Tạo nguồn cán bộ cơ sở chất lượng cao ở các huyện miền núi
(QT) - Chúng tôi về xã Húc Nghì, huyện Đakrông đúng vào dịp Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã đang chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể thôn bản rà soát, nắm số lượng, chất lượng thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ trên địa bàn. Thành phần đoàn công tác gồm đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã và các thôn, xóm. Chứng kiến toàn bộ quy trình tiến hành công tác rà soát, nắm số lượng, chất lượng thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ ở xã Húc Nghì, chúng ...

Tạo nguồn cán bộ cơ sở chất lượng cao ở các huyện miền núi

(QT) - Chúng tôi về xã Húc Nghì, huyện Đakrông đúng vào dịp Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã đang chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể thôn bản rà soát, nắm số lượng, chất lượng thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ trên địa bàn. Thành phần đoàn công tác gồm đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã và các thôn, xóm. Chứng kiến toàn bộ quy trình tiến hành công tác rà soát, nắm số lượng, chất lượng thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ ở xã Húc Nghì, chúng tôi phần nào thấy được vai trò, trách nhiệm và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể nơi đây.

Cán bộ Ban CHQS huyện Hướng Hóa cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thị trấn Lao Bảo gặp gỡ, nắm tình hình thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ tại thị trấn Lao Bảo

Theo tìm hiểu không riêng xã Húc Nghì, công tác tuyển quân ở các xã thuộc huyện miền núi Đakrông còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, khó khăn vướng mắc lớn nhất phải kể đến đó là chất lượng nguồn nhập ngũ, nhất là trình độ văn hóa và sức khỏe. Thêm vào đó, thanh niên trong độ tuổi thường đi làm ăn xa. Dù gặp không ít khó khăn, nhất là số lượng, chất lượng nguồn nhập ngũ, song cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể từ xã đến các thôn, xóm đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc đăng ký, quản lý, nắm chắc số lượng, chất lượng nguồn.

Anh Hồ Văn Gian, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Húc Nghì khẳng định: “Để nâng cao chất lượng công tác tuyển quân thì vấn đề có tính quyết định đó là việc “xã hội hóa” công tác tuyển quân ở tất cả các khâu từ công tác quản lý nắm nguồn, đến việc thẩm tra, xác minh... Cấp uỷ các cấp từ xã đến các thôn xóm phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tốt vai trò, chức năng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương và là tiêu chí để bình xét, phân loại thi đua cuối năm”...

Ngược Quốc lộ 9, chúng tôi đến huyện miền núi Hướng Hóa để tìm hiểu công tác tuyển quân năm 2018. Toàn huyện có 22 xã, thị trấn, trong đó có 13 xã đặc biệt khó khăn, 11 xã biên giới, dân cư chủ yếu là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Địa bàn rộng và phức tạp, dân cư thưa thớt, kinh tế- xã hội chưa phát triển, đời sống của người dân một số nơi còn gặp khó khăn, giao thông đi lại cách trở... Những đặc điểm đó đã ảnh hưởng, chi phối rất lớn đến công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ở các xã, thị trấn của huyện Hướng Hóa. Điều chúng tôi ghi nhận đó là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ban điều hành các thôn, bản, đại diện các tổ chức, đoàn thể như chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, chi đoàn thanh niên… cùng vào cuộc, đảm bảo cho công tác tuyển quân được tiến hành thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, thị trấn Lao Bảo là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyển quân. Hàng năm, địa phương này không chỉ bảo đảm chỉ tiêu tuyển quân mà còn đi đầu về chất lượng thanh niên nhập ngũ, đặc biệt là công tác phát triển đảng trong thanh niên nhập ngũ.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn, Chủ tịch Hội đồng NVQS thị trấn Lao Bảo cho biết: “Làm tốt công tác phát triển đảng trong thanh niên nhập ngũ là một trong những chủ trương thiết thực, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tuyển quân. Để nâng cao chất lượng thanh niên nhập ngũ, ngay từ đầu năm, Đảng ủy thị trấn đã ra nghị quyết lãnh đạo về công tác phát triển đảng trong thanh niên nhập ngũ. Trên cơ sở đó, Đảng uỷ giao chỉ tiêu cụ thể cho chi bộ các thôn, bản phân công và gắn trách nhiệm cho cấp uỷ viên kèm cặp, giúp đỡ thanh niên trong phạm vi các thôn quản lý. Đồng thời chỉ đạo tổ chức đoàn xây dựng kế hoạch lựa chọn, bồi dưỡng, giới thiệu những đoàn viên ưu tú trong độ tuổi cho các chi bộ theo dõi, xem xét kết nạp đảng. Nhờ đó, công tác phát triển đảng nói chung và phát triển đảng trong thanh niên nhập ngũ, đạt chất lượng, hiệu quả”...

Với phương châm “Chất lượng cao, tạo nguồn cơ sở” được xem là phương châm chỉ đạo xuyên suốt trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ở các địa phương miền núi của tỉnh. Đây cũng chính là cơ sở tiền đề góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển quân ở huyện Đakrông, Hướng Hóa những năm vừa qua. Việc đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong thanh niên nhập ngũ sẽ tạo ra sự tác động “kép”. Một mặt, nếu nguồn thanh niên nhập ngũ được tuyển chọn kỹ ở các địa phương thì sau khi được học tập, rèn luyện, thử thách trong môi trường quân đội sẽ tạo nguồn cho địa phương sau khi quân nhân hết hạn nghĩa vụ quân sự. Đây là sự tác động hai chiều vừa để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển quân gắn với tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Số quân nhân sau khi được rèn luyện, thử thách trong môi trường quân ngũ trở về địa phương có thể được bố trí các chức danh ở thôn, bản đến xã, thị trấn.

Nhờ quan tâm chăm lo làm tốt công tác phát triển đảng trong thanh niên nhập ngũ gắn với tạo nguồn cán bộ cho cơ sở nên số liệu thống kê hàng năm ở 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa cho thấy, hầu hết quân nhân xuất ngũ được tư vấn học nghề, giới thiệu làm, trong đó gần 50% có việc làm ổn định; 100% tham gia lực lượng DQTV, DBĐV; nhiều quân nhân xuất ngũ được đề bạt, bố trí các chức danh cán bộ từ thôn, bản, đến xã, thị trấn. Số cán bộ này đều phát huy tốt trình độ, năng lực và có chiều hướng phát triển tốt, có thể trở thành nguồn cán bộ lâu dài tại địa phương.

Lê Xuân Liệu