Sức sống trên cao nguyên đá (Kỳ cuối)
>>> Sức sống trên cao nguyên đá (Kỳ 1) (QT) - Thiêng liêng núi Rồng Lũng Cú Mãi đến buổi chiều, chúng tôi mới đến được xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, điểm cực Bắc của Tổ quốc. Như quên hết mệt nhọc của một hành trình dài, chúng tôi xuống xe đã leo tiếp 389 bậc thang đá, sau đó leo thêm 140 bậc thang bằng sắt hình xoắn ốc trong lòng cột cờ nữa để lên đến đỉnh Cột cờ Lũng Cú. Như có một luồng điện chạy dọc sống lưng, vậy là chúng tôi đang ở trên đỉnh cao của cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Nhìn ra phía Bắc là biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhìn về phía Tây, phía Đông, phía Nam là mảnh đất thân thương rộng dài bất tận của đất nước mình. Qua những tháng năm lịch sử thăng trầm, đã có biết bao xương máu của chiến sĩ và đồng bào của chúng ta đổ xuống cho Cột cờ quốc gia Lũng Cú luôn có lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên bầu trời cao rộng. Cảm nhận đầu tôi khi lên Cột cờ Lũng Cú là gió, cơ man là gió. Gió hào phóng hơn nơi nào hết bởi nơi đây có độ cao 1.460 mét so với mực nước biển. Theo bước chân người đi, gió lồng từ dưới lên, từ hai bên cửa thông gió cột cờ tuôn vào. Tôi ngước lên, bầu trời một màu xanh ngăn ngắt. Trên đỉnh cột cờ, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh với diện tích 54 mét vuông phần phật bay trong gió. Lần đầu được lên đỉnh Lũng Cú, tôi cứ đứng mãi trên nóc cột cờ để cảm nhận những tình cảm sâu kín của mình về một đất nước Việt Nam dài, rộng và thiêng liêng, mảnh đất mà trải qua hàng ngàn năm lịch sử vẫn mang sức sống mãnh liệt, hiên ngang bất chấp những thế lực ngoại bang hết nước này đến nước khác dòm ngó, xâm lăng. Sức sống mãnh liệt đó vững chải như những ngọn núi đá trên Cao nguyên Đồng Văn, như cây đước cắm sâu vào lòng đất ở đất mũi Cà Mau. Cứ mỗi lần Tổ quốc bị ngoại xâm, lòng yêu nước thương nòi lại bùng cháy, người Việt Nam muôn người như một nhất tề đứng lên, lớp trước ngã xuống, lớp sau tiến lên, quyết tâm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của ông cha để mưu cầu cuộc sống hạnh phúc trường tồn cho thế hệ mai sau.
 |
Đường lên Cột cờ Lũng Cú - Ảnh: C.M |
Cô gái người Dao Thèn Thị Hoa - Thuyết minh viên Khu di tích xúng xính trong trang phục sắc màu rực rỡ giọng nhỏ nhẹ nhưng rất rõ ràng: “Các anh chị đang đứng trên điểm cao cột cờ Lũng Cú - Hà Giang. Đây là đỉnh điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam...”. Tôi hiểu lời em bởi người ta mô phỏng hình dạng đường biên giới Việt Nam- Trung Quốc như hình chóp nón thì Lũng Cú là điểm cao, còn phía hai bên là hai địa danh A Pa Chải, Điện Biên ở phía Tây và Sa Vĩ, Móng Cái ở phía Đông. Lũng Cú là tên gọi theo tiếng Lô Lô, còn gọi là “Long Cư”, nghĩa là nơi rồng ở, còn được gọi là núi Rồng. Chuyện kể rằng, xưa kia có một con Rồng từ trên trời bay xuống và đậu trên ngọn núi cao nhất của khu vực này. Rồng say sưa ngắm cảnh núi non hùng vĩ và rất hài lòng về điểm ngụ cư. Song có điều làm Rồng động lòng trắc ẩn, đó là nơi đây rất thiếu nước sinh hoạt. Tương truyền trước khi về trời, Rồng đã để lại đôi mắt cho dân làng, giờ là nguồn nước cho cuộc sống sinh sôi nảy nở. Bây giờ đứng từ đỉnh cột cờ nhìn xuống thấy có hai hồ nước gọi là hồ Lô Lô nằm gần như đối xứng nhau, đó chính là đôi mắt Rồng, nguồn nước tắm mát cánh đồng bạt ngàn màu xanh của cây hoa cải, ngô, lúa của người dân xã Lũng Cú. Kế tiếp là những khoảnh ruộng bậc thang chạy hình vòng cung theo triền núi tạo nên một khung cảnh nên thơ của vùng Tây Bắc, xa xa là những mái nhà rêu phong thật bình yên của người Mông, người Lô Lô...Có phải sức hấp dẫn của mảnh đất thiêng này không mà anh Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam lần nào lên Hà Giang cũng dành thời gian lên thăm Cột cờ Lũng Cú. Chuyến đi này là chuyến đi thứ ba rồi mà tôi thấy anh vẫn háo hức, mong chờ. Có lẽ anh có cảm nhận riêng về tình yêu đất nước và đang sống trong hồi ức của một nhà báo từng một thời mặc áo lính dọc ngang đất nước thời chiến tranh cũng như thời bình. Mảnh đất này chắc đã lắng đọng trong anh nhiều điều mà tôi tin rằng một ngày nào đó anh sẽ viết ra trên trang viết của mình. Hôm trước khi lên đây, tôi có tìm tài liệu về Cột cờ Lũng Cú. Theo như sử liệu được