Đi qua ngày tháng cũ
(QT Xuân) - Vậy là đã hết năm cũ! Ngày cuối năm, cảm giác bơ lơ, bửng lửng như tự dưng vô duyên vô cớ đánh rơi một thứ gì đó quí giá. Cái gì quí giá tự nhiên đánh rơi? Tuổi xuân ư? Ừ! đúng nó thiệt rồi! Nhưng nó không tự nhiên, vô duyên vô cớ ta đánh rơi mà nó bị thời gian đánh cắp đấy chứ. Hồi trẻ con, ta nhớ, cứ hết đông, cứ hết năm, cứ mùa xuân tới là vui đến tận cùng. Trẻ con với tết, với mùa xuân là bánh là quà, là manh áo mới, đôi giày mới... Ta nhớ, thời đó nghèo khó nhưng cứ mỗi độ cuối năm, mẹ lại sắm sửa cho ta một bộ cánh thật tươm để kịp đón xuân về. Cha từ đơn vị mang về một đôi dép, có khi là đôi săng đan, có khi là đôi săm pô và có khi là đôi dép nhựa Sông Hàn mà nếu tính ra thì cả bà và mẹ đều dùng được. Vậy mà luôn sung sướng biết bao!
 |
Mùa sen - Ảnh: TRÀ THIẾT |
Ta nhớ, trong suốt tuổi thơ luôn ước mơ có một đôi giày cỏ, để được nhảy múa như những diễn viên múa mà ta mê mẩn trong những bức hình họa báo cha mang về. Nhưng chỉ duy nhất ước mơ ấy vẫn không thành cho đến khi ta lớn lên vì thời đó giày cỏ (giày của diễn viên múa làm chi được bán vô tư như bây giờ). Và ba, đến bây giờ vẫn tiếc nuối, giá như có ba đã mua cho con. Ôi thương thay thời nghèo khó, thương tấm lòng của cha, mãi mãi “nước chảy xuôi” nên cứ áy náy vì những điều chưa làm được cho con cái mình. Rồi lớn lên, khi thành thiếu nữ, những giọt mưa mùa xuân có sức thôi miên ta, hấp dẫn ta đến lạ! Những buổi sáng đến trường, từ rất sớm phải băng qua quãng đường gần 4 cây số với những cánh đồng trơ gốc rạ, với những vọc khoai trồng trên trưa mạ cũ, với cái lạnh buốt thấu xương từ nước những con mương...ta đến trường với hân hoan đôi dép mới, được bỏ lì trong cặp sách (vì không thể lội xuống bùn, đi trên cát với đôi dép mới sẽ rất uổng), với trên tóc là những hạt mưa xuân bám nhẹ rung rinh, nụ cười rạng tươi trên khuôn mặt ướt rượi. Ngày ấy, cha về hưu. Từ chối nhận hỗ trợ mấy tạ xi măng và mấy tạ sắt của nhà nước cho một sĩ quan sau hơn 30 năm binh lửa về sửa chữa lại căn nhà cũ đã dột nát, cha mua cho hai mẹ con hai chiếc áo len màu đỏ. Chiếc áo của mẹ cổ lọ còn của ta là model lúc bấy giờ - áo khoác len có mũ, trên mũ có một vành len cắt trông như mũ công chúa Trung Nguyên. Cho đến bây giờ, khi đã tự mình mua đủ thứ áo váy, mà sao ta không thể quên nổi chiếc áo len được đổi bằng hơn 30 năm chinh chiến của cha. Khi đi trong mưa, khoác chiếc áo ấy, kéo chiếc mũ đội đầu, những giọt mưa cứ bám theo vành mũ, cảm giác như những giọt ngọc trong veo đính trên vương miện của cô công chúa ngày xưa! Ôi, ảo tưởng đáng yêu làm sao!
 |
Hoa xuân - Ảnh: CAO VĂN TỈNH |
Hồi đó, ta thường thích đi trong mưa, được nếm vị ngọt của mưa mà chưa bao giờ biết sợ trong nước mưa có chất độc hại, ô nhiễm như bây giờ. Mưa phùn mùa xuân nó lạ lắm! Cho dù trời rét căm nhưng mưa không làm cho ta có cảm giác lạnh, cái cảm giác “ Mưa phùn rơi trên tóc em/Xóa những nỗi buồn ngang dọc phố” là vậy! Mưa phùn mùa xuân - cái cảm giác ngọt ngào, như mơn trớn, như xúi giục, như dỗ dành... Mưa phùn mùa xuân - cái cảm giác trong trẻo, thánh thiện... làm ấm lòng ta, rủ rê ta bước đi trong cảm xúc miên man về một thứ đẹp đẽ đang mê hoặc ta, vẫy gọi ta phía trước. Bao nhiêu lần ta đã dầm mưa xuân? Bao nhiêu lần ta đứng trong mưa xuân với niềm hạnh phúc? Bây giờ ta đâu còn nhớ nữa, chỉ vĩnh viễn còn lại một thứ cảm xúc rất mơ hồ, rất xa xôi về mưa... Bây giờ, khi đã là một người đàn bà trưởng thành, nghĩ đến ngày mưa xa xôi ta nhớ đến bần thần nhưng nhìn tờ lịch với ngày cùng tháng tận đi qua, nhìn những hạt mưa phùn rơi xiên qua bầu trời trong cái u ám của mây mù và buốt lạnh của giá rét, ta không còn thấy háo hức nữa. Ta bỗng nhớ đến mấy câu thơ rất cũ... “ Tuổi nào vừa đi qua/Rụng một thì con gái/bài thơ xưa khép lại/bâng quơ hát một mình/Tình tang ơ tình tang/Cỏ non xanh mái tóc/Ai gãy đàn trong đêm/Ngỡ như là tiếng khóc/Anh chắc giờ đã quên/Chắc anh giờ quên mất/Siết một vòng eo cong/Nửa khuya hoa quỳnh nở/Hơi thở dài mênh mông/Anh trong tim lén lút/Đánh cắp em tình đầu/Giá mà em biết trước/Con mơ giờ không đau.. .”. Vậy là đã hết đông, vậy là xuân sắp về, vậy là qua hết ngày tháng cũ, vậy là thời gian đánh cắp mất của ta tất cả! Có vẻ là thế thật nên ta không còn vui! Không còn hồ hởi hoan ca, không còn háo hức đón chờ... Mọi thứ đang trôi, sẽ trôi về miền xa tít tắp. Và chỉ còn một thứ mà những người đàn bà như ta đang nắm giữ, đó là niềm hy vọng về những mầm cây bé bỏng. Hy vọng những mầm cây bé bỏng ấy của ta sẽ trưởng thành. KHÁNH HÀ