Những ngày nước lũ lên
QTO - Tôi đã từng nghe kể về nhiều trận lũ lớn trong lịch sử qua lời của bà và thông tin từ một số bộ phim, hình ảnh tư liệu trên báo đài. Và tôi đã nghĩ, người dân lúc đó hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng phải đến khi tận mắt chứng kiến cơn lũ lịch sử đã cuốn trôi nhà cửa, tài sản, lương thực, vật nuôi của người dân trong những ngày qua, tôi mới biết, chữ “khổ” mà mình từng nghĩ có lẽ chưa là gì so với những điều mà người dân miền Trung đang phải gồng mình chịu đựng như những ngày qua.

Những ngày nước lũ lên

Tôi đã từng nghe kể về nhiều trận lũ lớn trong lịch sử qua lời của bà và thông tin từ một số bộ phim, hình ảnh tư liệu trên báo đài. Và tôi đã nghĩ, người dân lúc đó hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng phải đến khi tận mắt chứng kiến cơn lũ lịch sử đã cuốn trôi nhà cửa, tài sản, lương thực, vật nuôi của người dân trong những ngày qua, tôi mới biết, chữ “khổ” mà mình từng nghĩ có lẽ chưa là gì so với những điều mà người dân miền Trung đang phải gồng mình chịu đựng như những ngày qua.

Nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước lũ - Ảnh: T.P​

Tôi còn nhớ vào thời điểm mưa lũ đó, tầm khoảng 1 giờ 30 phút sáng, dì hốt hoảng gọi điện cho bố mẹ tôi nhờ cứu trợ. Bởi cơn mưa lớn kéo dài từ đêm qua đã gây ngập lụt ở nhiều nơi, cả nhà dì cùng người dân trong khu vực đang tìm cách “thoát thân”, mặc cho các vật dụng trong nhà trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Những thứ đồ dùng điện tử như tủ lạnh, ti vi dù đã cố kê lên cao nhưng cũng không thể khá hơn, đành chịu chung cảnh bị nước lũ nhấn chìm. Nước dâng lên tới đầu gối rồi lên đến lưng người mà vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nhiều người chạy lên tầng hai, có người trèo lên cả mái nhà chờ đợi sự cứu trợ từ các lực lượng chức năng. Cả một vùng quê mới hôm qua còn bình yên, trong lành giờ đã chìm trong biển nước. Cái đói, cái lạnh cứ bám riết sau lưng những con người tội nghiệp ấy. Những điều này, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi mới được tận mắt chứng kiến.

Lúc nhỏ, tôi rất thích mưa. Bởi vì nơi tôi ở là một vùng trũng, chỉ cần một cơn mưa cũng sẽ tạo ra vũng nước đọng để bọn trẻ con chúng tôi có thể xắn cao ống quần lên mà thỏa sức lội. Mưa nhỏ thì nước cao ngang mắt cá chân, mưa lớn hơn một chút sẽ cao chừng nửa bắp chân của một đứa trẻ. Chúng tôi cứ thế vô tư chơi đùa ở những vũng nước ấy cho đến khi nước rút cạn, trả lại sự khô ráo cho mặt đường. Hồi còn nhỏ, chúng tôi đã từng ước rằng sẽ có một trận mưa to thiệt to, để nước dâng cao hơn và chúng tôi sẽ được chơi đùa thỏa thích. Thế nhưng càng lớn, chúng tôi càng thấy mong ước khi ấy mới ngây thơ và ngốc nghếch làm sao. Những ngày nước lũ lên nhanh, chúng tôi sống trong cảnh mất điện, mất nước liên tục. Chiếc điện thoại mọi hôm vẫn cầm chặt trên tay giờ đã trở nên “vô dụng” vì chẳng còn pin để dùng. Nước sạch không có để sử dụng mà nước lũ thì cứ chảy xiết không thôi. Thật đau lòng! Tận mắt thấy người dân khốn đốn trong cơn lũ lớn, lòng tôi bỗng cảm thấy áy náy vô cùng… dù tôi chẳng phải là nguyên nhân gây ra chuyện này.

Vài ngày sau, khi trời đã có dấu hiệu tạnh ráo, tôi mới có dịp theo chân đoàn viên thanh niên trong khu phố tham gia dọn vệ sinh tại các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do lũ. Khung cảnh tan tác, đìu hiu. Bùn đất dày bám chặt dưới nền nhà, trên tường, tủ, bàn ghế… Những con vật nuôi còn sót lại sau trận lũ được chuyển vào sống cùng người. Bếp lạnh ngắt, người dân mấy ngày sống chung với lũ chỉ có thể ăn mì tôm sống cầm chừng, nước sôi pha mì tôm cũng chẳng thể đun được. Rạp cưới nhà nọ mới dựng cũng bị cuốn theo dòng lũ. Một người phụ nữ òa khóc: “Mất hết rồi mấy cháu ơi!”. Rồi hai người, ba người… Những tiếng khóc như xát muối vào tim. Hóa ra những điều tôi từng nghĩ về nỗi khổ của người dân miền Trung vẫn chưa là gì so với những gì họ đã trải qua. Suốt cuộc đời, người dân nơi đây chịu thương chịu khó làm ăn, tích góp để rồi phải nuốt nước mắt vào trong khi nhìn cơn lũ vô tình cuốn trôi đi nhà cửa, lương thực. Nước lũ hôm nay lên, ngày mai rút. Còn người dân quê tôi cứ thế, suốt đời vất vả làm ăn, gồng mình gánh chịu thiên tai. Những ngày lũ lên, tôi lại xót xa cho người dân quê mình…

Trúc Phương