Quản lí thực phẩm theo chuỗi mang lại hiệu quả nhiều mặt
(QT) - Quản lí thực phẩm theo chuỗi là mô hình quản lí và kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) mới được triển khai ở Việt Nam trong những năm gần đây. Ở Quảng Trị cũng đã bắt đầu tiếp cận và mang lại hiệu quả tích cực, có nhiều lợi ích cho cả người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng (NTD) và người quản lí an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Quản lí thực phẩm theo chuỗi mang lại hiệu quả nhiều mặt

(QT) - Quản lí thực phẩm theo chuỗi là mô hình quản lí và kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) mới được triển khai ở Việt Nam trong những năm gần đây. Ở Quảng Trị cũng đã bắt đầu tiếp cận và mang lại hiệu quả tích cực, có nhiều lợi ích cho cả người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng (NTD) và người quản lí an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Siêu thị Co.op mart Đông Hà tham gia cung ứng 4 chuỗi thực phẩm an toàn của Quảng Trị​

Năm 2017, tỉnh Quảng Trị bắt đầu thực hiện cách tiếp cận quản lí ATTP theo chuỗi vào quá trình sản xuất với 11 chuỗi trên rau, thịt, thủy sản. Hiện nay một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất trên địa bàn tổ chức chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (TPAT) như: Siêu thị Co.op mart Đông Hà 4 chuỗi; nước mắm 2 chuỗi (Huỳnh Kế và Khai Hà); 1 chuỗi rau cải của HTX Thành Công tại chợ Hồ Xá; cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong 4 chuỗi.

Các sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT được đơn vị chức năng kiểm soát mối nguy cơ ATTP từ điều kiện đảm bảo an toàn đối với cơ sở sản xuất, chế biến cho đến cơ sở kinh doanh. Theo định kì hằng tháng hoặc ngẫu nhiên, Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh lấy mẫu tại cơ sở kinh doanh để giám sát về các tiêu chí ATTP. Do đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi phải tuân thủ đầy đủ các quy định về ATTP. Điều này cũng góp phần hạn chế tình trạng đưa sản phẩm chưa đạt tiêu chí về ATTP vào kinh doanh trong chuỗi. Nhờ đó, sản phẩm trong chuỗi dù giá cao hơn sản phẩm cùng loại ngoài thị trường nhưng vẫn được NTD ưu tiên lựa chọn. Giá các sản phẩm tham gia chuỗi khá ổn định cũng là yếu tố giúp các cơ sở sản xuất hoạch toán được lỗ lãi để chủ động sản xuất.

Phó Giám đốc Siêu thị Co.op mart Đông Hà Hồ Thị Thanh Duyên cho biết: “Hiện nhiều loại nông sản sản xuất trên địa bàn đã được đưa vào tiêu thụ ở Siêu thị Co.op mart Đông Hà, một số được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị của Co.op mart cả nước, trong đó có 4 chuỗi sản phẩm được tiêu thụ ổn định như rau sạch Đông Thanh, thịt gia súc của cơ sở Trần Thị Phúc, trứng gia cầm Phúc Thảo, nước mắm Thuyền Nan. Tất cả các sản phẩm chuỗi bán tại siêu thị đều phải đảm bảo đầy đủ các quy định về vệ sinh ATTP, hồ sơ chất lượng sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm… Vì vậy, sản phẩm chuỗi bán tại siêu thị được NTD lựa chọn”.

Thực tế đã khẳng định việc quản lí thực phẩm theo chuỗi đưa lại độ ATTP cao. Tuy nhiên, việc xác nhận chuỗi thực phẩm trên địa bàn từ trước đến nay đều do cơ sở kinh doanh tự nguyện thực hiện với một số thủ tục được Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh hướng dẫn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT nên các cơ sở phải chịu toàn bộ chi phí xây dựng chuỗi từ kiểm nghiệm ATTP trước khi xác nhận chuỗi đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất an toàn, chi phí nhãn mác, bao bì… Do đó, phần lớn các cơ sở kinh doanh chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng chuỗi cung ứng TPAT. Còn về mặt giá cả, so với sản phẩm thông thường thì giá sản phẩm tham gia chuỗi có cao hơn nhưng tính về hiệu quả kinh tế từ sản xuất đến tiêu thụ thì vẫn còn thấp do sản xuất TPAT năng suất thấp nhưng chi phí cao nên người sản xuất chưa mặn mà lắm khi tham gia chuỗi ATTP.

Một đặc điểm nữa cũng đang phổ biến trong các chuỗi ATTP ở tỉnh là một số cơ sở sản xuất muốn tiết kiệm chi phí nên không phải lúc nào cũng có nhãn mác cho sản phẩm, hoặc chưa gắn nhãn mác cho sản phẩm, dẫn đến làm cho NTD không phân biệt rõ ràng đâu là sản phẩm chuỗi, đâu là sản phẩm thông thường, vì thế chưa tạo được niềm tin cho NTD. Một số chuỗi chưa có địa điểm kinh doanh ổn định, hoặc địa điểm kinh doanh chưa thuận tiện nên người mua khó tìm đến…

Từ kết quả ban đầu của mô hình quản lí thực phẩm theo chuỗi, để thúc đẩy nhiều sản phẩm tham gia chuỗi ATTP, đáp ứng nhu cầu của NTD, Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh xây dựng đề án “Xây dựng thí điểm mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” giai đoạn 2020- 2021 và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, chi cục sẽ tiến hành xây dựng thí điểm 5 mô hình chuỗi cung ứng TPAT trên địa bàn tỉnh gồm: Chuỗi cung cấp rau, thịt lợn, thịt gà, nước mắm an toàn, thủy sản khai thác an toàn. Dự án thực hiện trong 2 năm 2020 và 2021, từ đó rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng cho những năm về sau. Chi cục có nhiệm vụ khảo sát, đánh giá điều kiện và năng lực của cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, kinh doanh thực phẩm và lựa chọn cơ sở tham gia chuỗi, ưu tiên lựa chọn cơ sở đã được chứng nhận an toàn thực phẩm VietGAP hoặc đảm bảo điều kiện ATTP theo quy định. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kĩ năng thực hiện quy trình kĩ thuật đảm bảo chất lượng ATTP cho tổ chức cá nhân tham gia chuỗi.

Chi cục cũng hướng dẫn đối tượng tham gia chuỗi cách kiểm soát ATTP tại công đoạn sản xuất trong chuỗi trên cơ sở đánh giá nguy cơ về ATTP; hỗ trợ người tham gia chuỗi phương thức cải tạo, nâng cấp, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP theo quy định; tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, phương thức liên kết với các thành phần trong chuỗi để duy trì tính liên tục, tính đa dạng trong việc cung cấp sản phẩm của chuỗi; kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm chuỗi tại các cơ sở kinh doanh, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm phát hiện, yêu cầu khắc phục và xử lí kịp thời các sản phẩm không đảm bảo ATTP theo quy định.

Tổ chức đánh giá phân tích về ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản để đưa ra các biện pháp kiểm soát phù hợp, đảm bảo ATTP tại cơ sở tham gia chuỗi. Đánh giá thẩm định điều kiện đảm bảo ATTP của một số tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi chưa được chứng nhận ATTP như cơ sở giết mổ, sơ chế và kinh doanh. Cấp xác nhận chuỗi cung ứng TPAT cho các chuỗi đạt yêu cầu. Sau khi cấp xác nhận chuỗi, chi cục thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ điều kiện đảm bảo ATTP ở các cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh tham gia chuỗi. Lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu ATTP định kì hằng tháng.

Sản phẩm trong chuỗi được phân phối, lưu thông theo hình thức ưu tiên cung cấp cho các điểm bán sản phẩm chuỗi (mỗi chuỗi có ít nhất 2 quầy hàng). Ngoài ra, có thể cung cấp thêm cho các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Chi cục cũng hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, logo chuỗi, hỗ trợ triển khai ứng dụng mã hình QR trên một số sản phẩm để NTD nhận diện được sản phẩm kiểm soát ATTP theo chuỗi; hỗ trợ quảng bá, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại các sản phẩm đã được kiểm soát ATTP theo chuỗi.

Đồng thời triển khai các hoạt động tuyên truyền về các chuỗi ATTP như phát tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn từ mô hình chuỗi; tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm, kết nối các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng ATTP đối với NTD, các đơn vị tiêu thụ để giúp các bên kí kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện mô hình, đúc rút kinh nghiệm sau thời gian triển khai xây dựng, vận hành, kiểm soát chuỗi. Đề xuất kế hoạch hoạt động triển khai nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng TPAT trong những năm tiếp theo. Đề xuất chính sách hỗ trợ cơ sở tham gia chuỗi cung cấp TPAT khi nhân rộng. Dự án được đầu tư 1,8 tỉ đồng để hỗ trợ cho việc xây dựng chuỗi như: Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, trang thiết bị, tập huấn, tuyên truyền…

Nói về tính khả thi của dự án, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm, thủy sản Quảng Trị Lê Thị Ngọc Diệp cho biết: “Việc xây dựng thí điểm các chuỗi ATTP là hướng phát triển tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Bởi việc quản lí ATTP từ đồng ruộng cho tới bàn ăn ngày càng được thực hiện chặt chẽ hơn. NTD cũng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm. Trước đây, người sản xuất, kinh doanh trên địa cũng đã tự phát triển chuỗi nên dự án triển khai sẽ tạo điều kiện để người sản xuất, kinh doanh sản phẩm tham gia chuỗi thực hiện một cách bài bản hơn và được khuyến khích để nhiều người sản xuất tham gia chuỗi hơn, từ đó tạo thành phong trào sản xuất, cung ứng TPAT”.

Võ Thái Hòa