Nguy cơ ngộ độc do ăn cá nóc
(QT) - Các sản phẩm chế biến từ cá nóc được người dân ưa chuộng do thịt cá thơm, ngon nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc từ cá nóc rất cao. Mặc dù công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân về việc không nên ăn thịt cá nóc vẫn thường xuyên thực hiện nhưng thời gian qua, tại nhiều địa phương vẫn còn xảy ra những vụ ngộ độc cá nóc dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong. Nguyên nhân là do các nạn nhân chủ quan, thiếu hiểu biết và không tuân theo khuyến cáo của các ngành chức năng.

Nguy cơ ngộ độc do ăn cá nóc

(QT) - Các sản phẩm chế biến từ cá nóc được người dân ưa chuộng do thịt cá thơm, ngon nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc từ cá nóc rất cao. Mặc dù công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân về việc không nên ăn thịt cá nóc vẫn thường xuyên thực hiện nhưng thời gian qua, tại nhiều địa phương vẫn còn xảy ra những vụ ngộ độc cá nóc dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong. Nguyên nhân là do các nạn nhân chủ quan, thiếu hiểu biết và không tuân theo khuyến cáo của các ngành chức năng.

Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ truyền thông phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học

Em Nguyễn Võ Cao Kỳ, lớp 6B, Trường THCS Hải An (Hải Lăng) bị ngộ độc thực phầm được gia đình đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế Hải Lăng. Theo em cho biết chiều tối ngày 1/5/2018, bố em mua cá nóc về chế biến cho 4 người trong gia đình ăn, sau khoảng 30 phút 2 anh em Kỳ có các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, đi ngoài và được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế Hải Lăng cấp cứu. Theo chẩn đoán của bác sĩ, em bị ngộ độc cấp và được cấp cứu kịp thời nên sức khoẻ của hai anh em ổn định và xuất viện ngày hôm sau. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số xã vùng biển như Hải An, Hải Khê (Hải Lăng), Triệu An (Triệu Phong)..., người dân vẫn thường dùng cá nóc để chế biến thành các món ăn hằng ngày mặc dù đã được cảnh báo đây là loại cá chứa nhiều độc tố.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Lê Thị L., ở xã Hải Khê cho biết: “Tôi cũng có nghe những cảnh báo về nguy cơ ngộ độc khi ăn cá nóc nhưng tôi vẫn thường chế biến cá nóc trong bữa ăn hằng ngày. Là người gắn bó với biển lâu năm nên tôi có thể phân biệt được đâu là loại cá nóc có độc tố, đâu là loài cá nóc an toàn. Chính vì lý do đó, nhiều người dân quê tôi vẫn thường xuyên ăn cá nóc”. Lý do chị L. đưa ra cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ngộ độc do ăn cá nóc vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương.

Biển Việt Nam có 66 loài cá nóc thuộc 12 giống và 4 họ, phân bố dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô, đôi khi có cả ở cửa sông, nước lợ. Mùa xuất hiện cá nóc ở Việt Nam gần như quanh năm nhưng nhiều nhất từ tháng 5-6 và tháng 9-10. Cá nóc thường dễ nhận biết, thân ngắn từ 4-20cm, chắc, thường có nhiều màu sắc khác nhau, da cứng cáp, vảy ngắn. Đầu cá to, mắt lồi, bụng cá thường to tự phình lên như quả bóng. Tuy nhiên khi phơi khô cá nóc lẫn lộn với các loài cá khác cùng kích thước thì rất khó nhận biết. Độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin và tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc tetrodotoxin lên đến 60% nếu không cấp cứu kịp thời. Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản (từ tháng 2 đến tháng 7). Tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.000 lần so với Cyanua. Khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 giờ độc tố Tetrodotoxin mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi khi đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá huỷ hết. Khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá huỷ nên vẫn gây ngộ độc.

Con người đặc biệt dễ bị ngộ độc Tetrodotoxin hơn so với các động vật khác. Sau khi ăn phải cá nóc độc khoảng từ 5 - 30 phút, cũng có thể lâu hơn, người bị ngộ độc có cảm giác ngứa miệng, tê ở đầu lưỡi, rồi cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, đau đầu kèm theo đau thắt vùng ngực, khó thở. Tiếp theo các triệu chứng này là mặt ửng đỏ, bệnh nhân nói không thành tiếng, ra nhiều mồ hôi, tiết nước đái, đau bụng, toàn thân run giật, cứng lưỡi, liệt tứ chi… Trong trường hợp ngộ độc Tetrodotoxin nặng, bệnh nhân sẽ bị liệt toàn thân, da chuyển dần sang màu tím tái, huyết áp giảm xuống, khó thở, đồng tử giãn, độc tố chạy vào tim dẫn đến tử vong. Hiện tại, các nhà khoa học chưa tìm được thuốc đặc trị để giải độc tố cá nóc.

Trước mối nguy hiểm từ việc chế biến cá nóc làm thức ăn, thời gian qua, các ban, ngành liên quan đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về những tác hại do độc tố của cá nóc gây ra. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn chủ quan, thiếu hiểu biết và không tuân theo khuyến cáo của các ngành chức năng, đặc biệt là các ngư dân. Nhiều người thừa nhận có biết đến thông tin thịt cá nóc chứa độc tố, tuy nhiên họ vẫn cho rằng, những nạn nhân bị ngộ độc do ăn phải cá nóc có độc do không biết cách chế biến, nhiều người vẫn ăn bình thường. Ngoài ra, thỉnh thoảng còn xảy ra tình trạng cá nóc không chỉ ở dạng cá tươi mà được bày bán ở dạng cá khô, bị chặt đầu hoặc chế biến thành nước mắm khiến cho việc nhận dạng khó khăn. Việc đánh bắt và buôn bán cá nóc khi chưa hiểu rõ về loài cá này đã gây ra nhiều ca tử vong vì ngộ độc do ăn phải loài cá này.

Nhằm tăng cường nhận thức trong lựa chọn và chế biến thực phẩm, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Quảng Trị đã triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp đến với các em học sinh tại các vùng có nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các động, thực vật có độc tố nguy hiểm với sức khoẻ con người. Qua những buổi tuyên truyền được diễn ra sổi nổi, hiệu quả, trong đó có sự tương tác giữa bác sĩ và các em học sinh, giúp các em nhận biết, hăng hái tham gia phần hỏi đáp về an toàn thực phẩm. Qua đây, các thầy cô và các em học sinh đã lĩnh hội được những kiến thức cần thiết về an toàn thực phẩm để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Chính thầy cô, các em học sinh là những tuyên truyền viên hữu hiệu nhất tới gia đình, cộng đồng, thôn xóm. Em Nguyễn Võ Cao Kỳ cho biết thêm: “Qua buổi truyền thông về an toàn thực phẩm, chúng em đã biết và nhận thức được một số thực vật và động vật có độc tố gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Em sẽ làm một tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền về an toàn thực phẩm ở gia đình em cũng như người dân lối xóm về tác hại của các loại động, thực vật có độc tố nguy hiểm để mọi người tránh”.

Theo khuyến cáo của Bác sĩ Nguyễn Hương Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ Quảng Trị, người dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc như trên cần phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Phan Thanh Hải