Trao cơ hội để lao động vùng biển vượt khó
(QT) - Sau tình trạng cá chết hàng loạt, vấn đề sinh kế của người dân vùng biển được đặt ra hết sức cấp thiết. Trong bối cảnh ấy, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại các cụm xã, thị trấn ven biển được đánh giá là đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của ngư dân. Bãi tắm Cửa Việt trở nên đông vui, nhộn nhịp kể từ sau thời gian dài xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Từ các thôn xóm ở miền chân sóng, người dân phấn khởi xen chút hồi hộp khi đến tham gia phiên giao dịch việc làm do Trung ...

Trao cơ hội để lao động vùng biển vượt khó

(QT) - Sau tình trạng cá chết hàng loạt, vấn đề sinh kế của người dân vùng biển được đặt ra hết sức cấp thiết. Trong bối cảnh ấy, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại các cụm xã, thị trấn ven biển được đánh giá là đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của ngư dân. Bãi tắm Cửa Việt trở nên đông vui, nhộn nhịp kể từ sau thời gian dài xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Từ các thôn xóm ở miền chân sóng, người dân phấn khởi xen chút hồi hộp khi đến tham gia phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Gio Linh (Quảng Trị) tổ chức. Đúng như kỳ vọng, đến đây người dân được giới thiệu một cách đầy đủ thông tin về thị trường lao động; kết nối cung - cầu lao động; tư vấn giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, trong nước, xuất khẩu lao động và học nghề…

Lao động vùng biển được tư vấn, hướng dẫn thông tin về việc làm

Tham gia phiên giao dịch việc làm tổ chức cho người dân cụm xã, thị trấn ven biển thuộc huyện Gio Linh lần này, có 43 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tuyển sinh, tuyển dụng trực tiếp. Cán bộ các công ty, doanh nghiệp đã hướng dẫn, phỏng vấn, trao đổi thông tin một cách đầy đủ, cặn kẽ cho người lao động vùng biển. Theo thông tin từ Ban tổ chức, chỉ qua một ngày, có hơn 300 lượt người đã tham gia các hoạt động tại phiên giao dịch việc làm, trong đó 95 lao động tìm được việc làm và học nghề. Chị Trần Thị Mai, trú tại thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh chia sẻ: “Vợ chồng tôi đến tham gia phiên giao dịch việc làm từ sớm. Chúng tôi mong muốn tìm được công việc ổn định để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sau khi qua phỏng vấn, tôi đã may mắn tìm được việc làm. Tôi mong chồng mình cũng như những người dân khác cũng sẽ gặp may mắn”. Thời gian qua, tình trạng cá chết hàng loạt đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân các xã ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Tại các miền quê, giờ đây nhiều hộ dân từng gắn bó với nghề đánh bắt hải sản gần bờ đành gác lại ngư cụ. Để ổn định cuộc sống, đa số ngư dân đã chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi; tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá; lên thành phố làm phụ hồ, giúp việc… Tuy nhiên, vốn quen với những chuyến tàu bám biển, vươn khơi nên việc chuyển đổi nghề đối với người dân gặp khá nhiều khó khăn. Trước thực trạng ấy, vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho ngư dân được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Sau vụ việc cá chết hàng loạt, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề, các huyện có xã vùng biển làm tốt công tác tuyển sinh, đào tạo một số ngành nghề chủ yếu như: may công nghiệp, đan lát thủ công mỹ nghệ, thợ nề… Bên cạnh đó, lãnh đạo sở chủ động làm việc với các doanh nghiệp trong tỉnh về nhu cầu tuyển dụng lao động để có hướng đào tạo, giới thiệu việc làm cho người dân các xã vùng biển một cách hiệu quả nhất. Sở LĐ-TB&XH cũng đã mời gọi các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến địa phương để tuyển dụng. Trong xuất khẩu lao động, sở chủ trương ưu tiên cho lao động vùng biển tìm kiếm cơ hội việc làm tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Đặc biệt, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các cụm xã, thị trấn ven biển dành được sự quan tâm lớn. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các địa phương tích cực vận động nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh nhằm giúp ngư dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng về phiên giao dịch việc làm. Nhờ thế, phiên giao dịch việc làm tổ chức ở cụm xã, thị trấn ven biển thuộc huyện Gio Linh thu hút rất đông người dân tham gia. Theo nhận định chung, phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Gio Linh tổ chức có quy mô khá lớn, được chuẩn bị chu đáo, thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế một bộ phận ngư dân vẫn chưa mặn mà khi đến phiên giao dịch do tâm lý ngại thay đổi; chưa nhìn nhận rõ cơ hội dành cho mình; còn trông chờ sự hỗ trợ từ cấp trên… Trong khi đó, không ít ngư dân đến tìm cơ hội lại thất vọng trở về vì đã quá tuổi tuyển dụng, chưa có bằng cấp hoặc trình độ, tay nghề còn hạn chế. Thiết nghĩ đây là vấn đề cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả của các phiên giao dịch việc làm tổ chức ở cụm các xã, thị trấn ven biển nói riêng và trong công tác định hướng, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động vùng biển nói chung. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH cho biết, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm cho người dân cụm xã, thị trấn ven biển thuộc huyện Gio Linh đã phần nào đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân địa phương. Thời gian tới, sở sẽ tích cực chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch tương tự ở cụm xã, thị trấn ven biển khác. Để nâng cao hiệu quả của các phiên giao dịch, sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức thực hiện tốt hơn nữa hoạt động về nghiệp vụ chuyên môn; đảm bảo cơ sở vật chất; tăng cường, bố trí cán bộ để hướng dẫn, phục vụ công tác phỏng vấn, trao đổi, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động... Sau phiên giao dịch việc làm, cần tăng cường các hoạt động kết nối để giúp người lao động có cơ hội tìm được việc làm, xuất khẩu lao động, học nghề và chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp... Đề cập đến công tác định hướng, chuyển đổi nghề nghiệp và giải quyết việc làm nói chung cho lao động vùng biển trong thời gian tới, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Chúng tôi chủ trương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động. Với xuất khẩu lao động, người lao động sẽ được nâng cao tay nghề, ổn định thu nhập và có cơ hội làm giàu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tư vấn, đào tạo nghề cho người lao động vùng biển tham gia xuất khẩu lao động ở các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập… Cùng với đó, chúng tôi sẽ tích cực liên kết đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu sử dụng lao động ngay. Vừa qua, chúng tôi đã khảo sát và làm việc với 5 doanh nghiệp may trên địa bàn đang có nhu cầu sử dụng lao động. Bước đầu, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo nghề cho người lao động. Chắc chắn sau đào tạo, người lao động sẽ có nhiều cơ hội hơn và đặc biệt là được vào làm việc tại các cơ sở may trên địa bàn với mức thu nhập tương đối ổn định. Đây chính là định hướng lâu dài cho người dân vùng biển trong thời gian tới”. Bài, ảnh: TÂY LONG