Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển các cụm công nghiệp. Bài 1: Doanh nghiệp sử dụng đất chưa hiệu quả
QTO - > Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển các cụm công nghiệp. Bài 2: Giải “bài toán” về đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật

Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển các cụm công nghiệp. Bài 1: Doanh nghiệp sử dụng đất chưa hiệu quả

> Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển các cụm công nghiệp. Bài 2: Giải “bài toán” về đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật

Cùng với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chính là yếu tố góp phần quan trọng đưa công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại. Nhằm đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, những năm qua, cùng với thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng nhằm hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp, hộ gia đình vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc, việc đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Ở Cụm công nghiệp Hải Thượng, Hải Lăng, tỉ lệ lấp đầy còn thấp - Ảnh: T.T

Lãng phí mặt bằng tại nhiều cụm công nghiệp

Trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 21 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 587 ha. Đến nay, đã hình thành 17 CCN với tổng diện tích 527,5 ha, trong đó 14 CCN đã đi vào hoạt động và đang thu hút đầu tư, đạt tỉ lệ lấp đầy bình quân 60,9%. Bên cạnh hiệu quả hoạt động của nhiều CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua, thì có không ít dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai, sử dụng đất kém hiệu quả, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đúng với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, gây lãng phí mặt bằng.

Năm 2012, Công ty TNHH Long Hưng Thịnh Quảng Trị được UBND tỉnh cho thuê đất tại CCN Diên Sanh (Hải Lăng) với diện tích 22.903 m2 . Công ty đã nộp tiền thuê đất đến năm 2019. Theo dự án đầu tư được phê duyệt, đến nay công ty còn các hạng mục chưa đầu tư xây dựng gồm: Lò sấy hơi nước, xưởng cưa xẻ gỗ, xưởng sản xuất hàng mộc, kho thành phẩm với diện tích chưa xây dựng là 2.688 m2 . Ngoài ra, theo thiết kế, bãi chứa nguyên liệu là đổ bê tông nhưng hiện trạng mặt bằng đang là nền đất. Công ty đã thực hiện nhận góp vốn của Công ty TNHH Quốc tế AAA và Công ty TNHH Quốc tế ShaiyoAA, đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp 5 lần. Hiện nay, công ty đang khôi phục, sửa chữa nhà máy để tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, với việc thực hiện tiến độ dự án chậm, một số hạng mục công trình chưa xây dựng theo dự án đã được phê duyệt, chưa sử dụng hết diện tích đất được cho thuê gây lãng phí không nhỏ tài nguyên đất.

Tại địa bàn huyện Hải Lăng có 24 dự án được giao đất và cho thuê đất tại 3 CCN với diện tích đất là 35,55 ha. Có 10 dự án có dấu hiệu chậm đưa vào sử dụng đất, sử dụng đất kém hiệu quả, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đúng với quyết định phê duyệt đầu tư. Một số dự án gặp khó khăn đã ngừng hoạt động như: Nhà máy sản xuất rượu Sikar và nước lọc Sakie của Công ty TNHH Sikar, nhà máy sản xuất que hàn xuyên Á của Công ty CP KS Hiếu Giang (CCN Diên Sanh)…Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp và Khuyến công (PTCCN và KC) huyện Hải Lăng Hoàng Ngọc Ký cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa sử dụng hiệu quả đất đã được UBND tỉnh cho thuê đất hoặc sử dụng đất chưa đúng với quyết định chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Đó là ảnh hưởng của COVID-19 kéo dài, thiên tai, ngoài ra cơ sở hạ tầng tại các CCN chưa được đầu tư hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp”.

Dự án Nhà máy sản xuất ống cống bê tông ly tâm dự ứng lực của Công ty Cổ phần Việt Ren được thuê đất với diện tích 10.000 m2 từ năm 2017 tại CCN Cam Hiếu (Cam Lộ). Tuy nhiên đến nay công ty chưa hoàn thành xây dựng các hạng mục như dự án đã được phê duyệt. Ngoài ra có một số đơn vị như Công ty TNHH MTV Trần Châu với dự án sản xuất gạch, ngói không nung tại CCN Cam Thành chỉ mới sử dụng một phần đất cho thuê, chưa hoàn thành đầu tư xây dựng. Đối với đơn vị này, UBND huyện Cam Lộ đã đề xuất UBND tỉnh xem xét thu hồi một phần diện tích đất đã cho thuê là 2.000 m2 trên tổng số 6.589 m2 . Tại thành phố Đông Hà, có 26 dự án tại 2 CCN được cho thuê đất, trong đó đến nay có 5 dự án đã tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ mới thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển nhượng tài sản đối với một đơn vị là cơ sở luyện phôi thép Nam Nhật tại CCN Đông Lễ. Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Công ty TNHH Thái Hòa tại CCN Hướng Tân đã ngừng hoạt động từ năm 2013. UBND huyện Hướng Hóa đã thẩm định thực tế xác định khối lượng còn lại là 1.094 tỉ đồng. Tuy nhiên huyện chưa bố trí được nguồn vốn hoàn trả chủ đầu tư để tiếp quản, phát triển CCN nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất tập trung vào CCN trên địa bàn huyện.

