Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động
* NGUYỄN THẾ LẬP, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị Quảng Trị hiện có trên 1.500 doanh nghiệp, thu hút hơn 26.000 công nhân, lao động làm việc, hoạt động tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại, dịch vụ... Cùng với sự phát triển khá nhanh về số lượng, đội ngũ công nhân, lao động Quảng Trị có những chuyển biến quan trọng, chất lượng ngày càng được nâng lên, đa dạng, phong phú về cơ cấu. Mặc dù quan hệ lao động tại Quảng Trị hiện nay diễn biến không phức tạp như một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước, tuy nhiên những vấn đề tiềm ẩn có khả năng dẫn đến tranh chấp lao động, phản ứng tập thể đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Nguyên nhân cốt lõi là do người sử dụng lao động không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật lao động. Cụ thể, không bảo đảm điều kiện làm việc cho người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, cơ khí... có trình độ công nghệ lạc hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân, lao động. Công tác huấn luyện ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khỏe định kỳ... chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng trả tiền công không tương xứng. Tình trạng ký kết hợp đồng lao động theo thời vụ, ngắn hạn đối với những công nhân, lao động làm những công việc có tính chất lâu dài nhằm trốn tránh việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... và trả trợ cấp thôi việc cho người lao động diễn ra khá phổ biến.
 |
Thu hoạch mủ cao su ở Nông trường Cồn Tiên, Gio Linh - Ảnh: TRÀ THIẾT |
Một số doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài nhiều năm với số tiền lớn làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách đối với người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa thành lập tổ chức công đoàn đều không thực hiện được việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Ở các đơn vị có tổ chức công đoàn tuy đã ký kết TƯLĐTT nhưng nội dung hầu hết đều sao chép nhằm đối phó với những quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đa số công nhân, lao động còn hạn chế về trình độ, kiến thức pháp luật… Từ thực trạng trên, nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp theo Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư, hoạt động của các cấp công đoàn cần đặt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC, LĐ lên hàng đầu và thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Thông qua thực tiễn, các cấp công đoàn chủ động nghiên cứu, rà soát phát hiện ra những điểm bất hợp lý, đồng thời tập hợp rộng rãi ý kiến của CNVC, LĐ tham gia sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống các văn bản liên quan đến chế độ chính sách và pháp luật lao động như việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động; xây dựng nội quy lao động, TƯLĐTT... Chú trọng việc tuyên truyền các quy định về chế độ, chính sách, pháp luật cho người lao động. Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở cần tổ chức gặp mặt, tiếp xúc với các chủ doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ, chính sách, pháp luật đối với công nhân, lao động, đồng thời vận động công nhân, lao động và chủ doanh nghiệp ủng hộ chủ trương thành lập công đoàn cơ sở. Công đoàn cấp trên cơ sở cần tập trung nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở theo hướng đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng về thương lượng, vận động, đối thoại, giải quyết tranh chấp lao động... Công đoàn cơ sở cần hướng dẫn, giúp công nhân lao động ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, thay mặt công nhân lao động thương lượng, ký kết TƯLĐTT và vận động công nhân, lao động, người sử dụng lao động thực hiện đúng các điều khoản đã được ký kết; chủ động phối hợp với giám đốc doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức tốt đại hội công nhân viên chức, hội nghị người lao động một cách thiết thực, hiệu quả. Tăng cường chế độ thông tin, gặp gỡ, đối thoại giữa người sử dụng lao động đối với cán bộ công đoàn, người lao động để nắm bắt và kịp thời giải đáp những đề xuất, kiến nghị và bức xúc của công nhân, lao động. Phối hợp với người sử dụng lao động tạo điều kiện để công nhân, lao động nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nhằm giúp cho công nhân, lao động có điều kiện tăng thu nhập, đảm bảo ổn định việc làm. Tham gia với người sử dụng lao động chăm lo, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh định kỳ cho công nhân, lao động. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan du lịch, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, lao động. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện các chính sách, pháp luật lao động, từ khâu ký kết hợp đồng lao động, xây dựng thang bảng lương, trả lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thực hiện chế độ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động... Kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra phát hiện sai phạm với đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp cố tình vi phạm quyền lợi công nhân, lao động.