Cần cẩn trọng khi nhận đơn hàng online
QTO - Dịch bệnh khiến phương thức mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên lợi dụng niềm tin của khách hàng, một số đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có một số khách hàng không đặt hàng online nhưng vẫn có đơn hàng giao đến tận nhà.

Cần cẩn trọng khi nhận đơn hàng online

Dịch bệnh khiến phương thức mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên lợi dụng niềm tin của khách hàng, một số đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có một số khách hàng không đặt hàng online nhưng vẫn có đơn hàng giao đến tận nhà.

Đơn hàng chị Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận được là 5 cây lan giống bị hư hỏng được phát đi từ một tổng kho gia dụng không rõ địa chỉ - Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, ở Khu phố 3, Phường 5, thành phố Đông Hà cho biết: “Tôi hay đặt mua các loại cây giống trên mạng về trồng nên khi shipper gọi giao đơn hàng 300 ngàn đồng về giống lan thiên nga cũng không mấy nghi ngờ. Tuy nhớ là không đặt giống cây trong những ngày gần đây nhưng vì nghe nhân viên giao hàng đọc đầy đủ thông tin họ tên, địa chỉ nhà và số điện thoại; đơn hàng giá trị cũng không cao lắm, nếu không nhận, hàng trả về thì giống cây sẽ hư hỏng tội nhà vườn nên tôi đồng ý nhận hàng”.

Shipper đến giao hàng đúng lúc chị Xuân bận nấu ăn trưa nên chỉ vội vàng ra nhận hàng, thanh toán tiền chứ không kiểm tra cụ thể đơn hàng. Đến khi cơm nước xong mở hộp hàng ra, chị Xuân mới phát hiện trong 5 cây lan giống thì có 3 cây đã mềm nhũn bốc mùi hôi thối, 2 cây còn lại cũng còi cọc, không có lá…

Bức xúc vì bị lừa, chị Xuân kiểm tra địa chỉ bán hàng để gọi điện phản hồi thì phát hiện đơn hàng được giao từ một tổng kho gia dụng ở Lâm Đồng, địa chỉ và số điện thoại đều ghi không rõ ràng. “Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng có nghe một số trường hợp lừa đảo bán hàng trực tuyến ở các tỉnh, thành phố lớn nhưng không ngờ mình bị lừa bởi chiêu thức này”, chị Xuân chia sẻ.

Cũng với hình thức tương tự, chị Nguyễn Thị Thu, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, đã bị lừa một đơn hàng trị giá 250 ngàn đồng. Chị Thu cho biết: “Tôi hay đặt mua áo quần, dày dép qua mạng nên nhiều khi trong một ngày có 2 - 3 đơn hàng về. Ngày trước mỗi lần shipper gọi giao hàng nếu có việc bận tôi sẽ hồi lịch nhận hàng để đích thân kiểm tra mới trả tiền. Sau này biết shipper giao hàng theo tuyến, tôi thấy việc hoãn nhận hàng của mình có thể khiến họ phải đi lại nhiều lần bất tiện nên mỗi lần có việc đi ra ngoài, không trực tiếp nhận được hàng là tôi nhờ người quen nhận giúp. Hôm đó, có shipper gọi điện giao hàng, trong đầu cứ nghĩ đơn hàng đó là chiếc áo gió mua tặng mẹ nên nhờ chị trong xóm trọ nhận và thanh toán dùm 250 ngàn đồng. Tuy nhiên, khi về nhà kiểm tra thì thấy đơn hàng là một bộ áo quần mà tôi không hề đặt, chất lượng lại rất kém. Tôi liên lạc số điện thoại của shop ghi trên bao bì thì thuê bao không liên lạc được”.

Theo chị Lê Thị Đông, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà-một người chuyên bán hàng online-với những đơn hàng “trên trời rơi xuống” do một số đối tượng tự tạo đơn hàng COD (giao hàng và thu hộ tiền) để lừa đảo. Điều này dễ xảy ra do nhiều người vẫn còn khá chủ quan trong việc bảo mật thông tin cá nhân như để lại số điện thoại, địa chỉ công khai khi vào đặt mua hàng trực tiếp trên các trang mạng xã hội; thói quen vứt bao bì gói hàng vẫn còn đầy đủ thông tin cá nhân bên ngoài vào túi rác nên bị kẻ gian nắm bắt, từ đó tự tạo đơn hàng và giả danh shipper để giao hàng, thu tiền. Hoặc tinh vi hơn thì đối tượng lợi dụng lỗ hổng từ những ứng dụng bán hàng qua mạng để chiếm đoạt thông tin đặt hàng của người mua, tạo đơn hàng COD, chuyển đơn vị vận chuyển hàng hóa làm trung gian giao hàng, thu hộ tiền.

Trước thực trạng lợi dụng mua sắm trực tuyến lừa đảo chiếm đoạt tài sản khách hàng xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương đã ban hành văn bản khuyến cáo: Hiện nay có một số đối tượng thường gửi bưu kiện đến địa chỉ nhà riêng người tiêu dùng với đầy đủ thông tin cá nhân bên ngoài sản phẩm. Thông thường, các đơn hàng này có giá trị nhỏ nên khiến người mua (thường là người thân nhận hộ) chủ quan trả tiền cho bên vận chuyển mà không kiểm tra sản phẩm.

Để bảo vệ quyền lợi bản thân, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website có đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu như tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng... Nếu mua hàng qua các trang mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước trên trang bán hàng thông qua các tương tác, trao đổi của người bán với khách hàng dưới mỗi sản phẩm đăng bán; ngoài ra cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về người bán xem có địa chỉ rõ ràng không và nguồn gốc hàng hóa.

Đặc biệt, khi nhận hàng, cần kiểm tra kỹ thông tin người gửi và hàng hóa bên trong. Nếu không phải chính chủ nhận hàng thì nên xác minh lại việc mua hàng của người thân, đồng thời kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán để đảm bảo sản phẩm đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng. Cục cũng yêu cầu các website thương mại điện tử và các đơn vị hỗ trợ vận chuyển rà soát lại quy trình giao hàng và xác nhận đơn hàng tránh bị đối tượng xấu lợi dụng.

Mai Lâm