Khi lòng tốt không được nhân đôi...
(QT) - Chỉ vì nghi ngờ cháu lấy cắp tài sản của gia đình mình, người đàn ông này đã nhẫn tâm dùng nước sôi dội lên người một đứa trẻ mặc cho em kêu gào trong đau đớn. Vậy nhưng, khi đứng trước vành móng ngựa, bị cáo vẫn cố tìm mọi lý lẽ để biện minh cho hành động của mình, cho rằng đó là kết cục tất yếu mỗi khi lòng tốt bị tổn thương... Tuổi thơ buồn...

Khi lòng tốt không được nhân đôi...

(QT) - Chỉ vì nghi ngờ cháu lấy cắp tài sản của gia đình mình, người đàn ông này đã nhẫn tâm dùng nước sôi dội lên người một đứa trẻ mặc cho em kêu gào trong đau đớn. Vậy nhưng, khi đứng trước vành móng ngựa, bị cáo vẫn cố tìm mọi lý lẽ để biện minh cho hành động của mình, cho rằng đó là kết cục tất yếu mỗi khi lòng tốt bị tổn thương... Tuổi thơ buồn...

Em Q đang được các bác sĩ điều trị vết bỏng tại Bệnh viện
Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo Gio An (Gio Linh, Quảng Trị), từ nhỏ Trần Văn Q đã phải sớm chịu cảnh mồ côi mẹ. Mẹ mất năm Q mới lên 5 tuổi và em trai Q vừa tròn 2 tuổi. Cuộc sống của mấy cha con Q cứ trôi đi trong cơ cực. Cuộc sống nghèo khổ, lại thiếu hơi ấm và bàn tay chăm sóc của mẹ nên từ nhỏ, Q là một em bé lầm lì, ít nói. Không lâu sau đó, Q gặp tai nạn. Hậu quả của vụ tai nạn khiến em bị bể xương chậu, chân trái phải đi cà nhắc và sức khỏe bị giảm sút rất nhiều. Năm 2000, ba Q tái hôn với người phụ nữ khác và sinh thêm được một người con gái. Mẹ kế của Q rất thật thà và tốt bụng. Chính người mẹ này đã tìm kiếm mọi sự giúp đỡ từ những cá nhân, tổ chức hảo tâm để gia đình có đủ kinh phí đưa Q đi Bệnh viện TƯ Huế phẫu thuật chân. Việc đi lại của Q nhờ đó có phần dễ dàng hơn. Nhưng rồi mất mát lại một lần nữa ập đến ngôi nhà Q khi em trai của em đột ngột qua đời. Q trở nên lầm lỳ, ít nói hơn. Học đến lớp 9 thì em nghỉ học, ở nhà phụ giúp ba mẹ việc đồng áng. Cuộc sống khó khăn khiến ba mẹ Q ít có thời gian quan tâm con cái, vì thế Q thường bị bạn bè xấu rủ rê, tham gia vào những vụ trộm cắp vặt của hàng xóm. Lần gần đây đây nhất, Q đã lấy cắp một chiếc xe đạp, bán và lấy tiền tiêu xài cùng bạn bè. Vụ việc sau đó bị phát hiện nên gia đình em phải bồi thường 700 ngàn đồng cho người mất xe. Vừa bị ba mẹ la mắng, vừa sợ công an đưa đi trại giáo dưỡng nên Q đã bỏ nhà ra đi. Không một đồng xu dính túi, em đã trải qua nhiều ngày lang thang, vạ vật khắp nơi, làm thuê mọi việc để kiếm sống qua ngày. Cuối cùng, Q tìm đến nhà một người bà con ở thôn Tân An, xã Vĩnh Hiền xin tá túc và ở đây, em đã được ông A đón về nhà ở. Công việc hàng ngày của em là phụ giúp gia đình ông thu hoạch mủ cao su ở sau vườn nhà. Nếu câu chuyện dừng lại ở đây thì nghĩa cử của gia đình ông A đối với Q thật đáng quý. Tuy nhiên, lòng tốt đó đã không được nhân lên mà biến thành tội ác khó tha thứ. Lòng tốt không được nhân đôi... Cái nắng gay gắt của một ngày tháng 6 khiến bầu không khí trong hội trường xử án càng thêm bức bối. Rất đông người dân sinh sống ở khu vực thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) đã đến đây từ sớm để theo dõi phiên tòa lưu động xét xử vụ án cố ý gây thương tích đối với Trần Văn Q. Mặc dù đã đọc qua cáo trạng, nhưng khi nghe chính bị cáo kể lại diễn biến sự việc, tôi vẫn không tin đó là một câu chuyện có thật. Từng lời, từng lời của bị cáo cứ rành rọt đến tàn nhẫn, đau lòng. Càng ngạc nhiên hơn khi giữa bị cáo và bị hại không phải là người xa lạ, mà theo vai vế trong họ thì bị hại phải gọi bị cáo bằng ông. Câu chuyện bắt đầu từ một vụ mất cắp tài sản trong gia đình ông Nguyễn Đức A (tên bị cáo). Ngay lập tức, đối tượng mà ông ta nghi ngờ chính là Q, người mới chỉ vào ở nhà ông được ít hôm. Bỏ dở công việc làm đồng, ông A tất tả chạy về nhà, gọi Q ra và hỏi: “Có phải mi đã lấy cắp đồ trong nhà tau không?”