Sau một thời gian khởi nghiệp từ nghề mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ, đến nay, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Hoàng Uy ở Khu phố 6, Phường 5, thành phố Đông Hà đã mang lại nguồn thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng mỗi năm.
![]() |
Anh Hoàng Uy (bên trái) giới thiệu các sản phẩm mộc mỹ nghệ do cơ sở của anh sản xuất-Ảnh: T.Q |
Đến thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của anh Hoàng Uy, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước những bộ bàn ghế, những bức tranh gỗ, tượng gỗ… được chạm khắc tinh xảo. Trao đổi với chúng tôi, anh Uy cho biết, năm 2001, sau khi học nghề điêu khắc tại tỉnh Bắc Ninh anh bắt đầu bén duyên với nghề mộc tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Sau 4 năm cần mẫn làm việc để học hỏi kinh nghiệm, với số vốn tích lũy được anh quyết định khởi nghiệp bằng nghề mộc tại thành phố Đông Hà. Thời gian đầu, do số vốn ít nên anh chỉ làm nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng bàn ghế, giường tủ, rồi nhận thi công các công trình về gỗ trong nhà ở như cửa gỗ, cầu thang, trần nhà… Trong quá trình làm nghề mộc, anh nhận thấy cùng với các loại mộc dân dụng thì thời gian gần đây các mặt hàng mộc mỹ nghệ đang rất được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là các loại đồ gỗ nội thất, tranh treo tường bằng gỗ, tượng gỗ các loại.
Với sự nhạy bén của mình, cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân Phường 5, anh Uy mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để đầu tư các loại máy móc thiết bị hiện đại như máy cưa vòng, máy cưa bào liên hợp…, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất và nhà trưng bày lên hơn 600 m2 . Anh Uy chia sẻ, ban đầu, cơ sở sản xuất của anh gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm do anh phải tự đi tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm và tự mày mò, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất sản phẩm phù hợp, thậm chí anh phải nhận gia công sản phẩm cho các cơ sở khác để duy trì sản xuất. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cộng với năng khiếu hội họa và bản tính cần cù, chịu khó nên các sản phẩm trang trí nội thất, đồ thủ công mỹ nghệ của anh sản xuất ra dần dần có mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng, được thị trường ưa chuộng. Tiếng lành đồn xa cùng với tay nghề, uy tín, chất lượng sản phẩm ngày càng được khẳng định, cơ sở mộc mỹ nghệ của anh bắt đầu thu hút được lượng khách hàng rộng lớn hơn, không chỉ ở trong tỉnh mà khách hàng ở các địa phương lân cận cũng tin tưởng tìm đến đặt hàng.
Theo anh Uy, để các sản phẩm mộc mỹ nghệ đạt độ tinh xảo, sắc nét thì sau khi tạo hình sản phẩm bằng máy theo ý tưởng phác họa, người thợ phải tỉ mỉ gọt, tỉa, trau chuốt bằng tay cẩn thận. Nguồn gỗ phải có nguồn gốc rõ ràng; không chỉ nguồn nguyên liệu gỗ trong nước, anh còn tìm kiếm các đầu mối nhập gỗ từ Lào, Nam Phi để sản xuất theo đơn đặt hàng của khách. Hiện cơ sở sản xuất dân dụng và mộc mỹ nghệ của anh đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/người/tháng. “Thời gian tới tôi sẽ nghiên cứu trang bị thêm các loại máy móc hiện đại hơn như máy CNC… để vừa tăng năng suất lao động, vừa cho ra những sản phẩm đẹp, đều, sắc nét”, anh Uy cho hay.
Chủ tịch Hội Nông dân Phường 5 Trần Ngọc Ánh đánh giá rất cao sự nỗ lực, chịu khó học hỏi, tìm tòi để khởi nghiệp cũng như tìm kiếm thị trường, sáng tạo ra mẫu mã mới của anh Uy. Theo ông Ánh, trên địa bàn phường có 6 hộ sản xuất mộc mỹ nghệ, trong đó cơ sở sản xuất của anh Uy từ cơ sở nhỏ đã được hội hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi qua các ngân hàng để mở rộng, đầu tư máy móc sản xuất. Qua đó đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. “Thời gian tới, Hội Nông dân phường sẽ tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chương trình khuyến công của tỉnh để mô hình tiếp tục phát triển hơn nữa. Đồng thời, xúc tiến thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp mộc mỹ nghệ trên địa bàn phường để liên kết các hộ sản xuất, tạo thuận lợi trong trao đổi kinh nghiệm cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế gia đình”, ông Ánh khẳng định.
Thục Quyên