Ngày Cu Pua có điện
(QT) - Cu Pua là bản có hơn 200 hộ dân nằm bên kia sườn núi ngăn cách bởi dòng Đakrông, suốt bao năm nay người dân nhẫn nại đi về trên chiếc cầu tự tạo là sợi cáp lắt lẻo vắt qua sông. Nơi đây là bản duy nhất ở Quảng Trị nói không với bia rượu, thuốc lá. Cu Pua cũng là 1 trong 15 bản làng cuối cùng của tỉnh Quảng Trị vừa bừng sáng ánh điện trước thềm xuân mới Bính Thân- 2016. Chiều cuối năm, hơi lạnh của núi rừng không thể ngăn được sự hồ hởi trong mỗi bước chân của chúng tôi tìm về bản Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông để tham gia vào ngày hội “Mừng điện về bản”. Chưa bao giờ Cu Pua đông vui như thế. Trong những nếp nhà sàn, những ghè rượu cần cùng các món ăn truyền thống đồng bào sực nức hương thơm. Vào dịp trọng đại này, già làng Hồ Ốt vẫn không quên nhớ lại: “Khi chưa có điện, đường, trường, trạm... người dân ở đây khổ cực lắm. Hàng ngày, trẻ em đến trường phải vượt sông Đakrông bằng hai sợi cáp rất nguy hiểm. Sống trong cảnh không có ánh sáng điện, thiếu kiến thức làm ăn nên đói nghèo cứ đeo bám mãi. Điện thắp sáng là ước mơ bao đời của dân bản chúng tôi”.
 |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Công ty Điện lực Quảng Trị cùng vui bên màn hình ti vi với người dân sau khi thôn Cu Pua có điện |
Cuộc sống của người dân bản Cu Pua nay đã bước sang trang mới khi Tổng Công ty Điện lực miền Trung quyết định xây dựng hệ thống lưới điện thắp sáng thôn Cu Pua cùng một số bản chưa có điện ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Khởi công từ 29/5/2015, đây là công trình thuộc Tiểu Dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn-phần mở rộng tỉnh Quảng Trị với tổng vốn đầu tư trên 71 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống đường dây, công tơ điện và bóng điện trong nhà cho 225 hộ đồng bào dân tộc tại 5 thôn, bản thuộc các xã Tà Long, Đakrông, Hướng Hiệp của huyện Đakrông. Qua đó tạo nên bước đột phá tích cực trong việc đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, góp phần “phủ sóng” lưới điện khắp các vùng miền trên toàn tỉnh. Ông Phạm Sỹ Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết: “Vượt qua bao khó khăn, gian khổ do địa hình vùng cao bị chia cắt bởi đồi núi và sông suối, ngành điện đã và đang nỗ lực lắp đặt hệ thống đường dây để mang điện sáng đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Phấn đấu trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 hoàn thành việc “phủ sóng” điện cho 15 thôn, bản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để người dân an tâm vui xuân, đón tết”. Để hoàn thành công việc đúng tiến độ Tổng Công ty đề ra, suốt mấy tháng nay hàng trăm công nhân của PC Quảng Trị đã miệt mài với công việc để kéo điện về bản. Một khi tận mắt nhìn thấy những cây cột điện cao ngất ngưởng, nặng nề được vận chuyển vượt sông Đakrông, băng qua các triền đồi, nhìn chiếc đồng hồ điện đấu nối dây vào nhà, nhìn bóng đèn thắp sáng là người dân hết sức vui mừng. Ngày đóng điện về bản trở thành ngày hội lớn của đồng bào nơi đây. Bên ánh lửa hồng, già, trẻ, gái, trai các bản cùng hòa mình vào những điệu nhảy truyền thống rộn rã tiếng cồng, chiêng. Dạo một vòng quanh bản Cu Pua, tôi thấy những trụ điện thẳng tắp, những đường dây điện giăng toả khắp núi đồi mang ánh sáng văn minh về từng nếp nhà sàn nơi vùng cao heo hút. Có điện, cuộc sống bà con gần như thay đổi hẳn. Giờ đây, khi đêm xuống người dân không còn phải chong đèn hay nhóm bếp lấy ánh sáng mà quây quần dưới ánh điện cùng xem ti vi để mở mang kiến thức. Từ đó, vốn hiểu biết cũng được nâng lên, bà con có thể học tập và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sinh hoạt và sản xuất để thay đổi cuộc sống và tập quán canh tác lạc hậu lâu nay. Anh Trần Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông bộc bạch: “Từ bao đời nay bà con trong bản luôn mơ ước có điện để sinh hoạt và sản xuất. Bây giờ ánh sáng văn minh đã vào đến từng nhà, tạo tiền đề quan trọng giúp địa phương thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tất cả đều nhờ ơn Đảng và Nhà nước.” Có điện, nhiều hộ gia đình đã mua ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh, máy tính…để phục vụ cuộc sống, để học hỏi áp dụng những cách làm hay qua đó thay đổi cuộc sống của gia đình và bản làng. Việc đưa điện lưới quốc gia lên vùng cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Điện về sẽ tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, góp phần thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới. Đồng chí Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết thêm: “Mặc dù trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã tập trung các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng cho các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhưng do địa hình đồi núi xa xôi, dân cư phân tán, xa trung tâm nên việc kéo điện về với đồng bào gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự nỗ lực của ngành điện nên đã “phủ sóng” điện cho 15 thôn, bản cuối cùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giúp bà con cải thiện đời sống dân sinh, thay đổi cuộc sống thông qua việc sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, điện sẽ góp phần để người dân hiểu được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”. Trong hơi lạnh của núi rừng khi màn đêm buông xuống, chúng tôi nghe âm thanh rộn ràng của tiếng nhạc, tiếng ti vi phát ra từ những mái nhà sàn, người già, con trẻ không ai chịu rời mắt khỏi màn hình. Từ đây cuộc sống của người dân đã có sự đổi thay. Điện về giúp họ có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sản xuất phát triển, để họ càng thêm tin tưởng và kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN