(QT) - Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với đó là nạn khai thác sát sỏi trái phép đã làm cho tình trạng sạt lở bờ sông tại các địa phương trong tỉnh diễn biến hết sức nghiêm trọng, tốc độ xói lở nhanh, phạm vi và quy mô ngày càng lớn, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Vấn đề này đang đặt ra thách thức trong triển khai các giải pháp cụ thể nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.
![]() |
Điểm sạt lở bờ sông đoạn qua Khu phố 1, Phường 1, thị xã Quảng Trị. Ảnh: LA |
Theo Phó Chủ tịch UBND Phường 1, thị xã Quảng Trị Lê Lập Vũ Quỳnh, do ảnh hưởng của các trận lũ lụt trong những năm gần đây nên tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn đi qua địa bàn Phường 1 xảy ra hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là tại Khu phố 1, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 12 hộ dân đang sinh sống ở khu vực này. Cụ thể, điểm sạt lở có chiều dài khoảng 500 m, ăn sâu vào đất liền từ 10 - 20 m, chiều cao từ mặt nước tự nhiên đến mặt đất từ 5 - 7 m; trong đó, mỗi hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở từ 20 - 50 m chiều dài.
Một số hộ như hộ bà Lê Thị Phàn bị sạt lở 100 m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhà ở của hộ ông Trần Văn Canh chỉ còn cách bờ sông khoảng 5 - 7 m, có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà nếu tiếp tục sạt lở trong thời gian tới. Ông Quỳnh cho biết: Tình trạng sạt lở này bắt đầu xuất hiện trong khoảng 5 - 7 năm trở lại đây và tốc độ sạt lở ngày càng nhanh gây tâm lí hoang mang, lo lắng cho các hộ dân sống ở khu vực này khi mùa mưa bão đến. Nguyên nhân được xác định là do đây là đoạn cong của dòng sông, đáy sông sâu và lệch về phía bờ lõm nên vào mùa mưa bão, nước lũ từ thượng nguồn đổ về tạo dòng chảy mạnh tác động trực tiếp vào bờ sông gây sạt lở.
Còn tại xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, do nằm sát bờ sông Nhùng nên đoạn đường đi qua thôn Trâm Lý đã bị sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở này có chiều dài hơn 100m, độ sâu gần 10m. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời thì trong mùa mưa lũ, nguy cơ con đường này bị nước cuốn trôi là rất lớn. Điều đáng nói, đây là con đường huyết mạch nối liền 2 xã Hải Phú và Hải Quy với các vùng phụ cận, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn lượt người dân, học sinh và phương tiện xe cộ đi lại. Hơn nữa, phía hạ nguồn dòng chảy của con sông Nhùng là hàng trăm hộ dân và hàng trăm héc ta đất sản xuất nông nghiệp của thôn Trâm Lý.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quy Lê Văn Lạt, hiện trên địa bàn xã Hải Quy có 3 điểm sạt lở ven con sông Nhùng, với khối lượng đất bị nước lũ cuốn trôi hơn 2.000 m3 và khoảng 3.000m2 đất sản xuất nông nghiệp bị xâm thực; đặc biệt nước lũ đã làm xói lở nhiều đoạn đường giao thông trên địa bàn xã và đường liên xã. Trước thực trạng đó, mặc dù UBND xã đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tác hại và có phương án cảnh báo tạm thời, tuy nhiên người dân vẫn đang hết sức lo lắng trước tình trạng sạt lở bờ sông. “Để bảo đảm an toàn và hạn chế thiệt hại, UBND xã đã tiến hành cắm biển cảnh báo, rào chắn khu vực sạt lở nguy hiểm để người dân chủ động phòng tránh; gia cố tạm thời bằng cọc tre, bao cát, đá hộc… nhưng đây chỉ là phương án phòng ngừa trước mắt. Về lâu dài rất cần sự hỗ trợ của cấp trên trong việc kiên cố hóa bởi đoạn sạt lở này đã ăn sâu vào đường dân sinh, có tác động, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như giao thông đi lại của người dân”, ông Lạt cho hay.
