(QT) - Đường làng ngõ xóm ngày càng phong quang, sạch đẹp, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt và đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao là điều dễ nhận thấy ở khu dân cư Cu Hoan, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ những năm gần đây.
![]() |
Đường làng ngõ xóm ở khu dân cư Cu Hoan phong quang, sạch đẹp |
Ông Lê Văn Thiện, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Cu Hoan cho biết, thôn có 125 hộ với 406 nhân khẩu. Đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu canh tác các loại cây trồng chủ lực như cao su, rừng kinh tế, hồ tiêu và phát triển các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Đến nay toàn thôn có trên 191 ha cao su, 110 ha rừng, 4,4 ha hồ tiêu; đàn lợn 4.034 con (nái sinh sản có 91 con), gia cầm các loại 3.580 con…
Ngoài những cây trồng, vật nuôi chủ lực trên thì người dân còn canh tác thêm các loại hoa màu, làm các ngành nghề phụ và buôn bán. Nhờ những cây trồng, vật nuôi chủ lực này mà đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, số hộ khá giàu ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người của thôn năm 2016 đạt 22 triệu đồng. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, năm 2016 thôn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong năm, thôn đã huy động được 21 triệu đồng, 400 ngày công đắp được 1,8 km lề đường, san đổ đất sân nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn 510 m2. Ngoài ra chi bộ, các tổ chức, đoàn thể thôn cũng đã thực hiện được các phần việc thiết thực như: Chi bộ thôn đảm nhận xây cột cờ tại nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn trị giá 5,1 triệu đồng; Chi hội phụ nữ xây dựng nhà vệ sinh tại nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn trị giá 3,1 triệu đồng; các hộ gia đình trồng được tổng cộng 1.200 cây cảnh, cây bóng mát dọc các trục đường; lát gạch sân đình làng trị giá 4 triệu đồng… Tất cả những phần việc này đã góp phần tạo nên diện mạo cảnh quan của thôn ngày càng khởi sắc, tươi mới.
Phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát huy nguồn nhân lực, chăm lo sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái của khu dân cư có nhiều chuyển biến tích cực. Mọi người, mọi gia đình đều giữ vững nếp sống văn hóa, thực hiện đúng hương ước, quy ước của làng văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các hủ tục, các lễ hội được tổ chức tiết kiệm. Cụ thể, việc tang tiễn đưa người quá cố được thực hiện trang nghiêm, đúng lễ nghi, đám tang không để quá 48 tiếng đồng hồ; tiễn đưa bằng xe tang, không rải vàng mã dọc đường, không dọn bia rượu, thuốc lá, không tổ chức ăn uống linh đình. Khi có gia đình gặp đám tang, mỗi hộ đóng góp 10.000 đồng giúp đỡ, sẻ chia khó khăn.
Trong việc cưới cũng không dọn bia rượu, thuốc lá, không tổ chức nhạc, uống rượu bia đêm trước lễ cưới. Nhìn chung, các hộ gia đình đều tuân thủ nghiêm những quy định này, dần tạo nên nếp sống văn minh, lành mạnh. Đến nay toàn thôn có 100 hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa, đạt 80%. Bên cạnh đó, người dân đã có ý thức quan tâm đến việc học hành của con em, chăm lo sự nghiệp giáo dục, các phong trào, hoạt động khuyến học khuyến tài thường xuyên được tổ chức. Chi hội Khuyến học thôn và các dòng họ được duy trì có hiệu quả.
Hàng năm, vào ngày Tết Trung thu, thôn tổ chức trao thưởng khuyến học cho các cháu học sinh đạt thành tích cao trong học tập; tặng quà, tổ chức vui chơi cho các cháu thiếu nhi… Chính sách DS-KHHGĐ được tuyên truyền thường xuyên đến tận các gia đình, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Hàng năm, nhân dân đều tham gia tẩm màn bằng hóa chất, tích cực diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết. Trong các ngày lễ, tết, dịp diễn ra sự kiện lớn của quê hương, đất nước, bà con đều treo cờ Tổ quốc đầy đủ. Công tác bảo vệ môi trường tại cộng đồng thường xuyên được chú trọng, thôn đã có tổ thu gom rác thải hoạt động định kỳ. Hầu hết các hộ đều có hố xí hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo. Hàng tháng bà con tham gia làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, cắt tỉa cây xanh, chăm sóc cây dọc đường; các mô hình cổng nhà, sân vườn, ngõ bê tông ngày càng được xây dựng nhiều hơn.
Các thành viên trong Ban công tác Mặt trận thôn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia đầy đủ các buổi họp, bàn bạc nghị quyết của Chi bộ, của HĐND xã, góp phần xây dựng cơ sở chính trị ngày càng vững mạnh, gắn bó mật thiết trong cộng đồng dân cư.
Các tổ chức, đoàn thể thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động nên đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Qua các buổi sinh hoạt chính trị đã vận động nhân dân thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Hiếu Giang