* Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh NGUYỄN ĐĂNG QUANG
Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù có nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh trong khu vực, thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song hoạt động của HĐND tỉnh khóa VII đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực trên mọi lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, bám sát các quy định của pháp luật, cùng với phương châm: Đổi mới - dân chủ - trách nhiệm - vì dân - hiệu quả, HĐND tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, thể hiện vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh tổ chức 20 kỳ họp, trong đó có 10 kỳ họp thường kỳ, 10 kỳ họp để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp thường kỳ, đã ban hành 289 nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, về cơ chế, chính sách và quy định chế độ tại địa phương. Việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh bảo đảm tính công khai, minh bạch và được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đúng thẩm quyền quyết định của HĐND do Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan quy định. Các nghị quyết HĐND sau khi được thông qua, ban hành đã được UBND tỉnh nhanh chóng triển khai đến các cấp, các ngành và Nhân dân. Thường trực HĐND, UBND tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với quyết tâm cao; UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp giám sát đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Thực hiện đầy đủ các hình thức giám sát như xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, Viện KSND, TAND; xem xét các tờ trình, báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND và các tổ chức khác trình kỳ họp; giám sát chất vấn, trả lời chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu; giám sát bằng hình thức chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND… Điểm nổi bật trong hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp đã thể hiện tinh thần dân chủ nghị trường, công khai, cởi mở, thẳng thắn và thiết thực, nhiều tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện tốt quyền chất vấn đối với UBND, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh về trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đại diện trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao. Thông qua chất vấn, cử tri thấy được hoạt động của đại biểu; hoạt động của cơ quan dân cử; những vấn đề bức xúc, hạn chế, khuyết điểm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; thông qua chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh thể hiện việc giám sát trực tiếp đối với các cơ quan, cá nhân bị chất vấn một cách minh bạch trước Nhân dân.
![]() |
Kỳ họp thứ 20- HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 - Ảnh: Trần Tuyền |
Điểm nổi bật trong hoạt động giám sát thẩm tra là tính phản biện trên cơ sở xem xét sự phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn của địa phương. Đặc biệt qua hoạt động giám sát, đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định của pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết giám sát, theo đó dành số vốn từ nguồn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 do tỉnh quản lý để trả hết nợ đọng vốn XDCB từ 31/12/2014 trở về trước, làm lành mạnh tình hình tài chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và nợ công; dành nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cấp tốc 100 phòng học thay thế phòng học tạm, phòng học mượn kéo dài từ ngày đầu tái lập tỉnh đến nay; chuyển đổi 15.000 ha đất rừng phòng hộ ít xung yếu qua trồng rừng sản xuất và dành 15 - 20% diện tích đất của các công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng tương đương 4.000 ha giao lại cho các địa phương để bố trí bảo đảm đất sản xuất cho Nhân dân…
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII đã ban hành 289 nghị quyết, trong đó có 37 nghị quyết liên quan đến kiện toàn nhân sự các chức danh do HĐND bầu, miễn nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm; 17 nghị quyết quy định chế độ, định mức chi theo quy định của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; 31 nghị quyết quy định cơ chế, chính sách địa phương... Phân theo lĩnh vực kinh tế, ngân sách có 179 nghị quyết, lĩnh vực pháp chế 85 nghị quyết, lĩnh vực văn hóa, dân tộc 25 nghị quyết. |
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận, tổng hợp 748 kiến nghị của cử tri; tiếp công dân 226 người/204 lượt/116 vụ việc; tiếp nhận 579 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tổ đại biểu HĐND là các chủ thể chủ yếu, giữ vai trò chính trong tiếp xúc cử tri. UBND các cấp và một số ban, ngành địa phương, cơ sở phối hợp tiếp xúc cử tri để tiếp thu, giải trình những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cấp mình, ngành mình xử lý.
Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc gắn chặt mối quan hệ giữa Nhân dân với cơ quan nhà nước nói chung và với HĐND, đại biểu HĐND nói riêng; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, thể hiện rõ vai trò của HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương. Đặc biệt trong năm 2020, với ảnh hưởng của COVID-19 và lũ lịch sử, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh và thiên tai, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế dương và giữ vững ổn định xã hội.
Nhìn chung, hoạt động HĐND tỉnh ngày càng dân chủ, thực chất, chất lượng và hiệu quả. Có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động, cả trong tư duy và thực tiễn hành động. Những kết quả này thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, rõ nét nhất là trong quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của tỉnh như: Quyết định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, QPAN; kế hoạch đầu tư công trung hạn; dự toán ngân sách trung hạn và hằng năm; chấp thuận chủ trương thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng để thực hiện các dự án; quyết định cơ chế, chính sách địa phương... góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của tỉnh.
Hoạt động kỳ họp trong nhiệm kỳ đã có nhiều cải tiến đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, tâm huyết, sâu sát, quyết liệt đã ghi dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và Nhân dân. Công tác tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân và đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Tổ chức bộ máy được củng cố, kiện toàn ổn định, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thực tiễn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động HĐND tỉnh vẫn còn một số hạn chế như bị động trong bố trí chương trình kỳ họp, nhất là xem xét chủ trương đầu tư một số dự án quy mô lớn; chấp thuận danh mục các dự án sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng sang mục đích thu hút đầu tư. Một số chính sách địa phương hỗ trợ kéo dài qua nhiều kỳ kế hoạch và ít có chính sách để khuyến khích phát triển. Hoạt động giám sát thiếu tính thường xuyên và chưa bao quát hết các lĩnh vực; một số kết luận kiến nghị giám sát chưa được khắc phục hiệu quả; hậu giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Một số kiến nghị của cử tri kéo dài qua nhiều kỳ họp chưa được giám sát để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm giải trình và lộ trình giải quyết. Nhiều vấn đề bức xúc mà cử tri phản ánh cần giải quyết gấp, nhưng tổ chức thực hiện còn chậm, nhất là trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư công và thu hút đầu tư.
Với vai trò, trọng trách mà Nhân dân giao phó, mỗi đại biểu HĐND phải không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, nắm bắt thực tiễn; phát huy trí tuệ, dân chủ trong việc thảo luận, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; gần dân, sát dân; tâm huyết, trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề chính đáng mà cử tri, Nhân dân quan tâm, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, xứng đáng với niềm tin của cử tri và Nhân dân trong tỉnh. |
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ mới cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng quyết định và giám sát của HĐND; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh.
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, cũng là năm tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021 và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Vì vậy, cần rà soát và thực hiện tốt nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016 - 2021 của HĐND tỉnh. Tích cực, chủ động tham gia chuẩn bị và tổ chức tốt cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.
Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh về chính sách tài chính, ngân sách, chính sách thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giám sát đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, đặc biệt là giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn để kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, yếu kém trong quản lý, điều hành, giúp cơ quan Nhà nước điều chỉnh hoạt động theo hướng tích cực, hiệu quả.
Trong công tác thông tin, dân nguyện cần tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng mở rộng thành phần, đa dạng đối tượng, thực hiện tiếp xúc theo chuyên đề và tổ chức tiếp xúc đến tận khu dân cư nhằm tạo điều kiện để đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan được tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cử tri, Nhân dân, góp phần giải quyết tốt hơn những vấn đề bức xúc của Nhân dân nảy sinh từ thực tiễn.
Tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND tỉnh để tham mưu, phục vụ hiệu quả hoạt động của HĐND, các cơ quan của HĐND và đại biểu HĐND. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí, trang thiết bị phục vụ hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND.