Quảng Trị trong những ngày mùa thu năm 1945
(QT) - Đầu năm 1945, chủ nghĩa phát xít đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Ngày 30/4/1945, ở châu Âu, phát xít Đức bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt. Ngày 14/8/1945, Nhật đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, thời cơ ngàn năm có một cho toàn Đảng, toàn dân ta Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã chín muồi. Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1 và chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, tại Tân Trào diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị nhận định: “Quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, hàng ngũ chỉ huy Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa giành chính quyền độc lập”. Tiếp đến, trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Toàn quốc sôi sục khí thế đấu tranh, quần chúng nhân dân đã sẵn sàng nổi dậy chớp thời cơ, không khí Tổng khởi nghĩa bao trùm khắp cả nước.
 |
Phố mới Đông Hà - Ảnh: THÀNH DŨNG |
Tại Quảng Trị, ngày 18/8/1945, Hội nghị Đảng bộ tỉnh được triệu tập tại làng Phước Lễ nhằm thống nhất lực lượng cách mạng trong tỉnh và bàn việc khởi nghĩa. Hội nghị khẳng định quyết tâm cao của Đảng bộ trong việc phát động quần chúng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền; khẳng định, trong bất cứ tình huống nào cũng quyết không được do dự, sẵn sàng chớp thời cơ, tấn công kẻ địch để giành chiến thắng. Hội nghị đã bầu các đồng chí Trần Hữu Dực, Đặng Thí, Hoàng Thị Ái, Lê Vụ và Nguyễn Hữu Khiếu vào Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh. Đến chiều ngày 22/8/1945, tất cả mọi công việc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ được hoàn thành một cách khẩn trương, chu đáo. Ngay trong chiều 22/8, Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Tối 22/8/1945, các đơn vị vũ trang làm nhiệm vụ chiếm thị xã tỉnh lỵ đã áp sát thị xã, sẵn sàng chờ lệnh. Khoảng 19 giờ tối, ba đội tự vệ vũ trang dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Hồng Chương đã tiến vào thị xã Quảng Trị. Đoàn quân vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu: “Đánh đổ chính quyền bù nhìn Bảo Đại - Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh”, “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”. Đông đảo quần chúng nhân dân gia nhập vào đoàn người biểu tình, khí thế hùng dũng, mạnh mẽ, như một dòng thác cách mạng sẵn sàng cuốn trôi bè lũ cướp nước và bán nước. Vào 1 giờ sáng ngày 23/8, các đơn vị chiến đấu của ta được lệnh đột nhập nội thị, chiếm lĩnh các vị trí đã được phân công từ trước. Sau hơn 3 giờ, toàn bộ lực lượng tham gia khởi nghĩa vào hết trong nội thị, các đơn vị được lệnh chuyển sang biểu tình thị uy. Kẻ thù tê liệt, một bộ phận phản ứng yếu ớt. Đúng 5 giờ ngày 23/8, đồng chí Trần Hữu Dực hạ cờ “quẻ ly”, treo cờ đỏ sao vàng 5 cánh của Việt Minh lên tầng trên dinh tỉnh trưởng. 9 giờ ngày 23/8, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trước toà công sứ Pháp (Lúc này là trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị), đồng chí Trần Hữu Dực tuyên bố xoá bỏ chính quyền bù nhìn, trịnh trọng tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị trước sự hân hoan, phấn khích tột độ của đông đảo quần chúng nhân dân. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị. Ở Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, Đông Hà, Cam Lộ, Hướng Hoá, Đảng bộ và nhân dân các huyện đã chủ động lãnh đạo quần chúng nhân dân giành chính quyền. Đến ngày 25/8/1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh kết thúc thắng lợi. Sau 15 năm kiên trì, bền bỉ đấu tranh, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị nhanh chóng giành thắng lợi. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị là thắng lợi của việc quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng trên quê hương Quảng Trị; là thắng lợi của mối quan hệ trên dưới một lòng giữa Đảng với dân, sự đoàn kết nhất trí và quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ. Là thắng lợi của nghệ thuật đấu tranh tài tình, sáng tạo của Đảng bộ Quảng Trị trong việc chớp thời cơ, tận dụng tinh thần hoảng loạn của kẻ thù để giành chính quyền nhanh chóng và ít đổ máu. Là thắng lợi của lòng dũng cảm, kiên cường, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng của đội ngũ cán bộ kiên trung, suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do của dân tộc. Chỉ trong 4 ngày (từ 22- 25/8/1945), Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã góp phần làm nên một mùa Thu tháng Tám lịch sử, với tinh thần và khí thế đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt chưa từng thấy. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Quảng Trị là một mốc son chói lọi, góp phần tô thắm truyền thống đánh giặc giữ nước của quê hương; bước ngoặt quan trọng tạo đà cho những thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị trong suốt các cuộc trường chinh cứu nước vĩ đại của dân tộc, là tài sản tinh thần vô giá cho các thế hệ Quảng Trị hôm nay và mai sau. NGUYỄN NGỌC TUẤN