Cần kiên quyết thu hồi diện tích đất chưa sử dụng

Toàn tỉnh hiện có 108 dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất tại 14 CCN. Tỉ lệ lấp đầy tại các CCN từ 34,3% - 100%. Trong đó, 34,3% là tỉ lệ lấp đầy tại CCN Cam Tuyền (Cam Lộ), 42,7% tại CCN Hải Chánh, 56,08% tại CCN Hải Thượng (Hải Lăng). Có 4 CCN đã cơ bản hoàn thành hạ tầng giao thông (CCN Đông Lễ, CCN Ái Tử - giai đoạn 1, CCN Cam Thành, CCN Diên Sanh), 1 CCN có hệ thống xử lý nước thải chung (CCN Ái Tử). Tất cả các CCN trên địa bàn tỉnh đều đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, 14 CCN đã được phê duyệt dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo từng giai đoạn, từng hạng mục để phù hợp với khả năng hỗ trợ, bố trí kinh phí.

Phải khẳng định rằng thời gian qua, doanh nghiệp tại các CCN trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, tích cực đầu tư hoạt động sản xuất, mở rộng tìm kiếm thị trường đầu ra, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần vào tăng trưởng của ngành công nghiệp của tỉnh. Năm 2020, các doanh nghiệp tại các CCN trên địa bàn tỉnh có tổng doanh thu ước đạt khoảng 1.412 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.800 lao động, nộp ngân sách hơn 42 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp hoàn thành và vượt chỉ tiêu nộp ngân sách được giao như: Công ty Cổ phần Lâm sản An Thái nộp ngân sách 2,095 tỉ đồng (vượt 74,5% kế hoạch được giao), Công ty TNHH MTV Thái Bình Quảng Trị nộp ngân sách 306,834 triệu đồng (vượt 53,4% kế hoạch được giao), Công ty TNHH Ngân Phát Quảng Trị mặc dù mới đi vào hoạt động năm 2020 nhưng đã nộp ngân sách 671,718 triệu đồng (vượt 123% kế hoạch được giao)…

Bên cạnh những hiệu quả hoạt động tại các CCN thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ các kết quả kiểm tra về tình hình sử dụng đất, thực hiện các dự án tại các CCN ở các địa phương cho thấy, một số dự án đã được UBND tỉnh cho thuê đất nhưng chậm triển khai thực hiện, gây lãng phí về nguồn lực đất đai. Một số dự án thiếu khả năng tài chính đảm bảo đầu tư, nhận diện dự án chưa sát với tình hình thực tế (tiềm năng về tài nguyên, lợi thế so sánh và con người…) nên ảnh hưởng đến tiến độ. Một số dự án gặp khó khăn đã ngừng hoạt động. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết: “Quan điểm của huyện là đối với các doanh nghiệp đã được cho thuê đất nhiều năm nhưng chưa hoàn thành xây dựng các hạng mục như dự án đã được phê duyệt hoặc chưa đưa đất vào sử dụng thì sẽ đôn đốc thực hiện các nội dung. Trường hợp nào không thực hiện nghiêm thì sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi phần diện tích đã cho thuê chưa thực hiện dự án để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác có cơ hội thuê đất triển khai các dự án mới”.

Tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường cuối tháng 6/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng yêu cầu đơn vị phối hợp với các sở, ngành chức năng rà soát các dự án ngừng hoạt động, chậm tiến độ dự án theo quyết định chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh cấp để đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đầu tư. Đồng thời rà soát các dự án chậm đưa đất vào sử dụng để có phương án xử lý theo quy định của Luật Đất đai.

Bài 2: Giải “bài toán” về đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật

Thanh Trúc