Cơ giới hóa, bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp ở Hải Lăng
(QT) - Trở lại vựa lúa Hải Lăng (Quảng Trị) vào giữa ngày gặt rộ mới thấy không khí bận rộn xen lẫn niềm hân hoan được mùa của những người nông dân vùng lúa. Những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy gặt rải hàng đua nhau hoạt động hết công suất đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, chuẩn bị bắt đầu cho một vụ mới. Ông Nguyễn Giáp, Trưởng Phòng NN- PTNT huyện Hải Lăng cho biết: “Là một huyện nông nghiệp, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, vấn đề cơ giới hóa được huyện đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, tạo cơ hội để phát triển các mô hình kinh tế”. Thế mới biết, con trâu bây giờ không còn là “đầu cơ nghiệp” của người nông dân nữa, thay vào đó là máy móc cơ giới hiện đại, phù hợp với một nền sản xuất nông nghiệp mới. Sau khi dồn điền đổi thửa, nông dân Hải Lăng đầu tư mua sắm máy sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều hơn. Anh Nguyễn Hiếu, một nông dân góp chuyện: “Làm gần 3 mẫu ruộng, 2 năm trước chưa có máy gặt đập liên hợp, tôi phải mất gần 10 ngày mới thu hoạch xong. Bây giờ với máy gặt hiện đại, chỉ mất hơn nửa ngày có thể thu hoạch xong 3 mẫu ruộng, khâu vận chuyển lúa hạt đã có xe cơ giới thay thế cho sức người. Có phương tiện cơ giới vừa tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất và giảm sức lao động cho nông dân”.
 |
Đưa cơ giới vào thu hoạch mùa ở Hải Lăng. |
Vụ đông xuân 2009-2010, huyện Hải Lăng gieo cấy trên diện tích 6.616 ha, chủ yếu là các giống ngắn ngày chất lượng cao như HT1, HC 95, Khang Dân… Với hơn 130 máy gặt các loại, tiến độ thu hoạch vụ đông xuân trên toàn huyện được tiến hành nhanh gọn, lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó nên đảm bảo năng suất và chất lượng gạo. Không chỉ phục vụ gặt trong phạm vi huyện Hải Lăng, một số chủ máy còn hợp đồng dịch vụ với một số xã của các huyện khác như Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh… để tăng thu nhập. Ông Trần Thanh Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thọ nhẩm tính, để gặt xong 1 sào lúa, trung bình mất 2 công lao động/ ngày, chưa kể chi phí cho khâu tuốt hạt, vận chuyển; trong khi sử dụng máy gặt cơ giới chỉ cần mất 1-1,5 giờ để gặt 1 mẫu lúa với chi phí 100 ngàn đồng/sào. Như vậy, sử dụng máy cơ giới sẽ đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, giảm chi phí trên 60 ngàn đồng/sào. Ngoài khâu thu hoạch, công đoạn làm đất, gieo sạ cũng được người nông dân Hải Lăng thực hiện cơ giới hóa đồng bộ. Trên cánh đồng lúa xã Hải Tân, sau hơn 1 tuần bước vào vụ, trên 2/3 diện tích lúa của xã đã thu hoạch xong, bà con đang sử dụng máy cắt dọn gốc rạ để đưa máy cày xuống làm đất. Trò chuyện với chúng tôi, một nông dân vui vẻ: “Làm ruộng thời nay nông dân chúng tôi sướng hơn ngày trước rất nhiều, toàn bộ công đoạn sản xuất đều có sự hỗ trợ của máy móc cơ giới: làm đất, gieo sạ, gặt… Bởi vậy, đã có rất nhiều nông dân làm giàu từ nghề trồng lúa”. Xác định vai trò quan trọng của cơ giới hóa trong sản xuất là bước khởi đầu quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bên cạnh việc quy hoạch, dồn điền đổi thửa, khắc phục lối sản xuất manh mún trước đây, công tác làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa các đê kè được đẩy mạnh ở các địa phương, tạo tiền đề để áp dụng cơ giới hóa. Một mặt, huyện tăng cường khuyến khích người dân phát triển cơ giới hóa ở tất cả các khâu sản xuất, mặt khác tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với các chính sách kích cầu của Chính phủ trong việc hỗ trợ đầu tư, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các khâu gieo cấy truyền thống trước đây cũng dần được thay thế bằng công nghệ sạ hàng, mạ ném, góp phần giảm lượng giống, cây lúa phát triển đồng đều, ít sâu bệnh, cho năng suất cao hơn nhiều so với sạ lan, được người dân áp dụng và nhân rộng. Năm 2009, tổng diện tích ứng dụng công nghệ sạ hàng, mạ ném toàn huyện là 4.806 ha, tăng 998,4 ha so với năm trước. Nhờ vậy, diện tích lúa chất lượng cao tăng lên 5.418 ha (2009), đạt 120,4% kế hoạch; giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đạt 24,6 triệu đồng/ha. Theo thống kê sơ bộ, đến vụ đông xuân 2009-2010, ngoài 130 máy gặt các loại, huyện Hải Lăng còn có gần 2.000 công cụ sạ hàng, trên 1.000 máy cày các loại và hàng trăm máy bơm điện, bơm dầu… Nhiều hộ nông dân còn đầu tư 2-3 loại máy: máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, xe cơ giới vừa phục vụ ruộng nhà, vừa tranh thủ làm dịch vụ tại ở các nơi khác để tăng thu nhập. Hiện nay nông dân Hải Lăng đang xuống giống vụ hè thu, đảm bảo tiến độ mùa vụ, giảm chi phí sản xuất một phần được quyết định bởi việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào các công đoạn sản xuất nông nghiệp. Là một vựa lúa lớn của tỉnh song Hải Lăng cũng là một vùng thấp trũng, những diễn biến phức tạp của thời tiết thường xuyên tác động mạnh đến năng suất và chất lượng sản phẩm ở vùng này. Việc đưa cơ giới hóa vào các công đoạn trong sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy các khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch... đảm bảo tiến độ thời vụ, giảm từ 70-80% công lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Bài, ảnh: LỆ NHƯ