(QT) - Nhìn nhà hàng xóm mở tiệc chiêu đãi họ hàng, bà con ngay khi biết tin con đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và chiếu theo thang điểm đó có thể đậu vào trường đại học danh giá trong nước, bà Lan thấy tủi thân. Hôm được mời đến dự chia vui với gia đình hàng xóm, bà đi cho phải phép mà không vui chút nào. Đã thế, dường như không hiểu tâm trạng của bà, nhà hàng xóm đến bàn nào là lại mang kết quả học tập của con mình ra khoe để đón nhận những lời chúc tụng của khách. Chưa hết bữa tiệc, bà Lan xin phép về trước vì nhà có việc.
![]() |
-Minh họa: N.D |
Trưa hôm đó, con gái bà Lan lãnh đủ cảm giác tủi thân, bực tức của mẹ. Nào là con nhà người ta cũng sinh ra đủ 9 tháng 10 ngày, cũng học cùng trường, cùng lớp, cùng thầy cô giáo với mình mà sao lại giỏi thế; sinh ra đã là con trai rồi mà còn làm cho cha mẹ nở mặt nở mày thì ai lại không thích. Nào là mẹ cũng chắt bóp cho con học thêm, dành làm hết việc nhà để con có thời gian học hành mà sao con không thể cho mẹ có cảm giác như con nhà người ta. Bà Lan không biết mỗi lời mình nói như mũi tên găm vào trái tim non nớt của con gái. Cô bé không hé răng nói nửa lời, bởi điệp khúc này đã lặp đi lặp lại từ bữa cô biết điểm tốt nghiệp. Lúc vừa thi xong, cô mới chỉ nói đề thi năm nay khó, sợ con không được điểm cao như ý muốn là mẹ cô đã mắng xối xả: Mẹ không muốn nghe những lời đó, đã học kém lại còn bao biện. Mẹ có quan điểm của mẹ, đã mang tiếng học đại học thì phải học cái trường nào cho nó đàng hoàng, chứ vài ba điểm cũng bày đặt học đại học này, đại học khác vừa tốn tiền, ra trường vừa khó xin việc. Buồn vì bị mẹ mắng đã đành, nỗi lo lắng vì sợ mẹ không cho theo học đại học khiến cô bé không ngày nào ăn ngủ yên.
Không riêng gì bà Lan mà nhiều bậc phụ huynh khác khi biết kết quả thi của con không như mình mong muốn liền tỏ ra thất vọng và trút giận lên con mà không có cái nhìn thực tế về năng lực, trình độ, cũng như khả năng học tập của con để có cách ứng xử phù hợp. Tâm lý của cha mẹ ai cũng muốn con mình có một kết quả học tập tốt để làm hành trang bước vào tương lai. Đó là một tâm nguyện chính đáng nhưng kết quả học tập của con không phải cha mẹ cứ muốn như thế nào là được thế đó. Nhiều người khi thấy kết quả học tập, thi cử của con không như mong muốn thường kể lể về việc mình tốn bao nhiêu tiền cho việc học đó hay không ngước mặt lên với thiên hạ vì xấu hổ...Thực chất lúc đó cha mẹ chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình mà không hiểu được tâm trạng và nỗi lo lắng của con.
So với trước đây, quan niệm đại học là con đường duy nhất để có một tương lai sáng đã bớt nặng nề hơn rất nhiều. Cùng với công tác hướng nghiệp của nhà trường cũng như quan niệm thoáng hơn của xã hội, nhiều phụ huynh đã biết hướng con mình đi theo con đường phù hợp với năng lực, sở trường của con cho dù học nghề hay học đại học. Một phụ huynh là cán bộ viên chức nhà nước chia sẻ câu chuyện về định hướng việc học cho con mình: Con gái chị có năng khiếu vẽ, vừa có năng khiếu học tiếng Anh. Dĩ nhiên, để lựa chọn, chị muốn cho con mình trau dồi thêm tiếng Anh vì thấy môn học này mở ra nhiều cơ hội cho con hơn. Tuy nhiên, con gái chị lại nghiêng về hội họa, vì thế khi được mẹ cho đi học lớp này, lớp khác, cô bé phản ứng bằng cách không học bài cũ, không vừa lòng với bất cứ giáo viên nào được mẹ thuê dạy. Đêm đêm, đợi khi cả nhà đi ngủ thì cô bé lại lôi giấy bút ra vẽ để thỏa niềm đam mê của mình. Nhận thấy sự gò ép, bắt buộc của mình phản tác dụng, người mẹ đó đã thay đổi phương pháp, vừa tạo điều kiện để con học vẽ, vừa ra điều kiện để con học tiếng Anh và các môn văn hóa khác. Nhờ đó, con gái chị bỏ thái độ nổi loạn, chăm chỉ học hành. Sau này, cháu thi đỗ vào một trường đại học mỹ thuật nổi tiếng trong nước, đồng thời tiếng Anh cũng được trau dồi nhuần nhuyễn. Kể lại câu chuyện, người mẹ đó muốn chia sẻ rằng việc hiểu, nắm bắt năng lực, sở trường của con và tôn trọng nó thì mới có sự định hướng đúng đắn cho tương lai của con thay vì ép buộc và mắng nhiếc, nhất là với các em học sinh đang trong độ tuổi có những diễn biến tâm sinh lý hết sức phức tạp.
Sau mỗi kỳ thi, mỗi bậc phụ huynh đều phải đối mặt với thành công hay thất bại của con. Theo đó, ứng xử với thành công của con cũng là một nghệ thuật nhằm giúp con mình thấy được thành công ấy đáng trân trọng nhưng mới là kết quả bước đầu và cần phát huy hơn nữa. Đồng thời phải giáo dục các con nhận thức được rằng kết quả đó ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự ủng hộ, lo toan, chăm sóc, giúp đỡ của gia đình, người thân, bạn bè để con biết trân trọng nó, lấy đó làm cơ sở để cố gắng vươn lên, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong cuộc sống. Trước thất bại của con, cha mẹ cần phải chú trọng, khéo léo hơn trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết tâm lý lứa tuổi. Bởi nếu không sẽ làm tổn thương tâm lý các em vốn dễ bị kích động và dẫn đến hành vi khó kiểm soát. Trên thực tế, lựa chọn học đại học hay học nghề đều là những định hướng tốt, miễn sao công việc đó có ích cho xã hội và phù hợp với năng lực của con em mình.
Hoài Nam