Hải Lăng chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới
(QT) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 50 làng có sản xuất ngành nghề tập trung, với khoảng 3.218 hộ, 6.834 lao động tham gia. Doanh thu hàng năm của các làng có nghề trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 47-50 tỷ đồng, bình quân thu nhập đạt khoảng 8-9 triệu đồng/người/năm. Trong đó huyện Hải Lăng có 18 làng nghề, chiếm 36%. Tuy nhiên các cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Hải Lăng nói riêng có quy mô còn nhỏ, sản xuất mang tính thời vụ; các chủ cơ sở sản xuất có trình độ chuyên môn - kỹ thuật còn thấp, thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin thị trường, tỷ lệ qua đào tạo còn thấp, chủ yếu theo kinh nghiệm; hầu hết các cơ sở ngành nghề đều thiếu vốn sản xuất kinh doanh, sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh về chủng loại sản phẩm còn yếu, thị trường tiêu thụ chưa vươn ra xa, chủ yếu tiêu thụ nội bộ.
.jpg) |
Hội thảo đánh giá mô hình làng nghề truyền thống, làng nghề, nghề truyền thống huyện Hải Lăng |
Thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ và Thông tư 116/2006/ TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/ NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, ngày 27/11/2012, UBND tỉnh có Quyết định số 2311/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án củng cố, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 với mục tiêu: Tỷ trọng kinh tế làng nghề, ngành nghề nông thôn đạt 25-30% vào năm 2015 và đạt 40- 45% vào năm 2020 trong kinh tế nông thôn; tổng giá trị sản xuất làng nghề, ngành nghề TTCN đạt 300-350 tỷ đồng vào năm 2015 và đạt 450-500 tỷ đồng vào năm 2020; nâng thu nhập bình quân cho lao động ngành nghề nông thôn đạt 20-25 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 và đạt 30-35 triệu đồng/ người/năm vào năm 2020; tạo việc làm mới cho lao động nông thôn từ 10-15 ngàn người, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50% vào năm 2020, nâng cao tỷ lệ ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, cơ sở sản xuất. Đề án củng cố, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 là cơ sở để các địa phương trên địa bàn tỉnh đánh giá lại thực trạng các làng nghề để có các chủ trương, bước đi phù hợp nhằm củng cố, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề TTCN gắn với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn, khai thác các tiềm năng sẵn có nhằm ổn định và phát triển các làng nghề, ngành nghề TTCN theo cơ chế thị trường, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa của từng địa phương... Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có huyện Hải Lăng xây dựng được đề án khôi phục phát triển nghề truyền thống, làng nghề và nghề truyền thống giai đoạn 2011-2015. Sau 3 năm thực hiện đề án, UBND huyện Hải Lăng đã tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, đề ra nhiều chủ trương, chính sách gắn với các biện pháp và giải pháp tích cực để cùng với UBND các xã, thị trấn và bà con nông dân các làng nghề đồng lòng, đồng sức xây dựng các mô hình làng nghề ngày càng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã được UBND tỉnh công nhận 10 làng nghề, trong đó huyện Hải Lăng có tới 9 làng nghề đã được công nhận. Hiện nay, 9 làng nghề của huyện Hải Lăng vẫn phát triển ổn định, giá trị sản phẩm các làng nghề ngày càng tăng, đời sống của hộ nông dân ở các làng nghề ngày càng cải thiện đáng kể. Ngoài sản phẩm chính của làng nghề, các hộ gia đình còn tận dụng các sản phẩm phụ để phát triển chăn nuôi, trồng trọt góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, sau khi UBND huyện tổ chức phát động phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được các làng nghề hưởng ứng tích cực bằng việc đóng góp công sức, hiến đất, hiến cây... mở mang các trục đường giao thông thôn xóm đạt chuẩn quy định, chỉnh trang khu dân cư, nhà ở, tự chủ giữ gìn môi trường các làng nghề luôn xanh, sạch, đẹp... Ngày 19/6/2014, UBND huyện Hải Lăng tổ chức cuộc hội thảo đánh giá mô hình làng nghề truyền thống, làng nghề, nghề truyền thống đến năm 2013, kế hoạch phát triển giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020. Đây là dịp để các xã có làng nghề đánh giá lại quá trình hình thành và phát triển, rút ra những tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ trong giai đoạn tới. Tại hội thảo, các sở, ban ngành cấp tỉnh tham gia đóng góp ý kiến thuộc lĩnh vực chuyên môn của từng ngành nhằm giúp UBND huyện, các ngành chuyên môn cấp huyện hoàn chỉnh các giải pháp, chủ trương để khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề trong thời gian tới mang lại hiệu quả cao. Các nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống ngoài việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc còn góp phần tạo thêm việc làm, tạo ra thêm của cải vật chất, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động nông thôn, gia tăng sản phẩm hàng hóa, đóng góp vào nguồn thu nội địa, tạo ra sự cân bằng giữa thành thị và nông thôn trong quá trình đô thị hóa. Đặc biệt trong tiến trình xây dựng nông thôn mới thời kỳ CNH, HĐH thì việc duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề nói chung và các nghề truyền thống và làng nghề truyền thống nói riêng có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề thực hiện có hiệu quả một số tiêu chí cơ bản trong xây dựng NTM tại mỗi địa phương. Do vậy việc củng cố và phát triển làng nghề là một yêu cầu cấp thiết nhưng không được nóng vội và chủ quan. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải tuân thủ theo quy hoạch và có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm. Bằng sự nỗ lực của chính bản thân mỗi làng nghề, với sự trợ giúp của chính quyền địa phương và có vai trò tư vấn, định hướng hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn là điều kiện để huyện Hải Lăng thực hiện thành công kế hoạch củng cố, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và nghề truyền thống giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020. Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC DƯỠNG