Tại huyện Triệu Phong, do ảnh hưởng của trận mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua, nhiều xã nằm ven sông Thạch Hãn trên địa bàn huyện đã tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, giao thông đi lại và cuộc sống của người dân. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Văn Nhuận cho biết: Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có 5 xã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông gồm Triệu Giang, Triệu Long, Triệu Phước, Triệu Thuận và Triệu Độ với chiều dài hơn 5km. Trong đó có một số xã tình trạng sạt lở xảy ra khá nghiêm trọng, đơn cử như tại xã Triệu Long, sau trận mưa lũ đầu tháng 9, trên địa bàn xã tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra khá lớn với chiều dài gần 1,2 km, kéo dài từ cầu An Mô đến thôn Đại Lộc Hạ. Có điểm sạt lở sâu vào đất liền gần 10m, với hơn 25.000 m3 đất bị nước cuốn xuống dòng sông. Hàng chục hộ dân ở ven sông đang có nguy cơ ảnh hưởng, trong đó có hai hộ đang nằm trong vùng nguy hiểm.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh, với việc thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai, đặc biệt là các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt... xảy ra với tần suất và cường độ lớn hơn trước, làm cho tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trở nên ngày càng vô cùng nghiêm trọng và diễn biến khó lường. Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 125 km sạt lở bờ sông, bờ biển; trong đó 19 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 70 km sạt lở nguy hiểm. Một số khu vực sạt lở cấp bách như bờ hữu sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong) dài 0,5 km; đoạn qua thôn Đại Lộc - Đâu Kênh, xã Triệu Long (huyện Triệu Phong) dài 1,4km; bờ tả sông Thạch Hãn đoạn qua phường An Đôn (thị xã Quảng Trị) dài 0,7km; sông Sê băng hiêng đoạn qua xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) dài 0,5km; dọc bờ tả, hữu các sông Tân, Cựu Vĩnh Định, Mai Lĩnh, Ô Giang sạt lở sát chân đê với chiều dài hơn 7 km gây nguy cơ sạt lở hệ thống đê bao; bờ biển đoạn qua Khu di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và xã Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh) dài 3 km.
Hiện tượng sạt lở đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế- xã hội và ổn định đời sống dân cư của địa phương, làm ảnh hưởng đến đời sống của 2.364 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu tại 86 thôn, khu phố thuộc 37 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số hộ hiện đang sống trong vùng nguy hiểm bị đe dọa đến an toàn tính mạng là 597 hộ với gần 3.000 nhân khẩu. Tổng diện tích đất sản xuất bị cuốn trôi giai đoạn từ năm 2010 đến nay khoảng 250 ha. Nhiều khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp và gây mất an toàn đến hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, như các tuyến đường giao thông, công trình đê điều, nhà ở và nhiều loại công trình công cộng khác.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lê Quang Lam cho biết: Trước tình hình sạt lở đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, để kịp thời chủ động ứng phó với vấn đề sạt lở, trong điều kiện nguồn lực của tỉnh, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu và tổ chức triển khai các giải pháp đảm bảo phù hợp và hiệu quả. Trước mắt, tập trung và ưu tiên bố trí kinh phí để kịp thời khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, kịp thời triển khai di dời dân đối với một số khu vực trong trường hợp cấp thiết. Đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động trong phòng ngừa đảm bảo an toàn, kịp thời khắc phục các vị trí sạt lở trong khả năng của địa phương. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển. Về lâu dài, để chủ động trong ứng phó và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2018 Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành Đề án “Ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó bao gồm, nhóm giải pháp phi công trình như tập huấn, tuyên truyền, nâng cao năng lực, ý thức và tính chủ động đối với chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư về phòng ngừa, ứng phó và xử lí sạt lở bờ sông, bờ biển; điều tra, xây dựng bản đồ cảnh báo vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển; điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp bố trí dân cư; gắn liền công tác ứng phó sạt lở với phát triển kinh tế- xã hội; quy hoạch khai thác cát, sỏi; quy hoạch sử dụng đất dọc bờ sông, bờ biển đảm bảo yêu cầu phòng chống sạt lở; thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng quản lí đê nhân dân để quản lý các tuyến đê, kè, sạt lở bờ sông, bờ biển tại các địa phương; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lí việc khai thác cát, sỏi, khoáng sản và các hoạt động trái phép nguy cơ gây sạt lở bờ sông, bờ biển; trồng cây chắn sóng, chắn cát ven bờ; nghiên cứu các mô hình thực nghiệm, áp dụng công nghệ mới trong xử lí sạt lở bờ sông, bờ biển. Nhóm giải pháp công trình như triển khai đầu tư xây dựng 87 km kè bảo vệ bờ sông, bờ biển dọc các khu vực sạt lở cấp bách, nguy hiểm và thực hiện nạo vét 62 km chiều dài các trục tiêu, khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát lũ. Thực hiện nghiêm túc về thứ tự ưu tiên đầu tư theo danh mục, trên cơ sở tình hình thực tế của các khu vực sạt lở để áp dụng giải pháp kĩ thuật đảm bảo khả thi, phù hợp, thân thiện với môi trường và phát huy hiệu quả lâu dài.
“Việc triển khai thực hiện các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để ứng phó hiệu quả với vấn đề sạt lở yêu cầu rất lớn về nguồn lực. Do đó, trong thời gian tới, Chi cục Thủy lợi sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất, huy động và tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau để ưu tiên cho công tác ứng phó, từng bước hạn chế và khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, góp phần xây dựng cộng đồng thực sự an toàn trước thiên tai, ổn định đời sống dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”, ông Lam khẳng định.
Lê An