(QT) - Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu mua sắm đồ chơi của trẻ lại tăng lên. Chơi đồ chơi là hình thức giải trí của trẻ, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ và tinh thần nên đồ chơi của trẻ phải thực sự an toàn. Tuy nhiên, phần lớn đồ chơi trẻ em bày bán tại các cửa hàng, các chợ trên địa bàn tỉnh đều được nhập khẩu không chính thức từ Trung Quốc vào Việt Nam, không được kiểm tra về chất lượng nên có nhiều món đồ chơi chứa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
![]() |
Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng tỉnh kiểm tra tình hình kinh doanh đồ chơi trẻ em tại chợ Đông Hà |
Nhằm đảm bảo cho trẻ được vui chơi với những món đồ chơi an toàn cho sức khỏe, hàng năm Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát chất lượng đồ chơi trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, đợt cao điểm là thời gian gần Tết Trung thu. Có một điều dễ nhận thấy là đối với hàng hóa đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước rất ít về chủng loại, số lượng và mẫu mã không bắt mắt, ít chức năng nên không thu hút được trẻ.
Trong khi đó, các loại đồ chơi được nhập lậu từ Trung Quốc thì khá phong phú, đa dạng, mẫu mã đẹp, có nhiều kiểu dáng và tính năng lôi cuốn, hấp dẫn trẻ nên được bày bán tràn lan trên thị trường. Phần lớn đồ chơi trẻ em được nhập lậu từ Trung Quốc không được kiểm tra chặt chẽ nên không ít loại không đạt chỉ tiêu cơ lý; có chứa thành phần kim loại, hóa chất độc hại như chì, crôm, chất màu…; nhiều loại đồ chơi mang tính bạo lực làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Chị Trần Thị Tĩnh ở khu phố Tây Trì, phường 1, thành phố Đông Hà do con gái thích bộ làm nail nên đã mua về cho con chơi với giá 35.000 đồng.
Chỉ sau 1 tuần bé gắn móng tay giả vào thì móng tay của bé nhiễm màu và sưng mép. Chị Tĩnh vội vàng đưa con đi khám thì bác sĩ cho biết móng tay của bé bị viêm nhiễm do tiếp xúc với hóa chất độc hại. Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa đối với nhóm hàng đồ chơi trẻ em; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước của ngành khoa học và công nghệ; tạo bước chuyển biến về nhận thức, ý thức và hành động của các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em, hàng năm, đoàn thanh tra liên ngành do Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng chủ trì phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra về chất lượng hàng hóa đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường của 9/10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Qua kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh đồ chơi trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy, các loại đồ chơi không đạt chuẩn chủ yếu là đồ chơi dùng pin, đồ chơi gắn kết có sử dụng hóa chất…Tuy chỉ là hàng hóa phục vụ đối tượng trẻ em nhưng những năm qua mặt hàng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường có diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng là hàng không ghi nhãn mác, không có dấu hợp quy tràn ngập thị trường. Kết quả năm 2016 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ngẫu nhiên phát hiện hàng trăm mẫu đồ chơi trẻ em bị nhiễm chất độc hại.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh tiêu hủy số hàng hóa này. Điều đáng nói là sau những đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành thì tình hình kinh doanh đồ chơi trẻ em vi phạm quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng vẫn cứ diễn ra như cũ mà nguyên nhân là do chưa có chế tài xử phạt đủ sức răn đe và việc kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên. Năm 2017, tình hình tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn trong kinh doanh đồ chơi trẻ em trên thị trường toàn tỉnh không mấy cải thiện. Tình trạng đồ chơi không được ghi nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu hợp quy vẫn bán tràn lan trên các cửa hàng đồ chơi trẻ em. Các cơ sở kinh doanh cũng không có giấy tờ chứng minh nguồn hàng cung cấp…
Phần lớn các phụ huynh khi mua đồ chơi cho con, em chỉ quan tâm đến mẫu mã, tính năng và sức cuốn hút của đồ chơi đối với trẻ mà ít quan tâm đến độ an toàn của đồ chơi thông qua việc đồ chơi đã qua kiểm định hay chưa? Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra sự dễ dãi đối với thị trường đồ chơi trẻ em khiến cho công tác quản lý chất lượng mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Cần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng tỉnh cho biết: “Năm 2017, Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện triển khai công tác kiểm tra thị trường kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong quá trình kiểm tra, ngoài việc chấn chỉnh lại tình hình kinh doanh hàng hóa không qua kiểm định, dán dấu hợp quy, đoàn kiểm tra còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về ghi nhãn hàng hóa, quy định về bắt buộc phải có dấu hợp quy CR, chứng nhận hợp quy đối với đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông trên thị trường nhằm nâng cao nhận thức cho người kinh doanh để họ hiểu rõ và chấp hành các quy định trong kinh doanh đồ chơi trẻ em”. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em đã hiểu được các quy định của nhà nước về hàng hóa đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông trên thị trường.
Trong thời gian tới, để quản lý tốt chất lượng đồ chơi trẻ em, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em tại các cơ sở kinh doanh nhằm hạn chế các sản phẩm kém chất lượng đưa vào thị trường. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người kinh doanh và người tiêu dùng hiểu rõ không mua, bán các loại đồ chơi chưa được kiểm định và gắn dấu hợp quy nhằm làm lành mạnh hóa thị trường hàng hóa đồ chơi trẻ em, giúp các em có được những món đồ chơi an toàn, bổ ích.
Trần Anh Minh