Triệu Phong chủ động phòng chống lụt bão
(QT) - Hàng năm, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong luôn chịu nhiều thiệt hại về tài sản, các công trình phúc lợi và đê điều, hồ đập chứa nước... do thiên tai bão lụt gây ra, phải mất rất nhiều thời gian và kinh phí mới có thể khôi phục được. Do đó, từ đầu mùa mưa năm 2013, huyện Triệu Phong đã đề ra nhiều giải pháp, phương án nhằm chủ động phòng tránh lụt bão và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Là một xã vùng thấp trũng của huyện, nằm vào nơi hạ lưu con sông Thạch Hãn, do vậy hàng năm vào mùa mưa lũ, xã Triệu Độ thường bị ngập sâu trong nước và chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai. Đặc biệt thiệt hại nặng nhất là tài sản, cây trồng, vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi. Rút kinh nghiệm những năm trước, bước vào đầu mùa mưa lũ năm 2013, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) xã Triệu Độ đã nhanh chóng kiện toàn và xây dựng nhiều phương án, giải pháp hữu hiệu nhằm đối phó và phòng tránh những thiệt hại do bão lũ gây ra. Trong đó, phương án mang tính cấp thiết và hữu ích nhất là tổ chức cuộc diễn tập PCLB và phòng ngừa thảm họa thiên tai. Qua buổi diễn tập này đã giúp cho cán bộ và nhân dân có thêm nhiều kỹ năng quan trọng nhằm chủ động di dời người và tài sản đến nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, qua buổi diễn tập tạo điều kiện để đội cứu hộ cứu nạn của xã thuần thục nhiều thao tác cơ bản trong việc ứng phó với mưa bão cũng như các tình huống bất ngờ xảy ra.
 |
Tập huấn cứu nạn khi có lụt bão xảy ra ở xã Triệu Độ |
Ông Trần Máy ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ cho biết: “ Những năm trước, khi có lụt bão thì người dân ai cũng lo lắng, đêm ngủ không yên. Bước vào mùa mưa lũ năm nay, người dân được tập huấn về cách thức và các giải pháp chủ động trong di dời của cải và chằng chống nhà cửa. Đặc biệt, khi có lũ lớn thì dân cũng biết cách phòng tránh tai nạn, tự bảo vệ mình trước khi các đội cứu hộ đến... Nhờ vậy ai cũng cảm thấy tự tin hơn...”. Không chỉ xã Triệu Độ, ở huyện Triệu Phong còn có nhiều xã nằm ở vùng nguy hiểm vì chịu sự tác động lớn của dòng xoáy nước lũ và có nguy cơ bị sạt lở đất cao như các xã Triệu Giang, Triệu Phước, Triệu Long, Triệu Ái... Do vậy, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do lũ lụt gây ra, lãnh đạo và Ban chỉ huy PCLB các xã này đã đề ra nhiều giải pháp thích hợp, mang tính chủ động cao... Ông Bùi Duy Lượng, Chủ tịch UBND xã Triệu Giang cho biết: “ Xã chúng tôi hàng năm thường bị thiệt hại do lũ lụt gây ra. Đặc biệt năm nay còn có các công trình đang xây dựng trên địa bàn chưa hoàn tất, do đó chúng tôi xác định một số địa bàn ở vùng mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A, các cầu chưa hoàn thành trên địa bàn xã là những nơi trọng yếu để có phương án vận động dân di tản sớm và có biện pháp ứng cứu kịp thời khi có sự cố. Chúng tôi thường xuyên cập nhật các thông báo về tình hình lũ lụt của cấp trên; tổ chức cho toàn xã bổ sung phương án PCLB, chú trọng những vùng nguy cơ ngập cao và ngập sâu. Năm nay chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện phân loại hộ, hộ thứ nhất có nguy cơ về bão, hộ thứ hai có nguy cơ về lũ và hộ thứ ba có nguy cơ cao về cả lũ và bão để có phương án chủ động di dời người và của cải khi có lụt bão đến...”. Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2013 thời tiết diễn biến rất bất thường. Ở miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng sẽ có nhiều cơn bão và mưa lớn. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu tháng 7, lãnh đạo huyện Triệu Phong đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra thực địa các công trình, hồ đập, kè ngăn sóng và các điểm xung yếu về nguy cơ bị lũ bão tàn phá. Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống. Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, huyện huy động sự vào cuộc của tất cả các lực lượng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong ứng phó với bão lụt; thành lập đội xung kích gồm 30 người được trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết để sẵn sàng ứng cứu. Đặc biệt, đối với các công trình trọng điểm của huyện như công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, hồ chứa nước Triệu Thượng 1 và Triệu Thượng 2, các đê, kè, đập, huyện đã đưa ra phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối. Đồng thời, chủ động di dời và bảo vệ an toàn tính mạng của người dân ở những xã trọng điểm của lũ và vận động nhân dân tập trung phòng chống thiên tai tại gia đình trước khi có đội cứu hộ đến cứu. Đối với các vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở dọc sông Thạch Hãn như Triệu Thành, Triệu Giang, Triệu Long, Triệu Thượng, ven sông Vĩnh Định, một số xã vùng thấp trũng, ven biển như Triệu Lăng, Triệu An, Triệu Vân... ngoài việc nhắc nhở người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, cần dự trữ lương thực, thuốc men cần thiết để phòng khi có bão, lũ xảy ra, bởi các vùng này thường bị cô lập do giao thông bị chia cắt, liên lạc bị ách tắc. Mỗi xã, thị trấn chuẩn bị kế hoạch điều động 1- 2 thuyền máy, thuyền chèo, trang bị và thuê mướn một số thuyền con, có đủ phao cứu sinh, loa cầm tay, tổ chức lực lượng xung kích mỗi xã, thị trấn 20 người, mỗi thôn, tiểu khu 10 người có đủ sức khỏe và bơi lội tốt để kịp thời ứng cứu, đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân. Ngoài ra, từ huyện đến cơ sở có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm như gạo, mì ăn liền, xăng, dầu... có thể sử dụng trong 10 ngày để ứng cứu khi thiên tai xảy ra, không để người dân bị đói. Khi có bão, lũ xảy ra, với tinh thần chỉ đạo chung của huyện là Ban chỉ huy PCLB các cấp phải thường xuyên ứng trực 24/24 giờ nhằm theo dõi diễn biến của bão, lũ để kịp thời nắm bắt tình hình và có phương án xử lý, tập trung bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, bảo vệ an toàn công trình đê kè, đập thủy lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB huyện kịp thời phối hợp với các địa phương để triển khai nhiệm vụ; tổ chức lực lượng tuần trực ở các đê, kè, đập hồ trọng yếu trên địa bàn, tập kết sẵn sàng phương tiện và điều kiện cần thiết để bảo đảm di dời dân các vùng thấp trũng lên vùng cao; có phương án huy động lực lượng cứu hộ, tổ chức cứu trợ kịp thời cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng nặng. Ông Hồ Viết Hy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB & TKCN huyện Triệu Phong cho biết: “Để chủ động phòng chống thiên tai bão lụt, giảm thiệt hại về người và tài sản, vừa qua, UBND huyện, Ban Chỉ đạo PCBL huyện quán triệt cho các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án chủ động phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai bằng các phương án cụ thể cho địa phương mình, ngành mình, nhằm làm tốt công tác phòng chống... Những giải pháp mà chúng tôi coi trọng nhất là thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, từ đó các cấp, các ngành triển khai xây dựng phương án phù hợp điều kiện từng địa phương, đơn vị. Đối với những vùng ven sông, ven biển, đông dân cư thì đề cao trách nhiệm xây dựng phương án sơ tán dân để bảo vệ tính mạng của nhân dân. Đối với các công trình của nhân dân, của nhà nước chủ trương đẩy nhanh tiến độ thi công… Các cơ quan, ban ngành, địa phương, các xã, thị trấn phải giữ vững thông tin liên lạc trong mùa bão lụt, tổ chức tốt các đội cứu hộ, cứu nạn để chủ động khi có sự cố thiên tai xảy ra. Chúng tôi cũng chỉ đạo và yêu cầu các cấp, các ngành ngay từ bây giờ thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để triển khai ngay các phương án, chủ động đối phó khi có lụt bão xảy ra”. Bài, ảnh: HỒNG LĨNH- THIÊN AN