ghi lại thì Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt. Ban đầu cột cờ được làm bằng cây sa mộc và theo thời gian được trùng tu, xây dựng với quy mô và kích thước tăng dần. Thiết kế cột cờ mới hiện nay được xây dựng với chiều cao 33,15 m (hơn cột cờ cũ 10 m) trong đó phần chân cột cao 20,25 m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8 m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu Cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9 m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9 m, chiều rộng 6 m và tổng diện tích rộng 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Việc trùng tu, nâng cấp cột cờ Lũng Cú nhằm khẳng định vị thế của đất nước, chủ quyền của Tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc của đồng bào, chiến sĩ nơi đây. Năm 2009, Cột cờ Lũng Cú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và Danh thắng quốc gia. Nằm ở chân núi Rồng là Đồn biên phòng Lũng Cú. Đồn có nhiệm vụ chính bảo vệ 25,5 km đường biên giới Lũng Cú giáp Trung Quốc. Theo một truyền thuyết của người địa phương, ở thời Tây Sơn, sau khi Hoàng đế Quang Trung đại thắng quân xâm lược phương Bắc, ông đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn tại Lũng Cú, và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa đến bên kia biên giới cũng nghe được. Những hồi trống đĩnh đạc khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc chúng ta. Phải thế chăng mà ngày nay khi xây dựng cột cờ, chính quyền đã cho đặt phù điêu trống đồng Đông Sơn dưới chân cột cờ. Hiện tại Đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên cột cờ Lũng Cú này và hầu như cứ khoảng một tuần hoặc lâu nhất là mười ngày lại phải thay mới cờ, bởi sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ nhanh hư hỏng. Theo cán bộ của trạm, lúc nào trong trạm cũng có hàng chục lá cờ lớn cỡ 54 mét vuông để dự phòng. Mới đây, đoàn đại biểu các dân tộc anh em đi thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở quần đảo Trường Sa, các đại biểu tỉnh Hà Giang đã tặng Huyện đảo Trường Sa lá cờ 54 mét vuông từng được treo trên cột cờ Lũng Cú, như một ân tình để kết nối chủ quyền thiêng liêng biển đảo với đất liền của Tổ quốc. Thiêng liêng đất Rồng Lũng Cú, đó là điều mà ai cũng cảm nhận được khi đặt chân đến đây. Lũng Cú còn được biết đến là điểm cực Bắc với nhiều cảnh quan hùng vĩ, chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc khác về khảo cổ, lịch sử cũng như những giá trị truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc Mông, Lô Lô...Những hoá thạch Tay cuộn ở Ma Lé và hoá thạch Bọ Ba Thuỳ mà chúng ta có thể nhìn thấy, chạm tay vào được đặt nằm về phía tay trái trên nửa chặng đường leo lên Cột cờ Lũng Cú. Theo như các nhà khoa học cho biết, những hoá thạnh này có niên đại khoảng 400 - 500 triệu năm và đã được tìm thấy trên cao nguyên đá Đồng Văn. Lời kết Còn nhớ hôm đoàn chúng tôi ghé thăm Huyện uỷ Mèo Vạc, được các anh lãnh đạo huyện mời bữa cơm thân mật với nhiều món ăn đặc biệt. Ngồi cùng bàn có Thanh Ngọc, cán bộ tổ chức của huyện, em vừa gắp thức ăn vừa giới thiệu cho chúng tôi cách ăn món mèn mén được đồ từ ngô, loại lương thực chính của người Mông và các món lòng lợn hầm, măng đắng...Khi chia tay, Thanh Ngọc nói nếu nán lại vài hôm các anh chị sẽ được dự phiên chợ tình Khau Vai diễn ra vào đêm 26 rạng sáng 27 tháng 3 âm lịch hàng năm. Chợ là nơi gặp gỡ của những đôi trai gái yêu nhau nhưng không nên vợ nên chồng, hàng năm đến ngày họp chợ họ lại đến đây để gặp lại người bạn cũ. Hoặc nếu có dịp lên đây vào khoảng tháng 10, tháng 11 sẽ bắt gặp bạt ngàn hoa Tam giác mạch trên những ngọn núi đá rất đẹp; hoa có màu trắng hồng, chụm lại thành hình chóp nón, có mặt tam giác, ở giữa hoa có một hạt quý, là cây thuốc thuộc họ ngũ cốc, hạt dùng để làm bánh, thân lá có thể nấu làm thuốc. Thế đấy, nơi cao nguyên này, đá vẫn nở hoa và cuộc sống vẫn mãi sinh sôi. Bây giờ khi đã rời xa Hà Giang rồi, chúng tôi lại thầm hẹn ước có ngày trở lại Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi đầy ắp những giá trị di sản tự nhiên và di sản văn hoá của nhân loại đang được gìn giữ và bảo tồn, để có dịp hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi địa đầu của đất nước mến yêu. Đông Hà, tháng 5/2014. MINH TỨ