Hết lòng vì cuộc sống cộng đồng
(QT) - Nhiều năm nay, người dân xã Vĩnh Ô (Vĩnh Linh, Quảng Trị) quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, không quản ngại khó khăn, vất vả, trèo đèo, lội suối trong thời tiết khắc nghiệt để đến từng bản làng khám chữa bệnh, phát thuốc, hướng dẫn bà con chăm sóc sức khỏe. Người phụ nữ ấy chính là chị Hồ Thị Hồng, cán bộ hội phụ nữ xã kiêm cán bộ y tế thôn bản và cộng tác viên dân số của xã Vĩnh Ô.
.jpg) |
Chị Hồng cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bà con |
Chị Hồng cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở miền núi rừng Vĩnh Ô, chứng kiến cảnh nhiều gia đình vì thiếu hiểu biết, trình độ dân trí thấp nên sinh nhiều con dẫn đến cuộc sống gia đình khó khăn, đói nghèo bủa vây, trẻ em suy dinh dưỡng, không được đến trường... Đặc biệt là các tập tục lạc hậu vẫn còn hằn sâu trong suy nghĩ, hành động của người dân, như đau ốm thì mời thầy mo về cúng bái, làm thiệt hại rất lớn về kinh tế nhưng không chữa lành bệnh, có trường hợp dẫn đến những cái chết thương tâm. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, chị Hồng mong muốn một ngày không xa sẽ đem sức lực, trí tuệ và tấm lòng của một người con Vân Kiều cống hiến cho người dân quê hương. Năm 2004, chị được tín nhiệm bầu làm cán bộ phụ nữ kiêm cán bộ y tế thôn bản xã Vĩnh Ô. Từ đó chị luôn tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và hết mình vì sức khỏe cộng đồng. Chị Hồng cho biết: “Bản tôi ở xa trung tâm xã, đường đi cũng khó, chỉ đi bộ, lội suối. Nhưng có cuộc họp, hay tập huấn chuyên môn, có đoàn cán bộ y tế của tỉnh đến cấp thuốc, tôi cũng cố gắng đi đầy đủ để nhận các loại thuốc và trau dồi thêm kiến thức về tuyên truyền cho bà con. Từ đó, những người được chữa khỏi bệnh khuyên bảo người thân, láng giếng về hiệu quả của khám, chữa bệnh, biết cách phòng, chống và bài trừ các hủ tục”. Trong quá trình công tác, chị Hồng tham mưu cho chính quyền địa phương về các biện pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với thực tế ở mỗi thôn bản để kịp thời triển khai các phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh. Chị cho biết, chị rất vui khi thấy nhiều người dân biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân, đặc biệt là việc thay đổi từ nhận thức đến hành động, khi đau ốm không cúng bái mà đến gặp cán bộ y tế thôn bản, hay đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh. Hơn 10 năm qua, dấu chân của chị in đậm trên các bản làng ở Vĩnh Ô. Mỗi nơi chị đặt chân đến đều nhận được những tình cảm tốt đẹp từ người dân địa phương. Chị Hồ Thị Bé ở bản 5 (Vĩnh Ô) kể: “Trước đây, mỗi lần trong nhà có người ốm đau, gia đình tôi thường tổ chức cúng bái, tốn nhiều trâu, bò, heo, mà bệnh tật không thuyên giảm. Gia đình tôi có được sức khỏe như hôm nay là nhờ chị Hồng. Mới đây, chồng tôi bị ốm không thể ra trạm y tế khám bệnh được, không ngại đường sá xa xôi, chị Hồng đến tận nhà cho thuốc uống. Giờ chồng tôi đã khỏe trở lại, lên nương làm việc bình thường. Dân bản tôi biết ơn chị Hồng nhiều lắm”. Năm 2009, chị Hồng được chính quyền địa phương tín nhiệm, phân công làm cộng tác viên dân số của xã. Với mong muốn giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tốt chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) để phát triển kinh tế, nuôi dạy con cho tốt, chị đã tham mưu cho chính quyền địa phương kết hợp với các tổ chức, đoàn thể, gặp gỡ già làng, trưởng bản, tranh thủ uy tín của họ để vận động, giảng giải cho bà con hiểu và thực hiện tốt chính sách dân số. Chị Hồng chia sẻ, công tác tuyên truyền, vận động ở xã miền núi như Vĩnh Ô gặp rất nhiều khó khăn. Để bà con nhận thức được về KHHGĐ, chị đã phải nhiều lần đi bộ nửa ngày đường, qua bao nhiêu lần suối, vượt nhiều đèo mới đến từng thôn, bản trong xã. Có những bản ở xa hàng chục cây số, người cán bộ ấy vẫn kiên trì đến từng nhà, ra tận nương rẫy để tuyên truyền, vận động bằng những bài thơ, câu vè, hay có khi chỉ là câu chuyện vui về “đẻ ít, đẻ nhiều” để giúp bà con dễ hiểu và tiếp thu. Thấu hiểu tâm tư, tình cảm, cũng như các phong tục tập quán của người dân địa phương, chị Hồng đã áp dụng phương pháp “ban ngày lên rẫy, buổi tối đến nhà” để thuyết phục. “Mưa dầm, thấm đất”, nhiều cặp vợ chồng đã đồng ý thực hiện các biện pháp tránh thai và đình sản. Tất nhiên, chị cũng lấy mình ra làm gương, bởi chị cũng là người thực hiện tốt chính sách dân số. Hiện cả hai con chị đều chăm ngoan, đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Nhiều người nghe những lời nói thấu tình, đạt lý và thấy tấm gương chị nên đã làm theo, thực hiện tốt chính sách dân số. Với những cống hiến hết mình để mang đến nhiều điều tốt đẹp cho người dân, trong thời gian qua, chị được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng. Chị Hồng tâm sự: “Những thành tích đạt được trong những năm qua được các cấp tuyên dương, khen thưởng là động lực để tôi tiếp tục vượt lên khó khăn, thách thức, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe, DS-KHHGĐ để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương”. Bài, ảnh: THỤC OANH