Cô đỡ vùng cao
(QT) - 13 năm đồng hành với sản phụ, chị Hồ Thị Bảy hiểu từng cơn đau, sẻ chia với những giọt mồ hôi của sản phụ khi một công dân tí hon chào đời. Ở xã Húc Nghì (huyện Đakrông, Quảng Trị), mọi người thường gọi chị là “cô đỡ vùng cao”. Đêm Đakrông mưa không dứt. Chiếc đồng hồ ì ạch gõ nhịp báo hiệu ngày mới. Ngoài sân vang lên tiếng gọi đứt quãng: “Chị Bảy ơi! Cứu vợ em với! Vợ em sắp sinh rồi!”. Như một phản xạ tự nhiên, chị Bảy bật dậy, xách chiếc túi dụng cụ, rồi cùng người nhà bệnh nhân lao vào bóng đêm. 13 năm nay, chị Hồ Thị Bảy (sinh năm 1979) đã quen với những giấc ngủ “chẳng tròn” như thế. Thành nếp, chị bị bệnh mất ngủ kinh niên. Vậy mà, hơn ai hết, chị Bảy lại mong ngóng từng tiếng gọi gấp gáp trong đêm. Người nữ hộ sinh chỉ sợ một nỗi nếu những tiếng gọi ấy không kéo chị dậy, lỡ sản phụ gặp nguy hiểm thì chị xót xa lắm.
 |
Thường xuyên theo dõi việc chăm sóc trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ của các sản phụ. |
Mỗi lúc nâng đứa bé đỏ hỏn trên tay, âu yếm bảo sản phụ: “Chúc mừng chị nhé! Cháu khỏe mạnh lắm” là một lần chị Bảy rơi nước mắt. Chị nhớ đến nốt lặng u buồn trong quá khứ. Gần 20 năm trước, mẹ và em chị đã lặng lẽ ra đi sau một ca sinh khó. Đó là lý do khiến ước mơ trở thành nữ hộ sinh cháy bỏng trong lòng cô gái Vân kiều. Năm 1996, chị Hồ Thị Bảy khăn gói về xuôi học sơ cấp hộ sinh tại thành phố Đông Hà. Càng học, chị càng thấu tỏ nỗi khổ bởi sự thiếu hiểu biết về cách chăm sóc thai nhi, sinh và nuôi con của dân bản. Cô gái Vân kiều thêm xót xa khi biết rằng nếu được đỡ đẻ đúng phương pháp, mẹ và em mình đã không sớm từ giã cuộc đời. “Không thể để nhiều người phụ nữ rơi vào cảnh ngộ như mẹ nữa. Mình phải cố gắng học để giúp đỡ họ”- quyết tâm ấy trở thành động lực để chị Bảy vượt mọi khó khăn trong học tập. Kết thúc khóa học, chị Bảy về Trạm y tế xã Húc Nghì làm việc. Buổi đầu khởi nghiệp của cô đỡ vùng cao chẳng hề đơn giản. Dân quê chị vốn quen với việc “vượt cạn” một mình ở lều lán trên rẫy. Nhiều người còn e ngại khi có người lạ đặt chân vào phòng đẻ. Thế nên, việc đầu tiên của chị Bảy sau khi đảm nhận công tác là cuốc bộ đến các bản làng gần xa để tuyên truyền về việc sinh con an toàn. Buổi đầu, số người tin lời chị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không nản chí, chị thân chinh đến từng gia đình có người chuẩn bị sinh con để tư vấn giúp họ cách chăm sóc thai nhi, chuẩn bị kiến thức cơ bản trước khi sinh, cách xử lý khi tình huống không may xảy ra... Chẳng chờ người nhà sản phụ đến gọi, hay tin ở đâu có người trở dạ, chị lại xách túi dụng cụ đến giúp đỡ. Chị cho biết: “Lúc đó, nhiều người nghĩ mình đỡ đẻ là có mục đích gì đấy nên họ đuổi như đuổi tà. Nhiều lúc mình cứ đứng lỳ ở ngoài ngõ nhà sản phụ, để lỡ có chuyện không may xảy ra thì còn chạy thật nhanh vào giúp đỡ. Thú thật, trong kia sản phụ đau một, thì ngoài này mình đau mười”... Nhờ những lần đứng chờ ngoài ngõ như thế mà chị Bảy đã kịp thời cứu giúp không ít sản phụ và thai nhi gặp nguy hiểm. Tiếng lành đồn xa, người dân ở các bản Húc Nghì, 37, Cựp, La Tó bắt đầu nhờ đến cô đỡ lúc gia đình có người trở dạ. Đau đẻ thì chẳng hẹn giờ. Thế nên, việc chị bị giật dậy giữa đêm, thức trắng cùng sản phụ là chuyện hết sức bình thường. Mỗi năm, trung bình chị Bảy đỡ đẻ cho 30 - 50 sản phụ. Mỗi lần làm nhiệm vụ là một lần chị đổ không biết bao mồ hôi. Có trường hợp, khi người nhà gọi chị đến, sản phụ đã bị băng huyết, ngất lịm, hài nhi tím tái, rốn và nhau vẫn chưa rời cơ thể mẹ. Thấy thế, chị Bảy vội vã tiêm thuốc trợ lực, cắt rốn, bóc nhau thai, hà hơi, ủ ấm cho trẻ... Suốt mấy tiếng ròng, chị cố gắng giành giật sự sống cho hai mẹ con. Thế nên, khi sản phụ và đứa trẻ qua cơn nguy kịch cũng là lúc chị Bảy lả đi vì mệt. Gặp ca đẻ ngược, đẻ ngồi mông..., nỗi vất vả càng nhân lên gấp bội. Thế nhưng, chị Bảy không nề hà. Chị sẵn sàng túc trực cả đêm lẫn ngày để theo dõi mọi chuyển biến của sản phụ, tìm phương án hiệu quả nhất để điều trị cho bệnh nhân... Nhờ thế, nhiều sản phụ sinh khó như chị Hồ Thị Thu, Pỉ Thơi, Pỉ Mong... đều được chị Bảy giúp sức để được “mẹ tròn, con vuông”. Đó cũng là niềm hạnh phúc khôn tả đối với chị. Là nữ hộ sinh ở miền núi, chị Hồ Thị Bảy quen với cảnh nhiều sản phụ không chuẩn bị một thứ gì cho ngày “khai hoa nở nhụy”. Hoàn cảnh khó khăn khiến họ chẳng có tiền mua được một chiếc tả lót, tấm vải sạch... Mỗi lần như thế, chị Bảy thường bỏ tiền túi ra để mua đồ dùng, thuốc men và một số dụng cụ cần thiết cho thai phụ và đứa trẻ. Chị nhẹ nhàng bảo: “Từ lúc được đi học đến giờ, mình luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ với cán bộ ngành y tế: “phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Mình chỉ nghe theo lời Bác dạy thôi”. Mười ba năm đổ mồ hôi gieo niềm tin trong lòng dân bản, nỗ lực của chị Hồ Thị Bảy giờ đã được đền đáp. Hầu hết phụ nữ mang thai tại xã Húc Nghì giờ đã chăm lo đến việc khám thai định kỳ, hiểu rõ cách chăm sóc trẻ sơ sinh... Đặc biệt, hơn 90% sản phụ tự giác đến trạm y tế để sinh con an toàn. Chị Bảy cười hiền hậu nói: “Bữa nay, mình chỉ đi đỡ đẻ giúp dân ở các bản xa và ngoài giờ hành chính thôi, chị em ở xã đã biết đến Trạm y tế để sinh con an toàn rồi. Mình rất mừng vì điều đó”. Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP