Thiêng liêng tiếng vọng hòa bình
QTO - Tròn 50 năm Hiệp định Paris được ký kết. Mỹ chính thức rút quân, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Từ đây, tiếng vọng của hòa bình đã vượt qua ranh giới vĩ tuyến 17 ở sông Bến Hải lan dần về phía Nam để hơn 2 năm sau đó đất nước Việt Nam được chính thức thống nhất. Người dân hai huyện Gio Linh và Cam Lộ là những người đầu tiên cảm nhận rõ nhất sự thiêng liêng của hai tiếng hòa bình khi đây là những địa phương đầu tiên được giải phóng ở bờ Nam giới tuyến sau nhiều năm đằng đẵng chia cắt.

Thiêng liêng tiếng vọng hòa bình

Tròn 50 năm Hiệp định Paris được ký kết. Mỹ chính thức rút quân, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Từ đây, tiếng vọng của hòa bình đã vượt qua ranh giới vĩ tuyến 17 ở sông Bến Hải lan dần về phía Nam để hơn 2 năm sau đó đất nước Việt Nam được chính thức thống nhất. Người dân hai huyện Gio Linh và Cam Lộ là những người đầu tiên cảm nhận rõ nhất sự thiêng liêng của hai tiếng hòa bình khi đây là những địa phương đầu tiên được giải phóng ở bờ Nam giới tuyến sau nhiều năm đằng đẵng chia cắt.

Im tiếng bom, rộn tiếng nói cười

Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973. Bốn bên tham gia ký kết hiệp định gồm Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Sau nhiều vòng đàm phán, các bên tham gia đã thống nhất việc Mỹ rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của người dân miền Nam Việt Nam.

Thiêng liêng tiếng vọng hòa bình

Ông Dương Tú Anh bên các bức ảnh lịch sử về những ngày đầu giải phóng được trưng bày tại Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Ảnh: T.P

Ông Dương Tú Anh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ thời điểm ấy vẫn chưa quên những hồi ức đầy cảm xúc ở thời khắc mà ranh giới giữa đạn bom và hòa bình chỉ tính bằng giờ đó. Theo ông Tú Anh, kể từ giữa năm 1972, quân giải phóng đã có mặt tại Gio Linh, Cam Lộ và đẩy nhiều đơn vị quân của Việt Nam Cộng hòa vào bờ Nam sông Thạch Hãn. Tuy nhiên, từ vị trí này mỗi ngày vẫn có nhiều đợt pháo kích đến các khu vực được quân giải phóng kiểm soát nên bộ đội giải phóng đã chọn phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bà Hoàng Thị Thị (sinh năm 1954), trú ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, là một trong những người được “ưu tiên” đến vùng an toàn sớm nhất. Bà được bộ đội đưa ra tạm trú tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Vĩnh Linh thời điểm đó ở Bắc giới tuyến, là nơi an toàn nên được chọn là địa điểm tạm trú cho hàng ngàn người dân từ vùng giải phóng bờ Nam giới tuyến cùng với huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

6 tháng rời quê, bà nhận tin từ quê nhà về việc Hiệp định Paris đã được ký kết. Bà và một số người cùng quê quyết định về lại quê nhà. Sau 2 ngày đi bộ, bà tìm về nhà mình ở vùng Cùa. Bộ đội giải phóng vẫn ở đó nhưng hơi thở cuộc sống đã trở lại khi tiếng bom đạn thưa dần. “Những người sống qua những năm chiến tranh chết chóc, mất mát mới thấu rõ giá trị của những ngày bình yên không có tiếng bom đạn”, bà Thị nói.

Nhà bà Thị có bốn anh em. Thời điểm trước khi bà rời quê thì cha cùng hai anh trai đã hy sinh khi tham gia bộ đội chống Mỹ. Chỉ còn bà cùng mẹ và em gái ở nhà. Ngày trở lại Cùa sau Hiệp định Paris, bà Thị cảm nhận được từng li từng tí hơi thở của cuộc sống trong hòa bình. Bà được tạo điều kiện đi học y tá ở gần nhà. Kết thúc khóa học, bà Thị làm y tá ở thôn. Cùng thời điểm, trường học đã được mở trở lại. Em gái bà được đến trường học chữ. Mẹ bà cùng nhiều nông dân trong vùng lại được ra đồng làm ruộng trở lại dưới sự quản lý của hợp tác xã.

Cuộc “trở về” xúc động bên bờ Thạch Hãn

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, một sự kiện xúc động đã diễn ra bên bờ sông Thạch Hãn. Vị trí này được xem là ranh giới mới của chính quyền hai miền Nam, Bắc. Những tù nhân chính trị của chính quyền miền Bắc xã hội chủ nghĩa bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc được đưa về đây để trao trả. Những người này được đưa đi mà không hề biết về hiệp định đã ký kết. Khi đưa xuống bến thuyền ở bờ Nam sông Thạch Hãn, thấy bên kia sông cờ đỏ sao vàng tung bay, nhiều người bỗng dưng trào nước mắt. Bao nhiêu năm bị giam cầm, nay những người này được trở về với đồng bào, đồng chí. Khi ca nô chở những người này qua bờ Bắc, nhiều người không kìm được cảm xúc, còn nhảy xuống sông tự bơi vào bờ.

Thời điểm sau khi Hiệp định Paris được ký kết cũng là lúc chợ Cùa - phiên chợ duy nhất của cả vùng hoạt động trở lại sau thời gian dài phải ngừng vì bom đạn. Bà Thị cùng nhiều người làng chờ đợi phiên chợ này lắm. Đến ngày họp, người dân các làng đổ ra chợ. Người mang trứng, người mang rau củ ra mua bán. Cũng có người ra chợ chỉ để tận hưởng không khí nhộn nhịp của cuộc sống đời thường. Chỉ là một phiên chợ thôi nhưng với người dân Cùa thời điểm ấy là cả một niềm vui sướng tột cùng.

“Cũng trên mảnh đất ấy mới mấy tháng trước ngập tràn đau thương chết chóc vì đạn bom nên người dân ở đây càng thấy những ngày bình yên này quý giá hơn bao giờ hết”, bà Thị chia sẻ.

Ông Tú Anh là người hạnh phúc nhất khi cuộc sống bình yên dần trở lại ở Cam Lộ. Ông nói không chỉ chợ vùng Cùa mà cả chợ Phiên Cam Lộ, một phiên chợ có lịch sử hơn 500 năm nằm ven sông Hiếu cũng đã tấp nập trở lại sau Hiệp định Paris.

“Nhiều chuyến đò chở hàng hóa từ vùng Đông Gio Linh và thị xã Đông Hà đã ngược sông Hiếu lên chợ phiên. Đặc biệt, chợ này còn có một số người từ huyện Sê Pôn, Lào mang hàng hóa về mua bán. Chợ hoạt động trở lại là chỉ dấu của cuộc sống hòa bình. Chỉ khi có hòa bình người ta mới được tụ tập cùng nhau ở một nơi như thế trong sinh hoạt cộng đồng”, ông Tú Anh nói.

Buổi mít tinh để đời

Ông Dương Tú Anh năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Mấy bữa nay, ông cứ thấy trong lòng phấn chấn vì đến dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, cũng là 50 năm kể từ ngày Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại Cam Lộ. Câu chuyện về những ngày đầu giải phóng tại Cam Lộ được ông kể chậm rãi nhưng chi tiết, cặn kẽ như một thước phim chiếu chậm. Sự kiện được ông nhắc đến nhiều nhất là chuyến thăm của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại thị trấn Cam Lộ. Từ ngày nghỉ hưu, ông vẫn thường trở về đây để xem lại những bức ảnh về chuyến thăm lịch sử này.

Tấm ảnh được ông dừng lại xem lâu nhất là tấm ảnh chụp Chủ tịch Cu ba Fidel đứng diễn thuyết trước hàng trăm người dân và cán bộ, chiến sĩ ngay tại một bãi đất trống cách cao điểm 241 (căn cứ Caroll), thuộc xã Cam Thành vài cây số.

Thiêng liêng tiếng vọng hòa bình

Sống qua thời chiến tranh, bà Hoàng Thị Thị là người hiểu rõ nhất giá trị của những ngày tháng bình yên - Ảnh: T.P

“Đó là một buổi mít tinh lịch sử. Không chỉ vì có sự tham gia của Chủ tịch Cuba Fidel Castro mà còn vì đây là buổi mít tinh đầu tiên sau rất nhiều năm bom đạn chiến tranh”, ông Tú Anh nói. Là người lãnh đạo cao nhất tại địa phương, ông Tú Anh được giao nhiệm vụ chọn nơi tổ chức mít tinh vừa đảm bảo đủ rộng để tập hợp được nhiều người, vừa kín đáo để an toàn cho cả Chủ tịch Fidel Castro và hàng trăm người tham gia. Địa điểm tổ chức buổi mít tinh cũng được giữ kín cho đến nửa đêm trước ngày Chủ tịch Cu ba Fidel Castro đến. Vị trí được chọn là một bãi đất rộng có một ngọn đồi chắn ở phía Nam cách cao điểm 241 vài cây số để tránh nguy cơ bị pháo kích từ phía bờ Nam sông Thạch Hãn.

Điều khiến ông Tú Anh không khỏi xúc động là vào buổi sáng 16/9/1973 lịch sử đó, những người mẹ, người chị sau nhiều năm lấm lem bùn đất trong hầm tránh bom nay đã được khoác lên mình bộ áo dài thướt tha đi bộ từ khắp các ngã đường từ Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ ngược theo Quốc lộ 9 lên địa điểm được chọn tại xã Cam Thành để tham gia buổi mít tinh. Sự có mặt của Chủ tịch Cu ba Fidel Castro ngay sau đó càng khiến buổi lễ thêm phần đặc biệt.

Trong kế hoạch, Chủ tịch Fidel Castro thời điểm đó sẽ đến thăm hai địa điểm gồm Hải Phòng và Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ. Tuy nhiên, trên đường đến Việt Nam, Chủ tịch Fidel Castro hay tin ông Salvador Allende -Tổng thống của Chile và là người bạn thân thiết của ông bị lực lượng đảo chính sát hại. Tin buồn đó khiến Chủ tịch Fidel Castro phải rút bớt thời gian chuyến thăm và chỉ đến Cam Lộ. Thông tin Chủ tịch Fidel Castro đến tham gia lễ mít tinh tại Cam Lộ được giữ bí mật cho đến khi ông gần đến đất Quảng Trị.

“Rất lâu rồi người dân mới được cùng tham dự một sự kiện chính trị đông người công khai như thế. Còn có cả lãnh tụ của nước Cuba đến dự. Những sự kiện này sẽ không bao giờ có trong thời chiến. Đó là giá trị của hòa bình”, ông Tú Anh xúc động khi nhớ lại.

Thiên Phong

Tin liên quan:
  • Thiêng liêng tiếng vọng hòa bình
    Nhân lên khát vọng hòa bình, đổi mới và phát triển

    Thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành động lực và sức mạnh to lớn để Nhân dân ta phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tiến hành cuộc trường chinh 30 năm chống các thế lực ngoại xâm hung bạo, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

  • Thiêng liêng tiếng vọng hòa bình
    Tạc tượng… hòa bình

    Không phải ngẫu nhiên khi trong năm 2022, Trung ương Đoàn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức 2 chương trình lớn cùng mang dáng dấp… hòa bình, trong đó có cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng “Ước nguyện hòa bình”. Bởi, nếu nhắc về chiến tranh trên đất nước này, không nơi nào khốc liệt như ở Quảng Trị. Vì thế mảnh đất, con người nơi đây trân quý hòa bình hơn ai hết.

Thiên Phong