Tăng cường quản lý môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
(QT) - Hiện nay, trên địa bàn Quảng Trị có 22 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, bao gồm 3 đơn vị khai thác titan, 7 đơn vị khai thác đá, 2 đơn vị khai thác sét gạch ngói, 2 đơn vị khai thác than bùn, 4 đơn vị khai thác cát, 1 đơn vị khai thác puzơlan, 3 đơn vị khai thác vàng. Nhìn chung các đơn vị khai thác khoáng sản đã chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, ký cam kết quỹ phục hồi môi trường và bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động. Các đơn vị đã khai thác trong phạm vi diện tích, thời gian, sản lượng được cấp phép, thường xuyên có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đất đai sau khai thác, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và tự nguyện đóng góp vào công tác phúc lợi xã hội ở địa phương. Hoạt động của các đơn vị khai thác khoáng sản đã giải quyết việc làm cho gần một ngàn lao động, phát triển hạ tầng công nghiệp và đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 20 tỷ đồng/năm. Công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác luôn được tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát đến việc chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Vì thế, nhiều đơn vị khai thác khoáng sản đã chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản; đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị khai thác và thực hiện chế biến sâu sản phẩm; ký quỹ phục hồi môi trường và đất đai sau khai thác; tuân thủ các cam kết về các biện pháp giảm thiểu những tác động đến môi trường trong quá trình khai thác, chú trọng đến công tác hoàn thổ sau khai thác, đầu tư cho các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây nên.
 |
Khai thác vàng ở Đakrông gây ô nhiễm môi trường. |
Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn nhiều hạn chế, tổn thất trong khai thác, chế biến còn lớn. Tình trạng mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác cũng như tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn chưa được khắc phục, việc phối hợp kiểm tra giữa các cấp các ngành chưa thường xuyên... Thực tế hoạt động của không ít đơn vị khai thác khoáng sản đang tạo ra sự quan ngại đối với công tác quản lý, nhất là công tác bảo vệ môi trường; có đơn vị đã có giám đốc điều hành mỏ nhưng đa số không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Tình trạng khai thác vàng, cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn còn diễn ra. Một số đơn vị hoạt động khoáng sản chưa chấp hành đầy đủ các quy định như khai thác ngoài diện tích được cấp phép, thực hiện khai thác không đúng thiết kế, chưa lập dự án cải tạo phục hồi môi trường, chưa chú trọng công tác phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác. Vì thế, riêng trong năm 2011, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản kiên quyết xử lý các đơn vị không chấp hành nghiêm túc các điều khoản đã cam kết và quy định của pháp luật. Trong đó phải kể đến hoạt động của Công ty cổ phần phát triển khoáng sản 4 (Công ty CPPTKS 4) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thăm dò vàng gốc tại xã A Vao, huyện Đakrông, khu vực có diện tích 25,5 km2. Thời gian được cấp phép thăm dò từ tháng 4/2008 đến tháng 4/2010. Khu vực thăm dò trong địa bàn 1 xã nhưng thời gian thăm dò lại kéo dài trong 4 năm. Trước sự chậm trễ và thiếu nỗ lực của Công ty CPPTKS 4, đặc biệt là trong khu vực công ty được cấp phép thăm dò để xảy ra nhiều vụ khai thác vàng trái phép, vừa gây thất thoát tài nguyên vừa ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nên huyện Đakrông và các ngành liên quan đã có kiến nghị với tỉnh cần phải có phương án xử lý đối với đơn vị. Thực tế trên cho thấy Công ty CPPTKS 4 vừa thăm dò vừa có những biểu hiện cấu kết với đối tượng khai thác vàng trái phép, gây tổn thất cho tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự trong khu vực. Ngoài Công ty CPPTKS 4, theo báo cáo của UBND huyện Đakrông, hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều đơn vị được cấp phép thăm dò và khai thác vàng chưa nghiêm túc chấp hành cam kết, xả nước thải ra dòng sông, chưa quản lý tốt nguồn khoáng sản trong khu vực thăm dò. Việc cấp phép khai thác ồ ạt như vừa qua đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện Chỉ thị số 26/2008/CT-TTg ngày 1/9/2008, Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 2/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có công văn số 01/2009/CT-UBND ngày 12/3/2009 yêu cầu các Sở, ban ngành, huyện, thị xã triển khai các nhiệm vụ và giải pháp để kịp thời chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Sở Tài Nguyên và Môi trường tổ chức rà soát công tác thẩm định việc cấp phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh. Kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh thu hồi giấy phép đối với các đơn vị đã được cấp phép khai thác nhưng không tiến hành khai thác trên 1 năm mà không có lý do chính đáng, các đơn vị khai thác, sử dụng khoáng sản không đúng mục đích làm lãng phí tài nguyên. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định trong giấy phép của đơn vị hoạt động khoáng sản. Phối hợp với các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao sự hiểu biết về chính sách, pháp luật khoáng sản cho các đơn vị hoạt động khoáng sản và nhân dân trong vùng có tài nguyên, khoáng sản. Nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản. Đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản. Phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm đối với hoạt động khoáng sản. Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy trình, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản. Rà soát và đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản. Sở Xây dựng lập quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn. Sở Giao thông- Vận tải quản lý hoạt động nạo vét bến cảng, khai thông luồng lạch. Trường hợp nạo vét có thu hồi cát sỏi lòng sông phải đăng ký khối lượng thu hồi cát, sỏi lòng sông. Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền địa phương và thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra các phương tiện giao thông đường thủy hoạt động trên sông để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy và hoạt động khoáng sản đối với các chủ phương tiện. Các huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không có giấy phép hoặc ngoài diện tích được cấp phép. Tăng cường công tác quản lý môi trường trong hoạt động khoáng sản, làm tốt công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội và an toàn lao động. Thường xuyên kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép cát sỏi lòng sông. Các Sở, ban ngành, địa phương phối hợp một cách đồng bộ và có hiệu quả mới hy vọng chấn chỉnh, ngăn chặn các trường hợp khai thác khoáng sản trái pháp luật, từng bước ổn định hoạt động khai thác của các đơn vị để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với vấn đề khai thác đá làm vật liệu xây dựng ở huyện Đakrông, chủ trương của tỉnh là hạn chế, chỉ cấp phép cho các đơn vị có năng lực, địa điểm khai thác phải nằm trong quy hoạch và đơn vị khai thác có trách nhiệm đóng góp nguồn lực tài chính và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho địa phương. Riêng với các đơn vị đang khai thác tận thu vàng phải đảm bảo vệ sinh môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật; tỉnh cho phép huyện và các ngành chức năng đình chỉ khi phát hiện các đơn vị này có vi phạm cam kết. Riêng đối với các đơn vị, doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chuyển nhượng cho các đơn vị khác thì không được cấp phép mới. Theo đó, UBND tỉnh đã có chủ trương tạm dừng việc xem xét cấp giấy phép thăm dò, khai thác vàng sa khoáng cũng như các loại khoáng sản khác trên địa bàn huyện Đakrông. Đề nghị các ngành, địa phương sớm thành lập các tổ rà soát để xem xét toàn diện các đơn vị đang thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn, phát hiện chấn chỉnh những bất hợp lý, trình UBND tỉnh xử lý, nhằm đảm bảo cho việc thăm dò, khai thác có nền nếp, hiệu quả, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp, nhà nước và địa phương. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA