long, huyện Đakrông đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa và giàu sức lan tỏa, thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Nhà trường đang từng bước phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những mô hình trường bán trú kiểu mẫu đạt chuẩn quốc gia đầu tiên ...

Tuệ Linh