(QT) - Vụ hè thu năm nay toàn tỉnh Quảng Trị dự kiến xuống giống khoảng 22.300 ha lúa. Đến nay, một số địa phương như Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị cơ bản hoàn thành việc gieo cấy. Tuy nhiên, do từ đầu vụ hè thu đến nay thời tiết không thuận lợi, nắng nóng gay gắt xen kẽ có mưa giông đã ảnh hưởng khá lớn tới sinh trưởng của cây lúa. Bên cạnh đó, ốc bươu vàng và chuột cũng đang phát sinh và gây hại khá mạnh.
![]() |
Nhiều diện tích lúa hè thu bị chuột phá hại |
Ông Trần Hùng, Giám đốc HTX An Nhơn, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng cho biết, vụ hè thu này toàn HTX gieo cấy được 90 ha lúa. Tuy nhiên từ đầu vụ tới nay nhiều thửa ruộng đã bị ốc bươu vàng và chuột phá hại phải gieo lại từ 2 - 3 lần. Ngoài ra còn có một số diện tích lúa bị chết rụi không rõ nguyên nhân phải gieo lại hoàn toàn. “Theo thống kê, đến thời điểm này toàn HTX đã có hơn 7 ha lúa hè thu bị hư hỏng nặng do nhiều nguyên nhân khác nhau”, ông Hùng cho hay.
Theo Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn, đến thời điểm này toàn huyện Hải Lăng đã cơ bản hoàn thành gieo cấy 6.500 ha lúa hè thu. Hiện nay các trà lúa sớm nông dân đang tiến hành tỉa dặm và bón phân thúc đẻ nhánh. Tuy nhiên qua điều tra đồng ruộng, hiện tại trên địa bàn huyện đã có gần 80 ha lúa bị ốc bươu vàng và chuột phá hại. Bên cạnh đó rải rác ở các địa phương còn có hiện tượng cây lúa bị chết sau khi xuống giống. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết nắng nóng làm xì phèn trong đất kết hợp với gốc rạ của vụ đông xuân trước chưa phân hủy hết làm cây lúa bị ngộ độc hữu cơ làm nghẹt rễ, chết rễ. Trước tình hình đó, Trạm TT&BVTV đã cử cán bộ kĩ thuật trực tiếp về tận đồng ruộng để hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt chuột, ốc bươu vàng như đào bắt thủ công, sử dụng thuốc diệt chuột sinh học, thuốc diệt ốc hóa học… đồng thời tiến hành tỉa dặm lại các diện tích bị phá hại, cũng như hướng dẫn các biện pháp chăm sóc lúa. Đối với các diện tích lúa bị ngộ độc hữu cơ nặng thì cần tiến hành bón các loại phân hữu cơ như Geno super để giải độc, hạ phèn kết hợp với bơm chế phẩm sinh học Tora để điều hòa sinh trưởng, tăng cường phát triển bộ rễ của cây lúa.
Theo dự báo của Chi cục TT&BVTV, vụ hè thu năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến phát triển của cây lúa, bên cạnh đó các đối tượng dịch hại như chuột và ốc bươu sẽ phát sinh gây hại trên diện rộng ngay đầu vụ, đặc biệt bệnh lùn sọc đen khả năng phát sinh và lây lan, nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho lúa vụ hè thu nếu không được phát hiện và có giải pháp phòng trừ kịp thời, triệt để.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Trần Minh Tuấn, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra trong vụ hè thu các địa phương cần tập trung phát động ra quân diệt chuột một cách đồng loạt, liên vùng, liên thôn, tiến hành thường xuyên, liên tục, tập trung diệt trừ ngay trước khi gieo sạ, thời kì lúa làm đòng; ưu tiên sử dụng biện pháp thủ công như đào bắt, đặt bẫy, bả, thuốc diệt chuột sinh học, chỉ sử dụng các loại thuốc diệt chuột hóa học có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam; tuyệt đối không được sử dụng biện pháp xung điện để diệt chuột. Đối với ốc bươu vàng cần tiến hành bắt ốc và thu gom ổ trứng đem tiêu hủy; chỉ sử dụng biện pháp hóa học ở những nơi mật độ ốc cao, ốc tuổi nhỏ, không thể bắt bằng tay. Đối với bệnh lùn sọc đen cần đảm bảo các kĩ thuật trong canh tác như bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm; nước tưới đảm bảo theo giai đoạn sinh trưởng; quản lí cỏ dại; phun bổ sung phân bón qua lá chuyên dùng vào các giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng,… để nâng cao sức đề kháng của cây lúa; thường xuyên thăm đồng để phát hiện rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen sớm; đặc biệt là giai đoạn 7 - 30 ngày đầu là thời kì mẫn cảm của cây lúa với bệnh lùn sọc đen; nếu phát hiện rầy lưng trắng mang nguồn virus lùn sọc đen cần phun thuốc diệt trừ rầy ngay để diệt nguồn rầy mang virus và hạn chế lây lan truyền bệnh; khi bệnh lùn sọc đen phát sinh gây hại cần tiến hành tiêu hủy ngay, trước khi tiêu hủy phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng để tránh phát tán nguồn bệnh sang ruộng khác. Đồng thời tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại khác để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Ông Tuấn cũng lưu ý, để cây lúa phát triển tốt, nông dân cần tiến hành tỉa dặm và bón thúc sớm, tăng cường sử dụng các loại phân bón qua lá chuyên dùng với từng giai đoạn phát triển của lúa nhằm kích thích lúa đẻ nhánh sớm và tập trung. Sử dụng nước phù hợp tùy theo mức độ phát triển chiều cao cây lúa nhằm đảm bảo tiết kiệm nước. “Với thời tiết tiếp tục nắng nóng xen kẽ có mưa giống như hiện nay thì dự báo chuột, ốc bươu vàng và các loại sâu bệnh hại khác sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại. Do vậy, nông dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên kiểm tra sinh trưởng của cây lúa cũng như sâu bệnh hại để có biện pháp xử lí kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thục Quyên