. Và không đợi câu trả lời từ Q, một trận đòn phủ đầu tới tấp dội xuống cơ thể gầy yếu của em. Số tiền bị mất cắp, theo lời bị cáo là 2,7 triệu đồng và 1 chỉ vàng 24k. Ban đầu, Q nhất quyết không khai nhận mình đã lấy số tiền vàng nói trên, nhưng sau khi bị đánh bằng roi và dây điện, em khai mình đã cất giấu tài sản lấy cắp trong vườn cao su của ông A. Tuy nhiên, khi gia đình bị cáo đến địa điểm Q khai thì không tìm thấy tài sản bị mất. Vì thế, trong cơn giận dữ, ông A tiếp tục tra hỏi, đánh đập Q. Chưa hả giận, bị cáo sai vợ đun nước sôi rồi dội lên tay, chân của Q. Mặc cho cơ thể của Q đầy những vết thương do bị bỏng, bị đánh đập nhưng bị cáo vẫn tàn nhẫn trùm bao lác lên người rồi bắt em đi tìm tang vật tại vườn cao su. Sau nhiều lần tìm kiếm nhưng không thấy, trở về nhà, bị cáo tiếp tục đun sôi ấm nước rồi dội lên người Q lần hai. Bị cáo còn dùng kìm bấm móng tay bấm vào lỗ tai Q để bắt em khai vị trí cất giấu tài sản lấy cắp. Suốt một ngày tra tấn nhưng không thu được kết quả, đến ngày hôm sau bị cáo mới giao nộp Q cho công an xã. Lúc này, em mới được đem đến Bệnh viện chữa trị. Từ đầu cho đến cuối phiên tòa, tôi luôn tự hỏi, vì sao trong gia đình bị cáo không một ai dám đứng ra ngăn cản hành vi tàn nhẫn của chồng, của cha mình? Theo thẩm phán phiên tòa, tuy là người đun nước sôi cho chồng nhưng vợ bị cáo lại không biết được mục đích của chồng là dùng nước đó để dội lên người cháu Q. Liệu có đúng như vậy không khi người vợ đã chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc? Cho đến khi hậu quả xảy ra, Q bị mất 36% sức khỏe và tinh thần bị tổn thương nghiêm trọng thì những người trong gia đình bị cáo đã né tránh trách nhiệm bằng những lập luận hết sức ngờ nghệch. Bị cáo biện bạch: "Tui làm rứa là vì tui thương cháu mà cháu lại không trả ơn....Mất tài sản nên tui thấy xót, rồi lại bực tức vì sự gian dối của cháu nên mới có hành động như rứa". Con trai bị cáo, cũng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hỏi HĐXX: "Cơ sở nào để tòa buộc gia đình bị cáo phải bồi thường cho Q 12 triệu đồng? Hắn chỉ là một đứa cù bơ cù bất, một đồng xu dính túi cũng không, có nằm viện hay mất chừng đó sức khỏe thì cũng không có nghĩa phải bồi thường nhiều đến thế". Còn vợ bị cáo thì trình bày: "Tòa phải xem xét lại, chứ gia đình lấy đâu ra tiền mà bồi thường đây, trong khi đó, tài sản bị mất cắp còn chưa tìm ra". Mọi người đã không hiểu ra một điều đơn giản rằng cho dù gia đình có bồi thường bao nhiêu đi nữa cũng khó lấy lại sự thăng bằng trong tâm hồn của Q khi em phải chịu cảnh tra tấn hết sức dã man trong nhiều giờ liền. Kết quả giám định pháp y cho thấy tỷ lệ thương tật trên cơ thể Q là 36% và bị ảnh hưởng đến thẩm mỹ do diện tích sẹo bỏng dính 20%. Người gây ra hậu quả đau lòng trên đã nhận một bản án 5 năm 6 tháng tù giam cho hành vi phạm tội của mình. Nhìn bóng dáng nhỏ bé của Q với những bước chân cà nhắc lẫn trong dòng người đến xem xử án, muốn nói một câu gì đó nhưng không hiểu sao cổ họng tôi cứ nghẹn lại. Gương mặt em nhuốm vẻ sầu muộn, không muốn nói, cũng chẳng muốn nghe ai nói bất cứ câu gì. Từ đầu đến cuối phiên tòa, chỉ thấy em ngồi im lặng. Vị chủ tọa phiên tòa hỏi đến đâu, em trả lời đến đấy. Mọi chuyện đã quá rõ ràng và em cũng không muốn khai thêm bất cứ điều gì. Tranh thủ lúc tòa nghị án, tôi cố gắng bắt chuyện với em nhưng cũng chỉ nhận được những cái gật đầu chiếu lệ. Có lẽ, câu chuyện trên đã trở thành nỗi ám ảnh trong em, cũng là bài học để cho em phải nhớ suốt đời. Đành phải nhắn nhủ với ba mẹ Q rằng gia đình nên gần gũi, chăm sóc và giáo dục để em trở thành người tốt. Bài, ảnh: Hoài Hương