Khai phóng nội lực để phát triển
( QT) - Cách đây vừa tròn 25 năm, ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Tên gọi Quảng Trị thân thương trìu mến buổi ban đầu ấy đã làm xúc động hàng vạn người dân từ Hạ Cờ, Chấp Lễ, Vĩnh Linh nơi cực Bắc đến những xóm làng bên dòng Ô Lâu ở phía Nam; từ Lao Bảo, Khe Sanh nơi miền Tây về những vùng quê chân sóng Cửa Tùng, Cửa Việt... Hai tiếng quê hương sâu nặng ân tình đã gắn kết thành sức mạnh của ý chí, lòng quyết tâm bền bỉ để những người dân nơi vùng đất “gió Lào cát trắng” cùng chung tay vượt qua khó khăn, thử thách, đưa Quảng Trị vững bước trên hành trình đổi mới. Ngày trở về dựng xây quê hương, đối diện với xuất phát điểm quá thấp về nhiều mặt, từ cơ sở vật chất đến hạ tầng kinh tế- xã hội; từ đời sống của người dân chưa được cải thiện đến những cách trở về địa lý giữa các vùng, miền, kéo theo nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn với tiến trình phát triển chung của đất nước; vậy nhưng tỉnh Quảng Trị đã sớm nhận ra những lợi thế nổi trội về vị trí địa- kinh tế, kiên trì khai phóng và phát huy nội lực để có bước phát triển toàn diện nền kinh tế- xã hội một cách hiệu quả và vững chắc cho đến hôm nay.
 |
Một góc khu đô thị mới Nam Đông Hà |
Một thuận lợi mà không phải địa phương nào cũng có được, đó là tỉnh Quảng Trị nằm trên giao điểm của trục kinh tế Bắc- Nam và Đông- Tây của đất nước; có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và cả đường không trong tương lai. Bên cạnh các con đường huyết mạch như Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt xuyên Việt, còn có hệ thống đường Hồ Chí Minh cả nhánh Đông và nhánh Tây, đường ven biển kết nối thuận lợi với các vùng kinh tế động lực của tỉnh. Quảng Trị còn là tỉnh nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) nối Lào- Thái Lan- Miamar qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển miền Trung Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho bổ sung quy hoạch Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị vào hệ thống khu kinh tế ven biển Việt Nam và Cảng Mỹ Thủy vào quy hoạch hệ thống cảng biển toàn quốc. Khi được đầu tư, đây sẽ là điểm nhấn quan trọng, là một lợi thế lớn để tỉnh mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết kinh tế, phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa với các tỉnh Bắc Trung Bộ- Duyên hải miền Trung và các nước trên Hành lang kinh tế Đông- Tây. Đặc biệt, ngày 25/6/2014, tại xã A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị) diễn ra lễ khai trương Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị)- La Lay (Salavan- Lào). Sự kiện này khẳng định vai trò, vị trí quan trọng về mọi mặt của cửa khẩu La Lay trong mối quan hệ mở rộng giao lưu phát triển kinh tế giữa các tỉnh lân cận của Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Thái Lan, thúc đẩy phát triển KT-XH giữa Quảng Trị và Salavan, đồng thời tác động sâu sắc đến sự phát triển KT-XH của mối liên kết vùng, tạo cơ hội cho các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia liên kết khai thác EWEC nhờ vào lợi thế rút ngắn lộ trình giao thông, qua đó kết nối thành một trục giao thông song song với EWEC. Đây còn là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác chiến lược toàn diện, là thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung son sắt, đoàn kết, tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam- Lào. Từ đây sẽ góp phần thúc đẩy việc phát triển hệ thống cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới hai nước, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, tạo tiền đề cho việc hoàn chỉnh quy hoạch toàn bộ hệ thống cửa khẩu biên giới Việt- Lào, hỗ trợ cho sự phát triển của Hành lang kinh tế Đông-Tây, cũng như thúc đẩy tiến trình kết nối ASEAN để tiến tới hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
 |
Bình yên sông nước Cửa Việt |
Cũng không nhiều địa phương trong nước có điều kiện tự nhiên được chia làm ba vùng sinh thái rõ rệt, mang lại tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng như tỉnh Quảng Trị. Đó là vùng miền núi và trung du với nhiều loại lâm đặc sản phong phú và quý hiếm; là địa bàn thích hợp để phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc, mở rộng kinh tế trang trại với các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Toàn bộ tiềm năng về nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai khoáng, thuỷ điện, du lịch... đều chủ yếu tập trung tại đây. Việc mở hướng giao thương về phía Tây của tỉnh qua hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay đang được triển khai mạnh mẽ. Việc hình thành Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo với cơ chế ưu đãi đặc thù đã trở thành một điểm nhấn đáng tự hào của tỉnh Quảng Trị sau 25 năm xây dựng và phát triển. Đó là vùng đồng bằng với nhiều tiềm năng để phát triển một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại với các vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh lạc, rau, đậu, thực phẩm. Đã có hai sự chuyển dịch đúng hướng đem lại hiệu quả quan trọng trong thực tiễn cuộc sống. Đó là chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng và sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Quỹ đất nông nghiệp hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu tham gia vào quá trình đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn; quỹ đất trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã được quy hoạch để bảo vệ, khai thác hợp lý, hiệu quả, lâu dài.
