Để Sáng kiến Dân chấm điểm M-Score phát huy tính bền vững
(QT) - Sáng kiến Dân chấm điểm M-Score là một công cụ hỗ trợ tham gia vào việc giám sát công tác cải cách hành chính nói chung, trọng tâm là công tác thực hiện cải cách hành chính thông qua cơ chế một của, một cửa liên thông. Dưới hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân thông qua việc sử dụng điện thoại di động, trực tiếp trả lời các câu hỏi khảo sát một cách độc lập, tự nguyện, bí mật về danh tính sau khi người dân đã hoàn thành một chu trình thủ tục dịch vụ công tại Văn phòng một cửa (VP1C) cấp huyện. Sau hơn 1 năm triển khai, Sáng kiến đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn. Trong đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm chỉ đạo triển khai, đồng thời tổ chức quán triệt đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; phát tài liệu tuyên truyền về Sáng kiến đến với người dân và các doanh nghiệp; cập nhật số liệu giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Từ đó nhận thức của cán bộ, công chức và lãnh đạo địa phương về vai trò, mục đích, ý nghĩa của Sáng kiến được nâng lên. Tính đến nay, tổng số trường hợp người dân được tổng đài Dân chấm điểm tiếp cận khảo sát đạt hơn 10.000 người; tỷ lệ khảo sát ngày càng cao, khi mới khởi động thì khảo sát thành công khoảng 20-25%, đã có thường xuyên trên 90% số người được khảo sát chia sẻ thông tin. Trong đó có gần 2.000 ý kiến đóng góp nhằm cải thiện dịch vụ công. Bên cạnh đó, đường dây nóng 1800.8081 hoạt động ổn định, được nhiều người dân biết đến, tin tưởng và có hơn 500 cuộc gọi đến tổng đài để trình bày những ý kiến bức xúc, đã được Thường trực HĐND tỉnh tiếp thu chuyển các cơ quan chức năng, địa phương xử lý.
 |
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng một cửa huyện Hướng Hóa |
Kết quả triển khai Sáng kiến cho thấy, việc giải quyết các thủ tục hành chính của các địa phương có nhiều tiến bộ, thời gian giải quyết được rút ngắn, giảm bớt số lần đi lại và chi phí không chính thức của người dân; tỷ lệ trả hồ sơ đúng và sớm hẹn tăng lên đáng kể. Chất lượng và tinh thần, thái độ phục vụ của các cơ quan chức năng và cán bộ được cải thiện. Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân được hạn chế. Ngoài ra, Sáng kiến đã trở thành một nhân tố thúc đẩy những đổi thay tích cực trong thời gian qua về nhân sự như thị xã Quảng Trị đã bố trí 1 công chức, 5 nhân viên hợp đồng làm việc chuyên trách, huyện Triệu Phong bố trí 2 công chức chuyên trách, huyện Hải Lăng tăng thêm 1 nhân viên hợp đồng; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất như các huyện Hướng Hóa, Đakrông, thị xã Quảng Trị đã đầu tư mới trụ sở làm việc của VP1C và nhiều trang thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan chuyên môn, thúc đẩy ban hành quy chế tổ chức và hoạt động ở bộ phận một cửa của các địa phương. Đồng thời Sáng kiến đã hỗ trợ việc giám sát của HĐND và UBND tỉnh ngày càng hiệu quả trong việc cải cách hành chính, đặt biệt là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, góp phần đạt mục tiêu duy trì và củng cố chỉ số PAPI, nâng cao chỉ số PCI. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay để phát huy tính hiệu quả của Sáng kiến cần có những giải pháp mang tính bền vững. Theo đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, để phát huy tính hiệu quả, bền vững của Sáng kiến Dân chấm điểm M-Score, kỳ họp thứ 18, HĐND khóa VI đã xác định xây dựng đề án hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động của VP1C và hoạt động của cơ chế một cửa. Hiện nay, Sở Nội vụ đang xây dựng đề án trình UBND và HĐND tỉnh vào kỳ họp thứ II, HĐND tỉnh khóa VII, đồng thời sẽ xây dựng nghị quyết chuyên đề về thực hiện Sáng kiến. Trong đó tập trung nghiên cứu cơ chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa trên địa bàn tỉnh và tích hợp Sáng kiến vào phần mềm cải cách hành chính của tỉnh, đồng thời nghiên cứu mở rộng áp dụng Sáng kiến ra lĩnh vực y tế, giáo dục và bộ phận một cửa cấp xã, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Trước mắt sẽ tiến hành thí điểm việc thực hiện Sáng kiến tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các giải pháp được nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới là cần đổi mới cách chấm điểm bằng điện thoại sang kết hợp chấm điểm “nóng” trực tiếp sau khi người dân hoàn thành thủ tục nhận hồ sơ tại các VP1C để phân loại, phát hiện vấn đề để khảo sát sâu về nguyên nhân bằng điện thoại. Để thực hiện được điều này cần trang bị các phương tiện kỹ thuật ở tất cả các VP1C hoặc cơ sở dịch vụ cần khảo sát. Đầu tư ngân sách hỗ trợ công tác phí cho cán bộ tại các VP1C để yên tâm công tác và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó cần tính đến phương án có thu phí đối với những hồ sơ quy định thời gian xử lý dài ngày mà người dân và doanh nghiệp muốn rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Bên cạnh đó, kiến nghị Trung ương tiến hành tổng kết việc thực hiện Sáng kiến ở cấp cao hơn để vận động trở thành một chính sách của quốc gia trong thời gian tới. Bài, ảnh: LÊ MINH