 |
Quốc lộ 9, tuyến giao thông huyết mạch trên Hành lang kinh tế Đông- Tây |
Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - nông nghiệp-thương mại dịch vụ được xác định từ rất sớm tạo điều kiện quan trọng để cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Với diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 80% đất tự nhiên và khoảng trên 75% cư dân của tỉnh sống ở vùng nông thôn, tốc độ tăng trưởng của ngành nông lâm, thủy sản những năm gần đây khoảng 3,8%/năm... khẳng định nền kinh tế nông nghiệp đang có dịch chuyển hợp lý trong tiến trình phát triển của tỉnh. Hiện tổng sản lượng lương thực có hạt đang tăng dần qua các năm, có năm đạt trên 23 vạn tấn. Cây cao su có sản lượng khai thác hàng năm có thể đạt 14.000 tấn, hồ tiêu với sản lượng trên 1.800 tấn, cà phê với sản lượng gần 7.000 tấn và sẽ tăng lên trong các năm tiếp theo. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Quảng Trị bờ biển dài 75 km, có đảo Cồn Cỏ cách đất liền 28 km, là điều kiện lý tưởng để phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển trên cơ sở đánh thức các tiềm năng về khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, phát triển dịch vụ du lịch, cảng biển và hậu cần nghề cá. Ngư trường rộng 9.000 km 2 với nhiều loại hải sản quý, khả năng đánh bắt hàng năm lên tới 17.000- 18.000 tấn. Nuôi trồng thủy sản cũng là một lợi thế nhiều triển vọng, có thể phát triển diện tích nuôi trồng từ 3.062 ha lên tới 6.500 ha vào năm 2020. Hiện cảng Cửa Việt đã nối Biển Đông với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, có khả năng đón tàu có trọng tải 5.000-6.500 DWT. Đặc biệt, tại bờ biển đoạn Mỹ Thủy- Gia Đẳng có đường đẳng sâu 15m nước chỉ cách bờ khoảng 500 m hội đủ các điều kiện để xây dựng một cảng biển nước sâu, có thể tiếp nhận tàu 40.000-50.000 DWT. Cách bờ biển Quảng Trị khoảng 100-120 km đã phát hiện mỏ khí đốt thiên nhiên với trữ lượng thăm dò lên đến 80 tỷ m 3 là điều kiện quan trọng mở ra khả năng đầy hiện thực để thúc đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch biển cũng đang được khai thác bước đầu, phục vụ lượng khách du lịch đến với Quảng Trị ngày một nhiều.
 |
Những làng quê no ấm |
Tính theo giá hiện hành, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội 25 năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt hơn 47.000 tỷ đồng. Từ nguồn lực quan trọng này, với những bước đầu tư bài bản, hợp lý, tập trung trước hết cho những lĩnh vực trọng yếu như giao thông, thủy lợi, điện, hạ tầng thương mại, góp phần hình thành hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, đưa vào hoạt động có hiệu quả như Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá và hơn 15 cụm công nghiệp phân bổ trên địa bàn các địa phương trong tỉnh. Bây giờ, đi qua những miền quê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, một cuộc sống bình yên, làng quê trù phú đang hiện hữu. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đang tạo một bước đột phá căn bản để một vùng nông thôn Quảng Trị rộng lớn phát huy nội lực, phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc văn hoá của một vùng đất anh hùng, địa linh nhân kiệt . Không khí thi đua làm ăn, làm giàu chính đáng cho mình và cho xã hội đang trở thành một phong trào rộng khắp ở địa bàn nông thôn, thành thị, và ở cả những vùng sâu, vùng xa, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của người dân Quảng Trị tính theo giá thực tế tăng hơn 16 lần so với những năm đầu mới lập lại tỉnh. Theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 11,76%. Kinh tế tăng trưởng khá, đời sống đại bộ phận nhân dân từng bước được cải thiện đã kéo theo sự khởi sắc vượt bậc trên các lĩnh vực từ giáo dục-đào tạo, y tế, an sinh xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa; trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua trên mảnh đất này. Quá khứ đói nghèo, lam lũ, chật vật đã lùi xa, tỉnh Quảng Trị đang giới thiệu với anh em, bè bạn một gương mặt mới, tươi tắn và tự tin trên con đường hội nhập và phát triển. Những thành tựu vượt bậc của tỉnh Quảng Trị sau 25 năm xây dựng và phát triển là kết quả của việc hết sức coi trọng và phát huy cao độ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong nhân dân. Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã nắm vững và vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào đặc điểm tình hình, lợi thế của địa phương, từ đó cụ thể hóa thành các nghị quyết, chủ trương, kế hoạch sát đúng, phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Hành trang của Quảng Trị đi vào tương lai trĩu nặng những giá trị truyền thống quý báu của một mảnh đất anh hùng và một nội lực đã được khai phóng, nội lực con người Quảng Trị không cam chịu đói nghèo, tụt hậu, luôn biết vượt lên gian khó, tận dụng thời cơ, đưa quê hương đi lên trên con đường no ấm, mạnh giàu. Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH